Thế giới
Thứ ba , 07/05/2019, 08:42

Startup Shyp: Khi “ngôi sao” vụt tắt

Startup Shyp đã từng kỳ võng sẽ cách mạng hóa ngành công nghiệp vận chuyển. Nhưng ngày 27/3/2018, công ty đã chính thức đóng cửa, khép lại một thời huy hoàng ngắn ngủi.

“Thật điên rồ. Có bao nhiêu công ty như vậy, không thực sự kiếm ra tiền nhưng có thể thu hút hàng đống tiền đầu tư mạo hiểm, sống thoi thóp trong thời gian dài.”

Đó là những gì mà đồng sáng lập kiêm CEO của Shyp Kevin Gibbon đã nói hồi đầu năm 2016. Khi ấy, anh đang lập biểu đồ tương lai cho startup của mình. Nhưng điều đó đã kết thúc vào tháng 3/2018. Nửa thập kỷ sau khi thành lập, startup Shyp có trụ sở tại San Francisco (Mỹ) đã kết thúc hoạt động và cho thôi việc tất cả nhân viên của mình.

Gibbon từ chối cho biết có bao nhiêu nhân viên bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa. Nhưng anh sẵn sàng chia sẻ những bài học từ Shyp, bắt đầu là một dịch vụ cho phép bạn chụp ảnh thứ gì đó bạn muốn gửi đi bằng ứng dụng của công ty, sau đó sẽ có người đến, lấy đồ, mang đến nhà kho, ở đó nhân viên đóng gói và đưa nó cho một công ty vận chuyển để giao hàng. Ban đầu, đó là một cách để các cá nhân không phải tất tả chạy ra bưu điện. Sau đó, công ty mở rộng hoạt động kinh doanh, nhắm đến những người chủ doanh nghiệp lớn, và… nhận về những lời chế nhạo.

Gibbon “chẩn đoán” rằng, điều đã dẫn đến sự sụp đổ của Shyp đã được “gieo” ngay từ ngày đầu thành lập. “Công ty đáng ra nên tồn tại. Người tiêu dùng thích nó. Các doanh nghiệp nhỏ thích nó. Nhưng chúng tôi đã không tập trung vào việc phát triển doanh nghiệp bền vững ngay từ khi mới thành lập.”

Mãi đến lúc hấp hối, Shyp mới “bừng tỉnh” và tập trung vào tính bền vững hơn mở rộng. Từ tháng 7/2017, họ giảm quy mô bằng cách cắt hoạt động ở một vài nơi như Chicago, Los Angeles và New York, sa thải nhiều nhân viên và tập trung phát triển ở thị trường San Francisco.

Theo Gibbon, Shyp mới với quy mô nhỏ hơn bắt đầu có lợi nhuận vào tháng 12/2017. Nhưng công ty vẫn cần nhiều nguồn tài trợ hơn để tiếp tục nhưng lại không thể đảm bảo thu hút được các công ty đầu tư mạo hiểm – vốn đã cảnh giác với nhóm startup logistics như Shyp. Không có giải pháp thay thế khả thi, như bán công ty, họ “cuối cùng hết thời gian cũng như tiền bạc”.

Ma thuật giá cả

Trong thời hoàng kim của Shyp, câu chuyện rất khác. Công ty đã thu hút được 63 triệu USD, bao gồm cả những nhà đầu tư lớn, những người dành lời ngợi khen có cánh rằng “Shyp là cái tên đầu tiên dễ dàng vận chuyển hàng hóa cho bạn, theo một cách có thể gọi là thần kỳ”. Công ty là một trong những startup theo yêu cầu đầu tiên biến những người tham gia cung cấp dịch vụ thành nhân viên, một quá trình chuyển đổi làm tăng chi phí nhưng cho phép kiểm soát chất lượng tốt hơn. Họ bắt đầu tự gọi mình là “tiêu chuẩn vận chuyển toàn cầu thế hệ mới” và khởi chạy một chiến dịch tiếp thị đầy tham vọng để tăng lượng khách hàng.

Chỉ cần chụp ảnh, sẽ có người đến lấy hàng, đóng gói và chuyển đi đến địa chỉ như yêu cầu. Tất cả chỉ mất 5 USD.

Nhìn lại, Gibbon nói rằng “khoản đầu tư chúng tôi đã lấy, mọi thứ chúng tôi nhận được, không bảo đảm cho chỗ đứng của doanh nghiệp. Điều đó đã thực sự làm tổn thương chúng tôi. Kỳ vọng quá cao. Chúng tôi có rất nhiều vốn. Chúng tôi phải triển khai các kế hoạch. Nhưng chúng tôi không sẵn sàng để làm vậy. Chúng tôi thu nhỏ lại.”

Khi Shyp ra mắt dịch vụ vào mùa hè năm 2013, công ty không có gì ngoài một garage thuê lại để làm trụ sở, bảng tính Google Spreadsheet để ghi nhận các đơn hàng và những chiếc xe chia sẻ từ dịch vụ Zipcars mà Gibbon và đồng sáng lập Joshua Scott thuê để đi giao hàng. Sau khi nhận được khoản tài trợ ban đầu từ Tim Ferriss của The 4-Hour Workweek, công ty mới bắt đầu vươn lên, xây dựng các ứng dụng phức tạp và phần mềm logistics, cũng như kho hàng và thuê các dịch vụ vận chuyển như UPS, Fedex và USPS, rồi sau đó là sử dụng hàng trăm người và mở rộng dịch vụ ở 5 thành phố.

Shyp đã thực sự tạo nên trải nghiệm mới, vào những ngày còn tập trung vào khách hàng cá nhân. Ứng dụng được thiết kế tốt. Giao hàng đáng tin cậy và nhanh nhẹn. Chất lượng bao bì gây ngạc nhiên.

Như Doerr nói, tất cả đều cảm thấy như điều kỳ diệu. Nhưng phép thuật đó lại là một công việc kinh doanh tốn kém, một sự thật mà Gibbon rút ra được sau khi buộc phải khai tử “đứa con” của mình. Anh kể lại: “Cũng khá ngớ ngẩn. Chúng tôi tính phí 5 USD, bao gồm cả gói hàng và vận chuyển. Nhưng các mặt hàng thì không giống nhau. Vận chuyển giày không thể đánh đồng với vận chuyển TV.”

Mục tiêu của Shyp chưa bao giờ là xây dựng một doanh nghiệp với mỗi đơn hàng 5 USD. Họ tính toán rằng có thể thương lượng với Fedex và UPS để hưởng số tiền chênh lệch đáng kể, về mặt lý thuyết. Nhưng họ bắt đầu tính toán lại các hoạt động của mình để đảm bảo dịch vụ được cung cấp với giá 5 USD/món hàng mà không phá hủy khả năng kiếm tiền thông qua ăn chênh giá vận chuyển. Chẳng hạn, họ quyết định tính phí đóng gói từ 3 USD cho tới 75 USD đối với hàng hóa lớn, dễ vỡ, dễ hỏng.

Về cơ bản, công ty bắt đầu chuyển trọng tâm từ việc phục vụ những cá nhân – thường chỉ có nhu cầu vận chuyện một, hai món hàng không thường xuyên – sang phục vụ các doanh nghiệp nhỏ cần vận chuyển nhiều hàng hóa một lúc. Thị trường đó cung cấp tiềm năng trở thành một doanh nghiệp hoạt động theo quy mô giúp giảm chi phí, khiến Shyp trở thành doanh nghiệp bền vững hơn là một hố đốt tiền.

Tiếp tục theo hướng kinh doanh ấy, Shyp bắt đầu thiết lập quan hệ với các chủ hàng lớn hơn. Gibbon “đã nhìn thấy lực kéo của một chiếc xe hạng nặng”, nhưng các nhà đầu tư mạo hiểm thì không lạc quan về triển vọng khách hàng tiềm năng mới như vậy, khiến công ty ngừng hoạt động.

Nếu Gibbon có thể tua lại lịch sử của Shyp, anh nói rằng vẫn sẽ thực hiện bước tương tự, nhưng đẩy nhanh hơn. “Đó là lỗi của tôi. Không biết chọn đúng điều để làm vào đúng lúc cần thiết là sai lầm lớn nhất.”

Cái chết của nền kinh tế đáp ứng theo nhu cầu

Gibbon chia sẻ: “Tôi không chắc sẽ tiếp tục theo đuổi trọng tâm vào người tiêu dùng nếu được làm lại.” Điều đó có thể hiểu được: Tính khả thi của dịch vụ theo yêu cầu đến giờ vẫn là một biến số gây nhiều tranh cãi. Những dịch vụ như vậy, với nhiều mặt hàng khác nhau – từ đồ ăn tới dịch vụ đỗ xe – đều đã bị xóa sổ khá nhiều. Ngay cả Uber, startup 9 năm tuổi lừng lẫy, tượng đài của nền kinh tế theo yêu cầu, cũng gặp vô số rắc rối, chỉ khác là, Uber vẫn còn là cái tên đủ hấp dẫn để thu hút hàng tỷ USD tiền đầu tư.

Shyp thường được gọi là “Uber của ngành vận chuyển”. Nhưng việc trở thành “Uber của cái gì đó” không còn là cái danh đủ tốt để khuyến khích các nhà đầu tư mạo hiểm viết tấm séc. Điều đó không có nghĩa là sự tỉnh táo đang chiếm ưu thế, chỉ là sự mạo hiểm đã chuyển sang lĩnh vực khác. Gibbon cho biết: “Sự hào phóng tương tư giờ chuyển sang cho tiền ảo. Đó chính là ‘Uber’ tại thời điểm này.” Nhưng với những gì đã trải qua, Gibbon hiểu rằng khi kỳ vọng quá cao thì làm gì để đáp ứng kỳ vọng đó càng mệt mỏi, đồng thời nguy cơ thất bại càng cao.

Khi biết không thể cứu vãn được đứa con tinh thần, Gibbon – khởi nghiệp bằng cách bán lẻ hàng eBay ở trường trung học và điều hành một công ty nhỏ trước Shyp – đã lên kế hoạch một hai tuần trước khi khai tử. Sau đó, anh dự định biến vết sẹo thành startup mới. Mặc dù anh chưa sẵn sàng tiết lộ, anh nói rằng nó sẽ tiếp tục trên nền tảng Shyp: “100% công nghệ, không có kho hàng.” Và cũng không cần phải thu hút hàng chục triệu USD.

Theo www.songmoi.vn

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Startup Shyp: Khi “ngôi sao” vụt tắt tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang