Thế giới
Thứ hai , 06/05/2019, 16:12

Tại sao startup quản lý ảnh tốt nhất thế giới lại “tắt điện” chóng vánh

Startup Everpix được thành lập ở San Francisco năm 2011 và chính thức biến mất vào ngày 15/12/2013.

Trong hai năm ngắn ngủi, từ giấc mơ đưa ra giải pháp quản lý thư viện ảnh tốt nhất thế giới của hai chuyên gia đồ họa người Pháp, Everpix đã thu hút được 55.000 người dùng và kiếm đủ tiền mỗi tháng để trang trải chi phí, nhưng chưa bao gồm lương cho nhân viên.

Trong khi Everpix đắm chìm trong sự hào nhoáng bên ngoài, thì tăng trưởng người dùng đã không theo kịp. Từ tháng 6/2013, người sáng lập Pierre-Olivier Latour đã cố gắng huy động 5 triệu USD để “mua thêm thời gian” cho Everpix. Khi những nỗ lực đó bất thành, anh tìm cách bán lại công ty, nhưng cũng thất bại.

Khi tuổi thọ còn lại của dịch vụ chỉ được tính bằng ngày, Latour cố gắng đã cố gắng tìm mái nhà mới cho sản phẩm và nhóm của mình. Nhưng không ai chịu dung nạp cả đội. Thung lũng Silicon tự hào là một nơi mà những ý tưởng tuyệt vời giành chiến thắng, nhưng trường hợp của Everpix đã cho thấy sản phẩm tuyệt vời cũng có thể đứng trên bờ vực của sự lãng quên. “Cảm giác như chúng tôi chuẩn bị đâm sầm vào bức tường gạch với vận tốc 160km/h, và vẫn đang tăng tốc. Nhưng chúng tôi thậm chí còn không biết bức tường có ở đó thực không”, đồng sáng lập Wayne Fan nói.

Quá khứ

Everpix là đứa con tinh thần của Latour, doanh nhân người Pháp 34 tuổi, người bán công ty đầu tiên của mình cho Apple vào năm 2003. Công ty đó là PixelShox Studio, tạo ra phần mềm đồ họa mà sau này được đổi tên thành Quartz Composer, trở thành một phần quan trọng của OS X, cung cấp năng lượng cho trình bảo vệ màn hình và iTunes, cùng với các ứng dụng khác.

Ảnh: The Verge

Tại Apple, Latour đã gặp Kevin Quennesson, nhà khoa học máy tính người Pháp đã gia nhập “Táo khuyết” từ năm 2006 và trở thành người đứng đầu dự án Quartz Composer. Đến năm 2009, cả hai cùng rời khỏi Apple và làm việc cho Cooliris, công ty chuyên sản xuất phần mềm xem ảnh. Sau khi dành thời gian du lịch khắp châu Á cùng bạn gái, anh thấy thất vọng với việc lưu trữ và sắp xếp tất cả những bức ảnh đã chụp. Anh bày tỏ ý tưởng với Quennesson, người gcũng quan tâm đến việc sử dụng toán học và khoa học để tạo ra phần mềm quản lý ảnh tốt hơn.

Quennesson cho biết càng chụp nhiều ảnh, anh càng ít khả năng nhìn lại chúng lần nữa. “Ảnh chụp cứ ngày càng dày lên, nhưng nghịch lý thay, mọi người ngày càng mất kết nối với chúng. Bạn không muốn nhìn lại cuộc sống bạn chụp được, điều đó là khác thường. Đáng ra đó phải là những khoảnh khắc quan trọng nhất. Chúng là cuộc sống của bạn cơ mà! Vì vậy, rõ ràng có vấn đề nào đó ở đây.”

Tháng 8/2011, hai người lập nên 33cube Inc. Tháng 6/2011, họ gặp Wayne Fan và đưa anh trở thành người đồng sáng lập công ty.

Vài tháng sau đó, họ vùi đầu làm ra nguyên mẫu cho cuộc thi TechCrunch Disrupt mà sau đó được gọi là Everpix. Nó sớm sở hữu nhiều tính năng đặc biệt, như liên tục tìm ảnh và tải ảnh từ máy tính cũng như các dịch vụ khác, rồi tổ chức chúng bằng thuật toán để làm nổi bật những bức hình đẹp nhất. Phần mềm chạy nhanh, thiết kế gọn gàng và sử dụng đơn giản. TechCrunch từng đánh giá: “Phần hay ho nhất của Everpix là nó có thể khiến bạn rảnh rang bất ngờ. Sau khi cài đặt và cấu hình một lần, bạn chẳng phải làm gì khác nữa.”

Everpix đã khởi sự với các khoản đầu tư nhỏ từ cựu giám đốc của Apple và PayPal. Họ cũng sớm nhận được lời đề nghị mua lại, nhưng từ chối tất cả, bởi những người sáng lập muốn tạo ra dịch vụ này theo cách riêng của mình. Họ dành sáu tháng tiếp theo để làm ra bản beta dùng thử trước khi phát hành bản chính thức Everpix 1.0. Người dùng được sử dụng miễn phí tính năng cho phép xem ảnh từ năm trước đó hoặc lâu hơn nếu kết nối máy tính với ứng dụng Everpix iOS. Với 4,99 USD/tháng hoặc 49 USD/năm, dịch vụ cho phép lưu trữ ảnh vô hạn. Tính năng Flashbacks gửi email nhắc lại những bức ảnh đã chụp vào “ngày này năm trước”, dẫn đến lượng người dùng trở lại Everpix hàng ngày tăng vọt. Các nhà phê bình ca ngợi nó. Nhưng nhà đầu tư lại không dễ thuyết phục. 

Trong khi bị ám ảnh về việc hoàn thiện dịch vụ, những người sáng lập lại ít chú ý đến điều mà nhà đầu tư quan tâm nhất: tăng trưởng. Everpix đã xây dựng một số tính năng để chia sẻ ảnh, nhưng có rất ít thứ gì đó để giúp lan truyền tới người dùng khác. Có lúc, cả đội đã cân nhắc việc yêu cầu bạn bè của người dùng tạo tài khoản để tải xuống bất kỳ hình ảnh nào người dùng chia sẻ với họ. Đó là một cách tăng trưởng người dùng nhanh chóng, nhưng cũng bị những người sáng lập đánh giá là “xấu xí”. Ý tưởng nhanh chóng chết yểu.

Nhưng họ cũng chóng tàn theo. Trong lúc các ứng dụng hình ảnh thu hút được hàng triệu người dùng, đến lúc cận kề bờ vực, công ty cũng mới thu hút được chưa tới 19.000 người dùng. Everpix gần như không chi tiền cho quảng cáo, nhưng điều đó không có nghĩa là công ty tiết kiệm được tiền. Ngược lại, họ mất gần 1,8 triệu USD để xây dựng dịch vụ.

Vỡ vụn

Một trong những khoản tiền cuối cùng mà Everpix nhận được là 500.000 USD từ Index Ventures, mang theo kỳ vọng họ có thể sống lâu thêm một chút trước khi hoàn thành được “vòng gây quỹ ươm giống”. Latour đã thuê chuyên gia tiếp thị Julie Supan, người từng làm việc cho YouTube và Dropbox. Họ cùng nhau đưa ra khẩu hiệu cho dịch vụ: Giải quyết mớ ảnh lộn xộn. Với sự thay đổi như vậy, Latour bắt đầu cố gắng gom tiền. Bằng mối quan hệ với Apple và các nhà đầu tư, Latour dễ dàng gặp mặt các nhà đầu tư.

Nhưng thật không may, Everpix đã đi kiếm tiền giữa lúc các vòng gây vốn startup lâm vào khủng hoảng. Nhiều nhà đầu tư sẵn sàng ném ra 100.000 USD, nhưng ngập ngừng khi ký tấm séc 1 triệu hay 5 triệu USD. Sự bùng nổ của các ứng dụng tương tự và sự chuyển đổi qua lại dễ dàng giữa chúng đã khiến nhà đầu tư băn khoăn.

Hầu hết tỏ ra nhiệt tình với sản phẩm của Everpix. Nhưng lần lượt từng người từ chối Latour. Một trong số đó gửi thư cho Latour viết rằng: “Các bạn có vẻ là những anh chàng tài năng phi thường và một số kiểm tra không chính thức đã xác nhận điều đó, nhưng mọi người ở đây đều lo lắng về việc liệu thực sự có thể xây dựng một công ty quản lý hình ảnh mang về 100 triệu USD hay không, giữa thời buổi các công cụ miễn phí đầy rẫy khắp nơi.” Một người khác thì cho biết: Phản ứng là rất tích cực, trên cương vị một nhóm, nhưng yếu khi họ nhìn vào các bạn với tư cách một doanh nghiệp.

Ngay cả Index cũng từ chối rót vốn tiếp. “Mặc dù sản phẩm rõ ràng rất tuyệt vời và có lượng người dùng dủ nhỏ nhưng rất trung thành, chúng tôi cảm thấy không thoải mái với các khía cạnh khác của doanh nghiệp”, Neil Rimer của Index nói.

Khi nỗ lực gây quỹ đi vào ngõ cụt, Latour đã chuyển sang ý tưởng mua lại. Nhưng các tên tuổi lớn không còn hứng thú với Everpix, vì nhiều lý do. Còn Path thì còn không lo nổi cho chính mình, dẫn đến thỏa thuận mua lại gần như chắc chắn cũng sụp đổ.

Latour vẫn tìm kiếm các khoản đầu tư hay thỏa thuận mua lại mới, trong khi các nhân viên chấp nhận tiếp tục làm việc với mức lương tối thiểu, với kỳ vọng sẽ có người mua lại. Nhưng từng ngày trôi qua, hy vọng càng giảm dần.

Bài học

Những người sáng lập thừa nhận họ đã phạm phải nhiều sai lầm. Họ đã dành quá nhiều thời gian cho sản phẩm mà không đầu tư đủ cho tăng trưởng và phân phối. Những thứ họ mang về cho nhà đầu tư là quá ít. Họ bắt đầu marketing quá muộn. Họ thất bại trong việc định vị một cách hiệu quả trước những người khổng lồ như Apple và Google - cung cấp các lựa chọn thay thế mạnh mẽ và hầu hết miễn phí. Và mặc dù Everpix không khó sử dụng, nhưng nó đòi hỏi sự tin tưởng lớn đủ để người khác giao phó toàn bộ ký ức của mình cho người xa lạ, mà ở đây là Everpix. Mà niềm tin tưởng tuyệt đối là thứ cực kỳ khó bán và khó mua.

Neil Rimer của Index đưa ra một chân lý trong kinh doanh: Sản phẩm tuyệt vời không đồng nghĩa với việc làm nên một công ty thành công. Nhìn theo khía cạnh tích cực, các nhà đồng sáng lập đã tạo ra một sản phẩm thực sự được yêu thích. Ứng dụng có xếp hạng trung bình 4,5 sao trên kho của Táo khuyết. Khoảng một nửa người dùng miễn phí quay trở lại mỗi tuần và hơn 60% mỗi tháng. Có 12,4% người dùng miễn phí đăng ký dịch vụ trả phí, so với 6% của Evernote chuyên về sản phẩm ghi chú. Nhưng Evernote vẫn sống đến hôm nay, còn Everpix thì không.

Trong những giờ cuối cùng, Latour buộc phải đưa ra thông báo rằng họ không còn có thể làm việc bên nhau được nữa, khi người mua lại công nghệ không muốn toàn bộ đội. Cả văn phòng đã rất thất vọng. Nhưng họ tiếp tục làm những điều cần phải làm: bán đi tất cả những gì có thể, hoàn tiền và trả lại dữ liệu cho người dùng.

Sau khi đóng gói văn phòng hoàn tất, cả nhóm đã đi ăn trưa cùng nhau. Trên bàn nhậu, họ thảo luận về một người đã tweet đề nghị họ nên thêm một số mũi tên điều hướng vào ứng dụng. “Chẳng lẽ khó làm thế sao?” - người đó hỏi. Khó làm thế sao? Latour đọc tweet với nỗi niềm khó tả. Bản thân Everpix cũng từng ngây thơ như thế đấy. Nhưng giờ không còn nữa. Latour đứng lên chụp ảnh cả nhóm. Trong bức ảnh, ai cũng cười rất tươi.

Theo songmoi.vn

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Tại sao startup quản lý ảnh tốt nhất thế giới lại “tắt điện” chóng vánh tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang