Thế giới
Thứ ba , 16/04/2019, 08:30

Startup Farfetch - Amazon của làng thời trang xa xỉ đưa CEO lên hàng tỷ phú

.

Farfetch ra mắt vào năm 2008, trong cơn bão khủng hoảng tài chính, với một tiền đề thông minh: Sử dụng mạng Internet để tạo ra thị trường thời trang xa xỉ đơn nhất, qua đó các cửa hàng trên khắp thế giới có thể dễ dàng tìm thấy khán giả toàn cầu.

Thay vì mỗi nhà bán lẻ phải tìm cách xây dựng và quản lý trang web thương mại điện tử riêng, Farfetch sẽ xử lý khía cạnh kỹ thuật, còn các cửa hàng chỉ phải cung cấp sản phẩm. 

Ý tưởng đã có hiệu quả. Năm 2015, công ty được định giá 1 tỷ USD. Ngày 20/8/2018, Farfetch đã nộp đơn xin IPO tại Sở giao dịch chứng khoán New York. Tháng 9/2018, Farfetch chính thức lên sàn với giá trị thị trường 7 tỷ USD. 

Farfetch được thành lập chỉ hai tuần sau khi Lehman Brothers sụp đổ vào năm 2008 bởi José Neves, 44 tuổi, đến từ Bồ Đào Nha. Neves lớn lên ở Porto, một trung tâm sản xuất thời trang. Ông nội của ông có một nhà máy giày, nhưng chàng trai trẻ Neves thích viết mã máy tính. Ông thành lập công ty phần mềm đầu tiên của mình năm 19 tuổi khi đang học kinh tế tại Đại học de Porto. Công ty thứ hai của ông, mở ra hai năm sau đó, cung cấp phần mềm cho các thương hiệu thời trang nhỏ. Năm 1996, ý nghĩ kỳ quặc đã đến: Nếu tôi có thể viết mã, tôi có thể thiết kế giày. Bây giờ, ông thừa nhận rằng logic đó có thể sai sót, nhưng lạ thay lại đúng với chặng đường kinh doanh của ông. Neves thành lập thương hiệu giày Swear và chuyển đến London. Năm 2001, ông mở liên doanh bán lẻ có tên b-Store. 

Từ những gì đã trải qua, ông tin rằng mình có đủ kỹ năng để sáng lập và điều hành Farfetch. Neves nói: “Tôi không giỏi về thời trang và tôi cũng không giỏi về công nghệ”, nhưng rất hiếm khi tìm thấy người hiểu cả hai thế giới ấy.

 

Ảnh: Vida Extra

Năm 2007, ông bắt đầu tìm kiếm ý tưởng mới. “Tôi nhìn thấy sự thiếu hiệu quả. Tại sao một trong những cửa hàng đẹp nhất thế giới Forty Five Ten lại ở Dallas? Hàng thì nhiều, cái tên rất được chú ý, nhưng lại chỉ mở của 10 tiếng mỗi ngày ở một khu vực hạn chế địa lý, trong khi nó được yêu thích trên toàn thế giới. Đó là khoảnh khắc tôi ‘Aha’.” 

Khi nảy ra ý tưởng về công ty, các thị trường và nền tảng thương mại điện tử khi ấy đã lấy người tiêu dùng làm trung tâm, nhưng lại theo cách thức định giá. “Điều này ngược lại với thị trường xa xỉ, nơi người ta mua sản phẩm bằng cảm xúc, cá tính, sự độc đáo, chứ không phải là tiện lợi và phải chăng”, Neves viết trong một lá thư gửi nhà đầu tư. 

Neves trở lại Porto và bắt tay xây dựng Farfetch. Bây giờ, bán hàng đa kênh đã phổ biến, nhưng cái thời ông mới lập công ty ấy, mọi người cứ nghĩ ông mất trí, nhất là lại trong bối cảnh khủng hoảng. Ông phải lấy tiền kinh doanh của Swear để đầu tư vào Farfetch. “Đó thực sự là canh bạc. Nếu không thành công, tôi sẽ mất trắng hoàn toàn”, Neves nhớ lại. 

Các kỹ sư của Neves, phải mất một năm để phát minh ra phần mềm Farfetch, là “nước sốt bí mật” của toàn bộ doanh nghiệp. Farfetch ra mắt vào tháng 10/2008 với 25 cửa hàng bán trên web. Một trong số đó là Giulio’s, cửa hàng Cambridge bị “bão tài chính” thổi tung. Giulio’s biết cần phải lên mạng bán hàng, nhưng không biết làm thế nào. Cuộc sống trong hệ sinh thái Farfetch đã giải phóng cho Giulio Cinque, người sáng lập Giulio’s năm 1982. Ông đã bán được hàng tồn cho khách bên ngoài Cambridge, thậm chí cả Campuchia, vậy là nguy cơ tài chính được giải trừ.

 

Mọi người thường cho rằng ở Tokyo là sự kỳ và lạ. Thực tế, ở đó hầu như là sự bảo thủ, như chiếc túi Fendi này. Ảnh: Farfetch

Farfetch đã phát triển nhanh chóng trong vài năm qua. Từ năm 2015 đến 2017, họ đã tăng gấp đôi doanh số bán hàng. Trong thời gian đó, họ đã mua lại cửa hàng bách hóa xa xỉ Browns, ký kết hợp tác nội dung và thương mại toàn cầu với Condé Nast (nhà xuất bản Vogue) và ký thỏa thuận với Tập đoàn Chalhoub Group, một trong những đại gia thời trang xa xỉ lớn nhất Trung Đông. 

Có thể ví von Farfetch như Amazon của thời trang xa xỉ, một thị trường rộng lớn nơi bạn có thể tìm thấy những người bán hàng lớn từ các thương hiệu hàng đầu tới nhãn hiệu mới nổi.

Farfetch cũng hoạt động giống như Amazon. Ví dụ, thị trường bên thứ ba của Amazon, chiếm hơn một nửa doanh số, cho phép Amazon bán hàng mà không cần mua hay lưu trữ hàng tồn kho. Farfetch thì hoàn toàn chạy trên mô hình đó. 

Farfetch cũng là một công ty hậu cần như Amazon, đã đầu tư rất nhiều để đưa sản phẩm nhanh chóng lên web và mạng lưới giúp đảm bảo xử lý đơn hàng.

Nhưng trong khi thất bại trong việc đưa hàng hóa xa xỉ vào trang web của mình, Farfetch lại thành công. Những người bán hàng xa xỉ ngại xuất hiện trên Amazon vì cảm thấy sản phẩm của mình bị “hạ giá”: Sản phẩm thường đứng cạnh nhau như kệ hàng siêu thị và nhấn mạnh vào giảm giá, và dường như Amazon cũng ít kiểm soát cách bên thứ ba bán và giới thiệu sản phẩm.

 

Farfetch liên kết hàng với ngàn các cửa hàng xa xỉ trên khắp thế giới. Ảnh: Farfetch

Farfetch biết rằng các thương hiệu thời trang cao cấp tin rằng doanh số bán hàng cũng quan trọng như hình ảnh nên rất chú trọng về giao diện. Chuỗi cung ứng bắt đầu bằng hoạt động sáng tạo nội dung trên mạng, bao gồm tạo kiểu, chụp ảnh, chỉnh sửa ảnh và quản lý nội dung. Farfetch giúp mô tả hàng hóa, kích cỡ cũng như các thông tin phù hợp với những mặt hàng khác nhau, nhà bán lẻ khác nhau và vận hành bốn trung tâm trên toàn thế giới xử lý hình ảnh cho trang web. Đó không phải hoạt động nhỏ. Số lượng sản phẩm Farfetch cung cấp lên tới hàng triệu.

Những nỗ lực này, cũng như trọng tâm của Farfetch tập trung vào đổi mới, đã giúp thuyết phục các nhà bán lẻ và thương hiệu xa xỉ như Gucci và Thom Browne. Họ cũng tiếp tục thuyết phục những người mua sắm trực tuyến rằng họ có thể nhìn qua màn hình mà như cảm nhận sản phẩm trực tiếp. Hiện, có khoảng 3.200 thương hiệu xa xỉ đang có sản phẩm bán trên Farfetch.

 

José Neves (giữa) ở sàn chứng khoán New York. Ảnh: Jornal de Negócios

Thành công của Farfetch cũng thăng cấp vị thế của lãnh đạo công ty. José Neves, 44 tuổi, người sáng lập/CEO, đã lọt vào danh sách tỷ phú nhờ giá cổ phiếu tăng vọt sau hợp đồng bán hàng với cửa Harrods nổi tiếng của London, dù chỉ sở hữu 15% cổ phần. Thực tế, Neves đã lên ngôi tỷ phú ngay khi Farfetch IPO vào tháng 9/2018, nhưng với những biến động của thị trường, không phải lúc nào danh hiệu đó cũng giữ được, nhưng không ai có thể phủ nhận: José Neves đã trở thành một trong những người quyền lực nhất thế giới thời trang, một trong những người giàu nhất Bồ Đào Nha.

Theo songmoi.vn

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Startup Farfetch - Amazon của làng thời trang xa xỉ đưa CEO lên hàng tỷ phú tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang