Thế giới
Thứ hai , 01/04/2019, 14:05

Startup du lịch TripZero “xanh hóa” các chuyến đi

Khí thải là vấn đề lớn sẵn sàng làm đau đầu bất kỳ bộ ngành du lịch ở nước nào. Nhưng một startup đã tìm ra giải pháp.

Khoảng 7 năm trước, Eric Zimmerman đã nghe Eric Corry Freed, tác giả cuốn Green Building & Remodeling for Dummies, diễn thuyết về trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, và chuyện chúng ta sẽ nói gì với con cái về những gì chúng ta đã làm. “Bạn đã bao giờ ngồi trong hàng ghế khán giả mà cảm thấy ai đó như đang nói chuyện với bạn? Đó chính là cảm giác của tôi lúc đó” - Zimmerman nói.

Zimmerman đã bị ảnh hưởng. Sau đó, ông tìm cách trang bị nguồn năng lượng sạch cho nhà mình ở Carlisle, Massachusetts. Ông lắp đặt pin mặt trời cho nhà mình, cắt hợp đồng in ấn với đơn vị ở Trung Quốc, góp phần tạo nên Green Edition - thiết lập các tiêu chuẩn “xanh” trong ngành xuất bản.

Nhưng Zimmerman phải đối mặt với một sự thật: Bởi vì ông đi rất nhiều vì công việc, thường là bằng đường hàng không, ông đã gián tiếp thải rất nhiều carbon vào khí quyển - theo ước tính của ông, 50 tấn khí thải carbon dioxide mỗi năm.

Sự nhận thức đau đớn đó đưa Zimmerman đi trên một con đường khác. Năm 2013, ở tuổi 48, ông đã cho ra mắt TripZero, một công ty giúp du khách tính toán lượng khí thải carbon trong các chuyến đi của họ và sau đó mua “bù đắp carbon” để trả nợ cho lượng khí thải phát sinh. Du khách không phải trả thêm bất kỳ khoản phí nào - TripZero thanh toán các khoản bù đó bằng tiền hoa hồng thu được từ các phòng khách sạn được đặt qua dịch vụ của mình. Zimmerman không tiết lộ doanh thu, nhưng khẳng định công việc kinh doanh đang ở mức tăng trưởng mà ông có thể hài lòng.

Du lịch là một ngành công nghiệp lớn. Một tỷ du khách đã đi khắp nơi trên thế giới trong năm 2013 và ngành này đã tạo ra 2,1 nghìn tỷ USD đóng góp trong GDP, theo Hội đồng Du lịch và Du hành Thế giới (WTTC).

Tuy nhiên, mặc dù các khách sạn và ngành hàng không luôn định vị bản thân mình ở vị thế “xanh”, chẳng hạn như khuyến cáo người thuê hạn chế đề nghị thay khăn tắm và ga trải giường hàng ngày, lượng khái thải lớn vẫn ngày càng tăng theo hoạt động của họ. Như Zimmerman mô tả: Sống “xanh” và du lịch chẳng hề song hành.

Điều đó có thể hiểu được. Khi khách sạn, hãng hàng không đầu tư vào tính hiệu quả, họ không thể làm gì khác là hy sinh môi trường. Việc giảm phát thải chủ yếu xoay quanh hạn chế sử dụng điện khi không cần thiết, sử dụng nhiên liệu sinh học và các tòa nhà năng lượng thải ra gần như bằng không (tức là tạo ra bao nhiêu thì tiêu bấy nhiêu). Tất cả đều là những giải pháp mang lại hiệu quả “xa tận chân trời”.

Trong khi chờ đợi, TripZero hy vọng sẽ thu hút du khách có ý thức về môi trường, cùng với các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp nhỏ sử dụng nền tảng đặt chuyến, đặt phòng trực tuyến của mình.

Người sáng lập/CEO Eric Zimmerman. Ảnh: TripZero

Thông qua quan hệ đối tác với Expedia, Zimmerman đã xây dựng mô hình đại lý du lịch trực tuyến với khả năng truy cập vào hàng triệu phòng khách sạn, nhà nghỉ với mức giá phải chăng. Các khách sạn này trả hoa hồng cho TripZero để thu hút khách hàng. Một phần hoa hồng sau đó được dùng để bù đắp xả thải môi trường, dựa trên tính toán về lượng xả thải mà du khách tạo ra khi di chuyển từ nơi này đến nơi khác, bằng cách đầu tư vào các dự án như chiến dịch tái trồng rừng lớn nhất lịch sử Chile, dự án bảo vệ rừng ở Kenya, turbin gió ở các trường học Indiana (Mỹ) hay dự án “bắt” khí metan ở trang trại bò sữa ở Pennsylvania (Mỹ). Việc này được bảo chứng bởi các bên thứ ba có uy tín, bao gồm tổ chức Verified Carbon Standard và Green-e Climate Standard.

Các khách sạn và hãng hàng không từ lâu đã kiến nghị khách hàng trả thêm chút ít để thực hiện trả lại cho môi trường, nhưng TripZero không yêu cầu du khách bỏ thêm ra ngoài các khoản chi cho chuyến đi. Bởi Zimmerman cho rằng, việc đánh phí lên ý thức bảo vệ môi trường là ý tưởng tồi tệ. “Nếu có thể miễn phí, thì chúng ta mới có thể thu được điều gì đó.” Tuy nhiên, cũng chính vì vậy, TripZero không nhận đặt vé máy bay, bởi tiền hoa hồng không đủ để bù đắp.

Zimmerman thừa nhận rằng ông từng hoài nghi về sự hiệu quả của mô hình. Ban đầu, kế hoạch của ông là sử dụng doanh thu để trồng cây, nhưng ông thay đổi kế hoạch, bởi những người bạn làm việc tại Trường Nghiên cứu Lâm nghiệp và Môi trường thuộc Yale chỉ ra rằng “nếu chỉ tài trợ cho việc trồng cây, không rõ cây đó sẽ tạo ra bao nhiêu lợi ích hoặc liệu nó có còn tồn tại trong sáu tháng nữa, hay năm năm nữa không”. Họ đề nghị ông mua chứng chỉ “bù đắp xả thải” dành cho những người tham gia vào các hoạt động sản xuất ra khí thải nhà kính, rồi doanh thu này sẽ được đầu tư vào các dự án môi trường (các doanh nghiệp có thể lựa chọn tiền của mình sẽ được đầu tư cho dự án nào). Theo báo cáo, chương trình này đã giúp bù đắp khoảng 84 triệu tấn carbon thải ra (2015) hàng năm. Tuy nhiên, những doanh nghiệp tham gia chương trình này không phải sẽ vô tư xả để rồi dùng tiền “mua lại”. Họ phải chịu đánh giá chặt chẽ hàng năm của tổ chức, và chỉ có thể mua những gì mà họ không thể “xanh hóa” được.

Mặc dù vậy, lợi nhuận của TripZero có thể sẽ bị ảnh hưởng. Mô hình của startup này hoạt động tốt khi du khách đi tàu từ Washington đến New York nhưng lại đặt một phòng khách sạn sang trọng. Ngược lại, một gia đình bốn người bay từ Denver đến Orlando và ở trong một nhà nghỉ giá rẻ tạo ra rất nhiều khí thải nhưng không đủ tiền hoa hồng cho TripZero để bù lại “dấu chân carbon”. Trong trường hợp đó, Zimmerman khẳng định TripZero sẽ tạo nên sự khác biệt, bằng cách “bỏ tiền túi” bù đắp cho những chuyến đi giá rẻ.

Lò gạch hoạt động bằng khí metan sinh ra từ bãi rác. Dự án này giúp loại bỏ khoảng 30.000 tấn khí thải nhà kính hàng năm, là một trong những nơi mà TripZero đã đầu tư bằng tiền hoa hồng. Ảnh: NativeEnergy

Trả lời về nỗi sợ hãi trước rủi ro của mô hình kinh doanh TripZero của Huffington Post, Zimmerman cho hay: “Nỗi sợ luôn tồn tại, đặc biệt khi kinh doanh. Đôi khi, mọi thứ hoạt động suôn sẽ, đôi khi không. Theo kinh nghiệm của tôi, bạn cần phải đặt nỗi sợ sang một bên và làm việc. Làm kinh doanh có đáng sợ không? Có chứ. Luôn có rủi ro. Nhưng tốt nhất không nên mất ngủ vì nó.” Và cách để ông không mất ngủ chính là xây dựng tâm thái cho mình. “Nếu ta coi thất bại là khủng khiếp thì nó sẽ là khủng khiếp.”

Theo songmoi.vn

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Startup du lịch TripZero “xanh hóa” các chuyến đi tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang