Khởi nghiệp Cần Thơ
Thứ sáu , 11/09/2020, 10:00

“Rèn” tâm thế khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho startup

.

Tiếp nối thành công của các khóa đào tạo trước đó, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ vừa tổ chức Chương trình đào tạo “Tâm thế khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST)”. Khóa đào tạo năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng. Chính vì vậy, khóa đào tạo tập trung trang bị kiến thức, kỹ năng, hình thành tâm thế cho các startup sẵn sàng vượt qua thách thức với những bước đi phù hợp từng thời điểm và biến động từ thị trường.

Cập nhật xu thế

Chương trình đào tạo “Tâm thế KNÐMST” là hoạt động nằm trong khuôn khổ thực hiện Kế hoạch số 175/KH-UBND của UBND TP Cần Thơ về Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái KNÐMST TP Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Sau 2 năm triển khai, Chương trình đào tạo “Tâm thế KNÐMST” thu hút hơn 500 lượt tham dự của các cá nhân, nhóm cá nhân KNÐMST, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đến từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

Ông Vũ Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Thông tin khoa học và công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, cho biết: “Chương trình giúp hình thành tư duy thích nghi trong môi trường kinh tế biến động, đồng thời trang bị kỹ năng tạo lập mô hình kinh doanh tinh gọn và linh hoạt, thích ứng với điều kiện thị trường. Năm nay, Chương trình đào tạo “Tâm thế KNÐMST” được chia làm 2 đợt: đợt 1 từ ngày 29 đến 31-8 và đợt 2 từ ngày 4 đến 6-9. Song song với 2 khóa đào tạo này, chúng tôi còn lồng ghép những chương trình chia sẻ kiến thức hành trình khởi nghiệp với các chủ đề mang tính thời sự và thiết thực với cộng đồng khởi nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) như: “Vượt qua COVID-19 với chiến lược marketing tối ưu và linh hoạt” và “Tăng tốc chuyển đổi số thích ứng với điều kiện thị trường”.

Trong 3 ngày (từ ngày 29 đến 31-8), các học viên được trang bị kiến thức, tư duy nền tảng, chuẩn mực về khởi nghiệp, KNÐMST. Ngoài ra, học viên được hỗ trợ kỹ năng về phát triển mô hình kinh doanh, cách thức đo lường tiềm năng và quy mô thị trường mục tiêu... Em Ðỗ Trọng Sĩ, sinh viên khóa 43, Trường Ðại học Cần Thơ, chia sẻ: Em ấp ủ nhiều ý tưởng khởi nghiệp nhưng chưa có kinh nghiệm và người dẫn dắt. Vì vậy, em rất quan tâm đến các khóa học như thế này. Năm 2019, em đã tham gia Chương trình đào tạo “Tâm thế KNÐMST” của thành phố và nhận thấy chương trình đào tạo không rập khuôn, theo lối mòn mà rất thời sự, cập nhật xu thế. Năm nay, em được các chuyên gia cung cấp nhiều kiến thức, kỹ năng cũng như các khuyến cáo khi bắt đầu khởi nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19 và đặc biệt ấn tượng với nội dung “Vượt qua COVID-19 với chiến lược marketing tối ưu và linh hoạt”.

Hướng đến khởi nghiệp tinh gọn, hiệu quả

Không chập chững bước vào con đường khởi nghiệp như nhiều học viên khác, anh Phạm Ðình Ngãi, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Trà Vinh Farm (SOKFARM) đến từ Trà Vinh là một startup đánh dấu những bước đi thành công đầu tiên với các sản phẩm làm từ mật hoa dừa. “Hiện các sản phẩm: đường hoa dừa, mứt dứa mật hoa dừa, mật hoa dừa (cỡ nhỏ và lớn) và mật hoa dừa tươi của chúng tôi đã có mặt tại 20 tỉnh, thành trong cả nước. Tuy nhiên, doanh nghiệp khởi nghiệp không thể “ngủ quên trên chiến thắng” mà phải thường xuyên cập nhật thông tin, trau dồi kinh nghiệm để có thể thích ứng với những rủi ro dẫn đến thị trường biến động như tình hình dịch COVID-19 chẳng hạn. Ðến với khóa học này, tôi muốn tìm hiểu và đào tạo về khởi nghiệp tinh gọn, thương mại điện tử và nắm bắt các xu thế marketing hiện đại…” - anh Phạm Ðình Ngãi chia sẻ.  

Từ thực tế đó, các chuyên gia, diễn giả thiết kế nội dung giảng dạy dựa trên kiến thức, công cụ KNÐMST chuẩn mực nhất của thế giới; kinh nghiệm áp dụng và trường hợp điển hình thực tế tại Việt Nam. Với chủ đề “Marketing tinh gọn cho khởi nghiệp”, ông Trần Thanh Tùng, Cố vấn khởi nghiệp đã cho các học viên làm quen và ứng dụng triết lý khởi nghiệp tinh gọn thông qua định hình ý tưởng kinh doanh; thiết kế chân dung đối tượng khách hàng nhắm đến; thiết kế tuyên ngôn giá trị sản phẩm/dịch vụ… Theo ông Trần Lâm, Cố vấn phát triển thị trường trên eCommerce, sau dịch COVID-19, nhiều người đã thay đổi thói quen của mình. Trong đó, 47% thay đổi thói quen ăn uống, 60% thay đổi thói quen giải trí, 70% thay đổi thói quen du lịch… Và phát triển kinh doanh thương mại điện tử trong “trạng thái bình thường mới” là vô cùng cần thiết. Ðể thiết lập và tối ưu cửa hàng, sản phẩm trên sàn thương mại điện tử các startup cần phải qua các bước: thiết lập gian hàng, đăng tải sản phẩm, tối ưu chuyển đổi và giá trị bình quân đơn hàng, chăm sóc lượng khách hàng đã mua…

Chương trình đào tạo “Tâm thế KNÐMST” kết hợp giữa các bài giảng cùng các buổi khảo sát thực tế, thảo luận nhóm giữa người học và giảng viên để đảm bảo các kiến thức của chương trình được áp dụng cũng như tùy chỉnh phù hợp riêng cho mỗi doanh nghiệp và nhà đầu tư. Sau chương trình, với những kiến thức và kỹ năng thu được, người tham dự có thể thực hiện được các nhiệm vụ, kế hoạch và mục tiêu của mình. “Em rất mong các Chương trình đào tạo tiếp theo của Sở Khoa học và Công nghệ có thể tập trung vào việc rèn luyện kỹ năng cho các startup, nhất là kỹ năng thuyết trình trước đám đông; kỹ năng về quản lý tài chính. Bởi nếu muốn thành công, trước hết startup phải thể hiện được ý tưởng và thuyết phục nhà đầu tư cũng như khả năng quản lý tài chính trong quá trình khởi nghiệp” - em Ðỗ Trọng Sĩ đề xuất.

Theo Báo Cần Thơ

Bạn đang đọc bài viết Dự án: “Rèn” tâm thế khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho startup tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang