Thế giới
Thứ ba , 04/06/2019, 15:35

Startup thất bại: Tiền là con dao hai lưỡi

.

Trong thực tế, danh sách thất bại luôn dài hơn danh sách thành công, ngay cả với Thung lũng Silicon nổi tiếng trong ngành công nghệ đang cực kỳ “hot”. Chuyển ý tưởng thành hiện thực đã khó, quá trình sản xuất thiết bị công nghệ còn khó hơn. Đo lường những gì công chúng muốn và nắm bắt một phần thị trường có sẵn dường như là không thể với đa số. Ít nhất, đó là trường hợp của Jawbone.

Jawbone là một công ty có hành trình thú vị khi họ cố gắng trở thành nhà ảo thuật của thị trường công nghệ.  

Jawbone từng là cái tên tiêu biểu trong các lớp học kinh doanh, cho những con người chí thú làm giàu. Nó được thành lập vào năm 1999 với danh nghĩa công ty công nghệ âm thanh có tên AliphCom dưới sự quản lý của CEO Hosain Rahman, ban đầu tập trung vào phát triển công nghệ âm thanh cấp quân sự. Sau đó, họ nhanh chóng được biết đến rộng rãi nhờ tai nghe và loa Bluetooth. Dòng loa Jambox từng được xem là chiếc loa Bluetooth yêu thích nhất của người Mỹ.

Nhưng phần cứng rất khó. Không lâu sau khi dòng sản phẩm theo dõi sức khỏe UP ra đời vào năm 2011, những câu chuyện về sự thất bại của sản phẩm, tai ương sản xuất, cuộc đấu tranh tài chính và các nhà thầu không được trả tiền bắt đầu xuất hiện. UP3 - sản phẩm đại diện cho sự mở rộng tham vọng của công ty - tưởng như thành công khi nó xuất hiện vào lúc Jawbone dường như đang có những bước đi vững chắc: huy động được 900 triệu USD dựa trên mức định giá 3 tỷ USD từ một số công ty đầu tư mạo hiểm lớn nhất ở Thung lũng Silicon.

Như chúng ta đã thấy trong suốt những năm gần đây, sự định giá hoành tráng của một startup có thể đánh lừa. Fortune từng ca ngợi Jawbone hết lời, nhưng cũng là nơi đưa tin rằng công ty phải “tiếp tục đấu tranh với tiền mặt và vận chuyển sản phẩm chất lượng đúng hạn”. Công ty đầu tư vào UP3 đã chứng tỏ đây là vụ đặt cược kém, lặp lại vết của những vấn đề từng gặp phải và người dùng khó tiếp cận khi nguồn cung ít và giá thì cao. Công ty cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Fitbit, sau đó đã cung cấp các sản phẩm tương tự với mức giá thấp hơn, cũng như Apple - cũng có biện pháp theo dõi tương tự trong Apple Watch. Gắn liền với tên tuổi lớn, sản phẩm này hứa hẹn có thể phá hủy vận may của một startup đầy tham vọng.

Jawbone thực sự suy sút vào năm 2016, khi công ty ngừng sản xuất và bán thiết bị theo dõi còn tồn kho cho một đại lý. Ngay sau đó, Jawbone chấm dứt mối quan hệ với tổ chức dịch vụ khách hàng bên ngoài bởi không thể thanh toán theo hợp đồng. Không thể thay thế bằng bất kỳ dịch vụ nào, khách hàng của họ cảm thấy khó chịu. Business Insider cho biết Jawbone tìm cách chuyển sang thiết bị đeo để đo thông tin sức khỏe, nhưng không thể khiến các thiết bị hoạt động bình thường.

Yves Behar, Giám đốc sáng tạo của Jawbone, với các nguyên mẫu của bộ theo dõi thể dục UP3. Ảnh: Mathew Scott/Inc

Và mặc dù có thể không phải là một yếu tố góp phần vào cái chết của công ty, nhưng cũng phải nói rằng, Jawbone không được may mắn cho lắm. Công ty dính vào một vụ kiện chống lại Fitbit, cáo buộc đối thủ ăn cắp cả nhân viên và bí mật thương mại. Ban đầu thì Fitbit thắng thế, nhưng sau đó bản án đã được các công tố viên và cựu nhân viên Fitbit lật lại. Dù vậy, đã quá muộn cho Jawbone.

Kết thúc của Jawbone không giống nhiều startup khác là rơi vào tình thế cạn túi. Thế nên, Rahman có thể nhặt nhạnh những gì còn sót lại để gây dựng Jawbone Health Hub, bao gồm cả nhiều nhân viên cũ, cũng cung cấp các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến sức khỏe. Song Forbes có vẻ khá bi quan khi nhận định: Cuộc phỏng vấn với Recode lại cho thấy, Rahman có vẻ đang chạm phải sai lầm cũ. Dù vậy, thời gian và thị trường sẽ là câu trả lời tốt nhất.

Khởi nghiệp dưới bất kỳ hình thức nào đều là một thách thức, song các công ty khởi nghiệp có liên quan đến phần cứng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, không có sai lầm rõ ràng nào trên con đường dẫn đến thất bại của Jawbone có thể thấy trong nhiều câu chuyện khởi nghiệp thất bại khác. Công ty đã tồn tại được 16 năm cho đến khi xuất hiện sai lầm UP3, và trong khi họ không bao giờ kiếm được tiền, họ lại tạo ra những sản phẩm chất lượng làm tăng thêm sự tăng trưởng, định giá và thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư.

Vậy có vẻ sai lầm là đặt cược quá lớn vào một sản phẩm không hoạt động như dự định, không thể sửa lỗi dễ dàng như phần mềm, và đối mặt với sự canh tranh mạnh mẽ là nguyên nhân dẫn đến cái chết của một startup có ít sai lầm. Còn các chuyên gia trong ngành thì nói với Reuters rằng Jawbone là một ví dụ về quá nhiều tiền mặt thực sự lại là một điều xấu, bởi nó làm tăng giá trị một cách giả tạo và ngăn cản việc mua lại khi có dấu hiệu phù hợp.

Theo songmoi.vn

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Startup thất bại: Tiền là con dao hai lưỡi tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang