Thế giới
Thứ tư , 13/05/2020, 08:14

Sự thức thời của startup giao hàng Trung Quốc trong dịch bệnh

Khi nhiều người dân không muốn mua đồ ăn nấu sẵn do lo ngại lây nhiễm chéo, ứng dụng Ele.me, Meituan... cho ra mắt dịch vụ giao thực phẩm đã qua sơ chế.

Trung Quốc, thị trường dịch vụ giao hàng trực tuyến lớn nhất thế giới với giá trị khoảng 85,4 tỷ USD năm 2019. Sự phát triển mạnh mẽ của các startup lĩnh vực này trong đại dịch không đơn giản đi theo cấu trúc nhu cầu lớn, doanh số tăng. Nhiều dịch vụ mới ra đời dựa trên sự thay đổi mang tính phức tạp từ thói quen tiêu dùng của người dân như: giao thực phẩm đã sở chế, vận chuyển bằng drone hay robot, đặt hàng qua tủ khóa thông minh...

Khi nhiều người chỉ muốn mua đồ về nhà để chế biến thay vì mua món ăn nấu sẵn do lo ngại lây nhiễm chéo, các nền tảng lớn như Ele.me, Meituan cho ra mắt dịch vụ vận chuyển hàng tạp hóa hoặc thực phẩm đã tẩm ướp sẵn. Theo QuestMobile, trong suốt kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, tại Trung Quốc có khoảng 70 triệu người dùng dịch vụ này mỗi tháng, 59% trong số đó sẽ tiếp tục sử dụng trong năm nay.

Ảnh hưởng của Covid-19 khiến nhu cầu giao hàng tại nhà đặc biệt tăng cao tại Trung Quốc.

Meituan Dianping và Ele.me chiếm lĩnh 90% thị phần giao đồ ăn tại Trung Quốc. Bên cạnh hoạt động kinh doanh cốt lõi, hai đơn vị này cũng mở rộng dịch vụ sang cung cấp sách và mỹ phẩm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng khi cách ly tại nhà.

Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh, các nền tảng cũng chứng kiến sự gia tăng số lượng khách hàng trung niên và người cao tuổi. Meituan cho biết, 36% và 31% người dùng mới cuối tháng 2 vừa qua lần lượt ở độ tuổi 50 và 40. MissFresh, một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực giao đồ tạp hóa tại Bắc Kinh cho biết, người dùng trong độ tuổi trên 40 đã tăng 237% chỉ trong một tháng từ 23/1 đến 23/2.

Nhiều người dùng cao tuổi của Trung Quốc lần đầu tiên sử dụng các nền tảng trục tuyến trong Covid-19. Wang Jun, CFO của MissFresh cho biết: "Những người già trước đây thường mua đồ trực tiếp giờ đã chuyển sang sử dụng dịch vụ trực tuyến, còn những người trẻ vốn thường đặt đồ ăn online, lại muốn mua thực phẩm tươi sống để tự nấu".

Amber Li, một người trẻ sống tại Bắc Kinh thường tự nấu ăn trong thời gian cách ly đặt thịt bò, rau củ đã tẩm ướt, chỉ cần chế biến vài phút là có thể ăn ngay. MissFresh là một trong những công ty đã liên kết với nhiều nhà hàng để cung cấp các loại đồ ăn sơ chế sẵn tới người dùng.

Sự bùng nổ của dịch vụ giao đồ ăn cũng là chiếc phao cứu sinh nhiều nhà hàng tại Trung Quốc. Cottage Barbecue, với 39 chi nhánh tại Bắc Kinh đã giảm 90% doanh số tháng 2 so với cùng kỳ năm trước đó, và đứng trức nguy cơ phá sản. Wang Le Wu chủ của công ty này thực hiện một chiến dịch marketing online trên ứng dụng WeChat. Chỉ 20 ngày, doanh số của các cửa hàng tăng 20 lần, nhờ việc liên kết với Meituan và đặt đồ ăn qua Wechat. Thành công của Wang khiến nhiều người học theo. Vào tháng 2, hơn 5.000 cửa hàng lẩu và 2.600 nhà hàng thịt nướng đã tham gia vào nền tảng Meituan. 

Một xu hướng cũng được nhiều công ty triển khai là giao hàng không tiếp xúc để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm chéo. Sự thay đổi này cho phép người dùng đến nhận đồ tại một địa điểm nhất định và không cần thiết phải tiếp xúc với người vận chuyển. 

Một người giao hàng tại Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Cuối tháng 1, Alibaba triển khai dịch vụ này tại tỉnh Hồ Bắc trên tất cả nền tảng của mình như Ele.me, Freshippo, Tmall Mart và hiện nhân rộng ra toàn Trung Quốc. Meituan cài đặt các tủ khóa không tiếp xúc tại một số tòa nhà văn phòng và bệnh viện từ tháng 2. Loại tủ này có thể khử trùng thực phẩm bằng tia cục tím. Người giao sẽ đặt đồ ăn tủ, người nhận sau đó mở khóa và lấy đồ bằng mã QR được cung cấp qua tài khoản ứng dụng.

Thói quen tiêu dùng và ảnh hưởng cách ly xã hội không chỉ tác động đến hoạt động kinh doanh của các công ty giao hàng mà thay đổi lịch trình của chính những nhân viên vận chuyển. 

Lưu Bình, một tài xế làm việc cho Ele.me tại Vũ Hán là một trong số người được phép đi lại trong thành phố suốt tháng 2 vừa qua. Anh cho biết thời gian giao đồ dài hơn rất nhiều so với bình thường bởi anh không được phép vào một số khu dân cư và khách hàng buộc phải ra tận cổng để nhận.

Lưu Bình làm việc hết công suất từ 9h sáng đến 20h tối, trong nhiệt độ giá lạnh và đặt cược tính mạng mỗi ngày. "Tôi đã hoạt động như thế liên tục trong suốt hai tháng. Và cũng không còn lựa chọn nào khác, đây là công việc của tôi", Lưu Bình nói.

Theo SCMP

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Sự thức thời của startup giao hàng Trung Quốc trong dịch bệnh tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang