Sự kiện
Thứ hai , 05/08/2019, 14:30

'Nhiều đất diễn cho startup tham gia sân chơi thương mại điện tử'

Các chuyên gia cho rằng bên cạnh tự triển khai kinh doanh, startup cần tận dụng hợp tác với các ông lớn ecommerce, cùng nhau khai thác hệ sinh thái thương mại điện tử rộng lớn.

Hội thảo "Ecommerce - Hợp tác với người khổng lồ" là sự kiện mở đầu cho chuỗi workshop chuyên sâu thuộc khuôn khổ cuộc thi khởi nghiệp Startup Việt 2019, do Báo VnExpress tổ chức vào sáng 31/7. Chương trình thu hút hơn 200 người tham dự, gồm các chuyên gia, lãnh đạo cấp cao, nhân sự điều hành và chủ doanh nghiệp startup thuộc hệ sinh thái thương mại điện tử.

Theo khảo sát của Google, lĩnh vực thương mại điện tử Đông Nam Á ghi nhận mỗi tháng có khoảng 3,8 triệu người dùng mới và sở hữu tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới từ 2015-2020. Bắt nhịp khu vực, sân chơi tại Việt Nam cũng đang chứng kiến cuộc đua giành thị phần gay cấn với sự bứt phá ngoạn mục của nhiều doanh nghiệp nội địa, cùng nhiều chiến lược tăng tốc của các đại gia ngoại. Nội dung hội thảo tập trung phân tích bức tranh sôi động của thị trường tại khu vực lẫn trong nước, cái nhìn toàn cảnh về hệ sinh thái thương mại điện tử Việt Nam, cung cấp cho doanh nghiệp khởi nghiệp chiến lược hợp tác với những "người khổng lồ" trong ngành.

Khởi đầu sự kiện là phiên trình bày về bối cảnh thương mại trực tuyến tại Việt Nam của ông Vijay Talwar - Phó tổng giám đốc kênh bán lẻ Tiki, đồng thời là cựu Giám đốc Kinh doanh Amazon Ấn Độ. Ông ví thị trường trực tuyến Việt Nam như "trẻ sơ sinh", đang trong giai đoạn định hình và còn nhiều đất mở rộng.

"Tôi nhìn thấy rất rõ cơ hội ở đây là dân số đông, 65 triệu người dùng truy cập các thiết bị di động", ông Vijay Talwa chia sẻ trước cộng đồng startup Việt.

Ông chỉ ra rằng, doanh thu top 10 sàn thương mại điện tử tại Việt Nam có độ chênh lệch không cao, dao động từ 0,1-1,5%. Cùng với đó, EPR (e-commerce peneration rate) - thước đo chỉ ra độ chín mùi của một quốc gia về thương mại điện tử tại Việt Nam mới đạt 0,9%, kém xa so với 17% của Đài Loan, 18% của Hàn Quốc.

Phó tổng giám đốc kênh bán lẻ Tiki nhận định, để giải quyết bài toán mở rộng, các doanh nghiệp ecommerce sẽ ngày càng hoàn thiện các vấn đề gồm độ chứng thực thật - giả sản phẩm, đa dạng hóa lựa chọn cho khách hàng, tăng tốc độ giao nhận và cải tiến ứng dụng di động. Đây chính là bốn lĩnh vực để startup bắt tay với những "gã khồng lồ".

Ông Vijay Talwar - Phó tổng giám đốc kênh bán lẻ Tiki. Ảnh: Hữu Khoa.

Đơn cử với Tiki, công ty hiện mở rộng cơ hội cho các startup thuộc lĩnh vực ad tech - tối ưu hóa hiển thị sản phẩm đến người dùng; công theo dõi vận chuyển; công nghệ thanh toán; AI phát hiện hàng giả; Big Data - cá nhân hóa trải nghiệm mua hàng. Ngoài ra, các startup sản xuất còn có thể chọn nền tảng của "ông lớn" này để đưa ý tưởng sản phẩm tiếp cận nhanh chóng đến người dùng, tinh giản chi phí mở cửa hàng, thuê mặt bằng, nhân sự... 

"Theo thống kê, thời gian giao hàng trung bình của chúng tôi là 1,4 ngày trên toàn quốc, thấp hơn nhiều so với con số 4-5 ngày của thị trường. Đối với TikiNow - dịch vụ giao hàng nhanh dưới 2 giờ, chỉ số đúng giờ cũng đạt 98%. Chúng tôi kỳ vọng với việc đưa vào các công nghệ mới, nhất là hợp tác cùng startup, thời gian từ lúc khách hàng nhập chuột vào nút mua hàng đến khi sản phẩm trên tay của họ chỉ còn tính bằng phút", ông Talwar đưa ra ví dụ về kỳ vọng khi hợp tác với startup.

Tiếp lời cựu giám đốc Amazon, bà Vũ Thị Nhật Linh - Giám đốc Sàn giao dịch của Tiki cho rằng startup cần nắm bắt hướng phát triển tiềm năng trong tương lai của hệ sinh thái thương mại điện tử để chọn vị trí phù hợp.

Sự kiện thu hút tham dự đông đảo của hàng trăm chuyên gia, chủ doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái e-commerce. Ảnh: Hữu Khoa.

Lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam đã phát triển rất nhiều so với 5 năm trước và thể hiện rõ nét nhất sự chuyển mình này vào năm 2018, theo nhìn nhận của bà Nhật Linh. Số lượng người dùng trực tuyến tăng trưởng mạnh, hạ tầng giao vận hoàn thiện, khách hàng cũng quen thuộc với thói quen mua hàng qua mạng. Khi thị trường còn bé, doanh nghiệp triển khai chiến lược để khách hàng đặt đơn hàng đầu tiên. Hiện tại cuộc chơi theo hướng kéo khách hàng trở lại mua hàng, tăng mức độ trung thành.

Bà Linh thừa nhận, doanh nghiệp nhỏ thì việc quản trị để tăng tốc khá dễ dàng, nhưng khi quy mô bành trướng thì rất nhiều thách thức. Nữ lãnh đạo thừa nhận trước đây Tiki chỉ tập trung bán sách, nhiều công đoạn dễ dàng triển khai thủ công. Tuy nhiên, với danh mục hàng trăm chủng loại, hàng triệu mặt hàng, nhiều khâu gần như bất khả thi trong việc tổ chức nhân sự, ví dụ như kiểm soát hàng triệu ảnh sản phẩm.

Trong giai đoạn hiện tại, hợp tác với các startup sẽ cân nhắc dựa trên khả năng giải quyết các thách thức cho doanh nghiệp về tính phức tạp trong mô hình e-commerce, khả năng mở rộng quy mô và tối ưu chi phí. Bà Linh tóm gọn các mảng tiềm năng cho hợp tác với doanh nghiệp khởi nghiệp gồm kho vận, sáng tạo nội dung, phân tích giá, hệ thống quảng cáo, tiếp thị kỹ thuật số, quan hệ khách hàng...

"Trên hành trình vào danh sách 'kỳ lân' tỷ USD, chúng tôi còn đối mặt với nhiều thách thức, chẳng hạn như giải quyết hàng trả lại và giảm thiểu tỷ lệ thanh toán thất bại. Thay đổi công nghệ là cần thiết cho các thách thức này", Giám đốc Tiki nhấn mạnh.

Kết thúc trình bày của hai diễn giả, tại sự kiện diễn ra liên tiếp hai phiên tham luận xoay quanh cơ hội và thách thức đối với startup khi tham gia hệ sinh thái thương mại điện tử với sự tham dự của nhiều chuyên gia.

Phiên thảo luận quy tụ đại diện điều hành các đơn vị đầu ngành như Tiki, Giao Hàng Nhanh, Cốc Cốc, Accesstrade. Ảnh: Hữu Khoa.

Trong phiên đầu "Thương mại điện tử Việt - Hợp tác với những người khổng lồ", đại diện lãnh đạo các nền tảng e-commerce lớn trên thị trường tập trung chia sẻ về tiềm năng kết hợp cùng các startup.

Ông Nguyễn Trần Thi - đồng sáng lập Giao Hàng Nhanh cho biết, thị trường thương mại trực tuyến có nhiều không gian phát triển, đi kèm với đó doanh nghiệp cũng có những ràng buộc về nguồn lực tài chính, nhân sự, công nghệ. Ông Thi lưu ý các "ông lớn" cần tỉnh táo, ưu tiên hợp tác, liên kết với đơn vị chuyên ngành, thay vì đón nhận những rủi ro trong quán trình tìm kiếm những cơ hội mới nằm ngoài cốt lõi kinh doanh. 

Trong khi đó, ông Đỗ Hữu Hưng - CEO nền tảng tiếp thị liên kết Accesstrade cho biết bản thân từng gặp gỡ và làm việc nhiều từ những chủ doanh nghiệp trẻ, thu nhập hàng triệu đô. Ông đúc kết ba nhân tố đáng giá của các doanh nghiệp trẻ. Thứ nhất, tư duy sở hữu doanh nghiệp khiến họ cân nhắc tối ưu mọi chi phí bỏ ra, tạo hiệu quả cao nhất với từng chiến lược. Thứ hai, các startup biết cách tập trung vào điểm mạnh của mình. Thứ ba là nhanh nhạy cập nhật phương thức mới trên thị trường.

Bạn đang đọc bài viết Dự án: 'Nhiều đất diễn cho startup tham gia sân chơi thương mại điện tử' tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang