Hỗ trợ
Thứ hai , 25/03/2019, 09:38

Tiếp sức doanh nghiệp đổi mới công nghệ

.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP Cần Thơ, thành phố đã và đang thực hiện nhiều Chương trình, dự án hỗ trợ doanh nghiệp (DN) ứng dụng tiến bộ KH&CN như: Chương trình Hỗ trợ DN vừa và nhỏ đổi mới công nghệ, thiết bị giai đoạn 2018-2020; Dự án “Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa của DN vừa và nhỏ TP Cần Thơ đến năm 2020”… Ngoài ra, đối với các vấn đề ứng dụng KH&CN vào sản xuất, DN có thể tìm đến Trung tâm Hỗ trợ DN vừa và nhỏ TP Cần Thơ, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN TP Cần Thơ, Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc… để được sự hỗ trợ, tư vấn thiết thực khi có nhu cầu. Điều này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của thành phố trong việc khuyến khích, hỗ trợ DN ứng dụng tiến bộ KH&CN vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề đổi mới công nghệ của DN cả nước nói chung và TP Cần Thơ nói riêng còn mang tính tự phát, chưa đồng bộ và “chẳng thấm vào đâu” so với yêu cầu thực tiễn. Ông Trần Thế Như Hiệp, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN, Sở KH&CN TP Cần Thơ, nhận định: “Mặc dù số lượng DN quan tâm và thực hiện đổi mới công nghệ đã tăng trong những năm qua nhưng chủ yếu với quy mô nhỏ. Trong đó, phương thức chính là mua công nghệ của nước ngoài và bắt chước thiết kế lại theo mẫu. Còn lại đa phần các DN muốn thực hiện “Cách mạng công nghệ” trên quy mô lớn thường gặp phải vô vàn khó khăn”. Theo các chuyên gia, khó khăn của DN trong đổi mới công nghệ xuất phát từ 2 phía: từ DN (thiếu vốn, nhân lực yếu, năng lực tiếp cận công nghệ yếu…) và từ chủ trương, chính sách (khó tiếp cận được thông tin; chương trình hỗ trợ không phù hợp; khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi…).

Có thể thấy, mặc dù gặp nhiều trở ngại, song thành phố xác định hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ là nhu cầu bức thiết từ thực tiễn và là xu thế tất yếu của quá trình phát triển của mỗi DN. Vấn đề hỗ trợ, thúc đẩy DN ứng dụng tiến bộ KH&CN vào hoạt động sản xuất kinh doanh là một hành trình dài, với nhiều giải pháp đồng bộ. Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN TP Cần Thơ cho rằng, các chương trình cho vay vốn về ứng dụng KH&CN cần có các thủ tục phù hợp với DN nhỏ không có điều kiện tiếp cận vốn vay ngân hàng, kèm theo đó là thủ tục càng đơn giản càng tốt. Song song đó, các thông tin phổ biến đến DN cần được thực hiện thông qua nhiều kênh để DN có nhiều cơ hội tiếp cận và cần có chuyên gia tư vấn công nghệ, hướng dẫn thủ tục cho DN trong việc hưởng ưu đãi về ứng dụng tiến bộ KH&CN trong sản xuất kinh doanh…

Phong trào khởi nghiệp đã và đang lan rộng. Do đó, một số ý kiến đề xuất thành phố đầu tư cơ sở hạ tầng về KH&CN trên nền tảng các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sẵn có (cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo DN công nghệ, tổ chức thúc đẩy kinh doanh), tiến tới hình thành Khu tập trung dịch vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo... Sự hỗ trợ từ Nhà nước là cần thiết nhưng vai trò quyết định vẫn phải là DN với những định hướng và quyết sách rõ ràng trong việc ứng dụng tiến bộ KH&CN trong sản xuất kinh doanh. Đồng thời, thường xuyên quan tâm và tiếp cận các chương trình hỗ trợ của chính quyền địa phương liên quan đến lĩnh vực KH&CN hỗ trợ DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo…

Theo baocantho.vn

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Tiếp sức doanh nghiệp đổi mới công nghệ tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang