Sự kiện tháng 11
Thứ hai , 11/02/2019, 00:00

TRÍ TUỆ NHÂN TẠO - CÔNG NGHỆ ĐỘT PHÁ LÀM BIẾN ĐỔI THẾ GIỚI

Trí tuệ nhân tạo mang lại cho các doanh nghiệp những cơ hội để trở nên thông minh hơn, nhanh hơn trong cuộc đua

Trí tuệ nhân tạo mang lại cho các doanh nghiệp những cơ hội để trở nên thông minh hơn, nhanh hơn trong cuộc đua lợi thế cạnh tranh. Nhưng, cũng giống như các công nghệ đột phá khác, AI không phải là thuốc chữa bách bệnh cho mọi bài toán kinh tế vì vậy doanh nghiệp cần xác định rõ ràng mục đích áp dụng AI cũng như cơ hội và thách thức AI mang lại. Và, điều quan trọng nhất là nhận thức rõ con người mới chính là chìa khóa để khiến cho AI thành công.

TRÍ TUỆ NHÂN TẠO LÀ GÌ?

AI là một thuật ngữ chung sử dụng cho một loạt các kỹ thuật, công cụ và công nghệ. Thuật ngữ này lần đầu tiên được John McCarthy giới thiệu vào năm 1956 để đề cập đến khả năng một cỗ máy có thể bắt chước trí thông minh của con người. Mặc dù không có định nghĩa chung nào về trí thông minh, nhưng trí thông minh có thể được hiểu là việc thu được kiến thức thông qua tư duy, kinh nghiệm và giác quan.

Hiện nay, khi AI đã trở thành một cụm từ thông dụng để áp dụng cho cả những năng lực trong hiện tại và tương lai, điều quan trọng là phải phân biệt giữa AI hẹp và AGI (Trí tuệ tổng hợp nhân tạo). AI hẹp đề cập đến các công cụ trí tuệ nhân tạo có thể đạt được một mục tiêu duy nhất. Ở hình thức hiện tại, AI hẹp được sử dụng để làm tăng thêm năng lực của Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, số 30.2018 15 Hình 3. Tiếp cận "Sinh ra ở phạm vi toàn cầu" con người. Trong khi đó, AGI có thể thực hiện bất kỳ nhiệm vụ nào của con người với độ chính xác tương đương hoặc cao hơn. AGI là công nghệ thường được gắn với một tương lai bất định trong đó AI có thể vượt cả trí thông minh của con người.

AI VÀ TƯƠNG LAI BẤT ĐỊNH

Mặc dù AI đang trở thành một lĩnh vực “hot” của ngành công nghiệp nhưng đồng thời nó cũng là một phạm trù khó nắm bắt nhất. Điều này được thể hiện ở thái độ hoài nghi đầy cảnh giác của tỷ phú công nghệ Elon Musk. Ông trùm kinh doanh từng nhiều lần cảnh báo về mức độ nguy hiểm của AI và thậm chí mới đây còn cho rằng việc thiết lập và lắp đặt “công tắc hủy diệt” an toàn cho tất cả các cỗ máy có năng lực AI sẽ chỉ càng thúc đẩy năng lực kháng cự của bất cứ hệ thống siêu năng lực nào.

Có quan điểm đối ngược hoàn toàn với Elon Musk là một vị tỷ phú khác cũng nổi tiếng không kém: Jeff Bezos, Giám đốc điều hành Amazon. Trái với Elon Musk, Jeff Bezos lại muốn tiếp tục phát triển lĩnh vực AI và tin rằng công nghệ máy học (machine learning technology) chính là phương tiện để hoàn thiện doanh nghiệp.

Trước khi tầm nhìn đầy ảm đạm của Musk hay những dự đoán lạc quan của Bezos trở thành hiện thực, thì AI vẫn cần phải được phát triển. Các nhà phát triển công nghệ còn lâu mới có thể đạt tới một Trí tuệ Tổng hợp Nhân tạo siêu mạnh (AGI). Tuy nhiên, AI có thể học và hoàn thành các nhiệm vụ cụ thể có cùng cấp độ kỹ năng như của con người đã được ứng dụng trong nhiều bộ phận của ngành công nghiệp, doanh nghiệp và chính phủ. Cách chúng ta tiếp cận thế hệ AI tiếp theo sẽ giữ một vai trò quan trọng trong việc định hình cách con người sống và làm việc trong tương lai.

TOÀN CẢNH ĐẦU TƯ VÀO AI

Thị trường của AI đang trong giai đoạn chuyển tiếp quan trọng. Các tập đoàn và nhà đầu tư mạo hiểm chắc chắn sẽ coi công nghệ AI là ưu tiên đầu tư hàng đầu. Năm 2017, vốn mạo hiểm cho AI trên toàn cầu đã tăng gấp đôi, đạt 12 tỷ USD so với 6 tỷ USD năm 2016. Dường như các công ty đang vượt qua được những ngần ngại ban đầu về công nghệ này và hiện đang tranh đua để thực hiện các giải pháp hiệu quả nhất. AI đã trở thành một thuật ngữ thông dụng trong kinh doanh, vì vậy việc sử dụng (hoặc cố gắng sử dụng) AI ngày càng trở nên quan trọng để duy trì tính cạnh tranh.

Ngoài ngành công nghiệp, lĩnh vực kinh doanh hiện cũng đang “kẹt” trong một cuộc chạy đua AI. Những cơ quan quản lý cũng đang cạnh tranh để thúc đẩy việc áp dụng AI trong mọi lĩnh vực từ nghiên cứu cho đến các ứng dụng thương mại. Cuộc chiến hiện đang bị tri phối bởi Trung Quốc và Hoa Kỳ. Theo báo cáo của KPMG, Trung Quốc có tới 5 trong số các khoản đầu tư mạo hiểm lớn nhất thế giới trong quý 4 năm 2017. Nghiên cứu của CB Insights cũng cho thấy rằng Trung Quốc đã vượt Hoa Kỳ tới 10% trong huy động vốn cổ đông. Nói cách khác, vị thế dẫn đầu của Hoa Kỳ trong lĩnh vực AI đã không còn vững chắc nữa.

Tính đến tháng 4 năm 2018, Ủy ban châu Âu đã công bố các kế hoạch đầu tư thêm 1,5 tỷ euro vào AI để bắt kịp với Hoa Kỳ và châu Á. Nguồn tài trợ tăng thêm này có khả năng sẽ thúc đẩy phát triển các giải pháp và chiến lược liên quan đến AI, xây dựng lòng tin và sự tự tin trong công nghệ. Nghiên cứu Statista, được công bố vào tháng 9 năm 2017, cho thấy doanh thu thị trường toàn cầu lĩnh vực này đã tăng theo cấp số nhân và cũng dự báo con số này sẽ còn tiếp tục tăng.

Mặc dù đầu tư tăng nhưng các con số dự báo cho thị trường rất khác nhau. Theo công ty nghiên cứu thị trường Tractica, dự đoán cho năm 2025 dao động từ 644 - 126 tỷ USD. Nghiên cứu của Statista dự báo con số ở mức trung bình là 60 tỷ USD.

NHỮNG LĨNH VỰC TÁC ĐỘNG CỦA AI

 Mặc dù háo hức đầu tư vào AI, nhưng không một doanh nghiệp nào thực sự nắm được AI sẽ biến đổi như thế nào. Theo Andrew Burgess, cố vấn và chiến lược gia về AI cho Symphony Ventures, tác động lên kinh doanh của AI sẽ vượt xa khỏi các kịch bản tiết kiệm chi phí được dự đoán bởi những chuyên gia thận trọng. Ông cho rằng, AI mang lại những hiểu biết sâu sắc và quyết định sáng suốt. Nói một cách khác, AI chắt lọc ra giá trị từ dữ liệu trong doanh nghiệp của bạn. Google là một ví dụ, gã khổng lồ này đã sử dụng AI ở các trung tâm dữ liệu riêng để dự đoán nhu cầu cấp nhiệt và nhờ thế giảm các yêu cầu làm mát của các trung tâm đó tới 40%. Nếu mở rộng ra hàng chục nghìn trung tâm dữ liệu, Google không chỉ tiết kiệm được tiền mà còn mang lại những lợi ích môi trường.

AI được thiết lập để tái tạo lại các hoạt động trung tâm và đã đột phá các chuỗi cung ứng cũng như các quy trình end-to-end (đầu cuối) trên nhiều lĩnh vực. Mục tiêu này được hỗ trợ bởi sự giao thoa và xu thế mã nguồn mở và được tăng cường bằng sự kết hợp với các công nghệ mới khác như Big Data và IoT. Với việc thúc đẩy AI với dữ liệu thích hợp, AI đã và đang làm biến đổi nhiều lĩnh vực.

Bán lẻ

Các tập đoàn lớn như Amazon và Ocado là những ví dụ rõ ràng về các kịch bản trong đó AI là giải pháp thích hợp cho các công ty phải đối mặt với người tiêu dùng. Amazon đang theo đuổi một số dự án có sự trợ giúp của AI, bao gồm học sâu cho các hệ thống khuyến nghị; robot thông minh; và Alexa, một dự án kinh doanh AI hàng đầu của tập đoàn. Thông qua Amazon Web Services, tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu thế giới đã bán nền tảng máy học cho các công ty ngoài, tạo ra doanh thu cũng như thu thêm nhiều dữ liệu hơn. Dữ liệu là yếu tố quan trọng để AI thành công, là lời giải đáp cho câu hỏi tại sao các công ty công nghệ lớn, với sự quan tâm bền bỉ của họ về dữ liệu người tiêu dùng, lại có năng lực chiếm lĩnh thị trường. Một ví dụ tiêu biểu khác đó là Ocado sử dụng AI để phân loại các yêu cầu của khách hàng và kết nối các robot kho hàng của tập đoàn.

Hàng không vũ trụ

 Lockheed Martin đã áp dụng AI cho các hệ thống tự động, theo thời gian thực để theo dõi trạng thái của động cơ và kết nối các phương tiện không người lái. Phòng thí nghiệm Trí tuệ Nhân tạo của công ty đang phát triển các giải pháp AI để giám sát và quản lý cả máy bay có người lái và máy bay không người lái, tự động phát hiện các lỗi hoặc mối đe dọa tới hệ thống trước khi đánh giá tác động của chúng.

Chế tạo

Học sâu và máy học cho phép tra vấn các luồng dữ liệu từ máy móc nhằm để kiểm tra lịch sử và hiệu suất. Bằng cách này, thuật toán có thể dự đoán khả năng máy bị hỏng và khi nào có thể xảy ra. Bằng cách nhận ra các mẫu như vậy, AI có thể cung cấp thông tin cũng như dự đoán, nhờ đó nhà sản xuất có thể thực hiện bảo trì và sửa chữa máy móc trước khi hỏng hóc xảy ra, đồng thời cũng đánh giá các lý do cụ thể cho từng lỗi.

Công nghệ

AI góp phần thúc đẩy phát triển điện toán bằng cách tạo ra những năng lực mạnh hơn nhiều cho công nghệ đám mây. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về điện toán và lưu trữ dữ liệu giá rẻ, công nghệ đám mây cũng có thể trở nên thông minh một cách nhân tạo. Năng lực này đã làm phát sinh một loạt các dịch vụ điện toán đám mây được cung cấp bởi Amazon, Google và Microsoft, những tập đoàn công nghệ hàng đầu ở lĩnh vực cung cấp gói AI. Thông qua những nhà cung cấp này, bản thân AI cũng đã trở thành một dịch vụ.

Nông nghiệp

Máy học đang được sử dụng để giám sát và cảnh báo từ xa, để đưa ra những khuyến nghị các mức độ tối ưu của nước và thuốc trừ sâu; và để cải thiện năng suất cây trồng bằng những dự báo dữ liệu. Ở các nền kinh tế mới nổi, AI đang trang bị cho các hộ nông dân các công cụ dự đoán để phản ứng với những hình thái môi trường tự nhiên dễ biến đổi. CROPTIX, một spin-off của trường đại học Bang Pennsylvania, đang sử dụng các phân tích dự đoán để phát hiện bệnh tiềm ẩn ở cây trồng, ngăn ngừa mất mùa.

Chăm sóc sức khỏe

Đôi khi, dữ liệu lại là yếu tố gây ra trở ngại, đặc biệt trong trường hợp các ngành công nghiệp xử lý thông tin nhạy cảm, chẳng hạn như y tế. Lee Howells, chuyên gia về Trí tuệ nhân tạo và tự động hóa tại PA Consulting giải thích, lĩnh vực y tế chắc chắn sẽ rất quan tâm đến AI và cách sử dụng AI để cải thiện dịch vụ. Tuy nhiên, khi áp dụng bất kỳ công nghệ mới nào vào lĩnh vực y tế đều đòi hỏi phải hết sức thận trọng không chỉ vì vấn đề tiền bạc mà còn là vấn đề sinh mạng của con người. Trong một dự án sáng tạo và hiếm hoi của AI đối với lĩnh vực y tế, startup công nghệ sức khỏe Woebot Labs đã phát triển một chatbot có năng lực AI có thể sử dụng các kỹ thuật lâm sàng như CBT để theo dõi sức khỏe tâm thần của bệnh nhân.

Các dịch vụ tài chính

Lĩnh vực dịch vụ tài chính là một trong những lĩnh vực áp dụng AI nhanh nhạy nhất. Ngân hàng Đức (Deutsche Bank) đang sử dụng AI để giám sát các cuộc gọi của các phòng giao dịch với khách hàng nhằm để xác định gian lận hoặc không tuân thủ. AI nghe mọi cuộc gọi, làm giảm thiểu một lượng lớn rủi ro. AI cũng đang được thử nghiệm để giúp chống rửa tiền, đặc biệt là trong quy trình nhận biết khách hàng (Know Your Customer - KYC) quan trọng nhưng tốn thời gian.

CON NGƯỜI SẼ GIỮ VỊ TRÍ GÌ KHI AI “LÊN NGÔI”?

Về lâu dài, sẽ có AI cho Vạn vật. Ý tưởng này vừa thú vị lại vừa gây lo ngại bởi vì một khi AI có thể thực hiện được bất cứ nhiệm vụ nào, thì lực lượng lao động con người sẽ đứng ở đâu?

Cho tới vài năm trước đây, một số công việc được coi là 'an toàn' với tự động hóa hay những lao động thủ công lặp đi lặp lại được công nhân xí nghiệp vận hành dự kiến sẽ được thay thế bằng tự động hóa và robot. Tuy nhiên, AI đang dần chứng minh rằng AI cũng có khả năng thực hiện tốt các nhiệm vụ lặp đi lặp lại trong thế giới văn phòng chả kém so với thực hiện các nhiệm vụ lặp ở nhà máy. AI đã có thể viết các bài báo, giải quyết các tranh chấp pháp lý và thậm chí chẩn đoán bệnh. Bất kỳ công việc nào cũng có thể và sẽ bị ảnh hưởng khi AI trở nên trưởng thành và phổ biến hơn.

Tuy nhiên, đi vào trụ sở của bất kỳ tập đoàn nào, điều rõ ràng nhất bạn sẽ thấy, đó vẫn là… con người. Rất nhiều ngành công nghiệp (ví dụ như khách sạn, chăm sóc sức khỏe và bán lẻ) dựa chủ yếu vào kết nối trực tiếp giữa con người. AI có thể thay thế một số vai trò nhất định nhưng khả năng lớn hơn cả vẫn là nhu cầu tăng về nguồn nhân lực có thể kết hợp thành công với máy móc.

 ÍT NGHỀ ĐI HAY THÊM NHIỀU NGHỀ MỚI HƠN?

Rõ ràng, nhiều nghề trong lực lượng lao động dự kiến sẽ thay đổi trong vài năm tới, vì vậy các doanh nghiệp sẽ phải định hướng giai đoạn này một cách thận trọng thông qua tái đào tạo và tuyển dụng. Bất kỳ nhân viên nào giao những nhiệm vụ nhất định cho một thuật toán thì sau đó cũng có thể vượt ra khỏi khuôn khổ công việc thông thường của họ để trở nên sáng tạo hơn và có những đóng góp giá trị hơn. Người sử dụng lao động nhận ra giá trị của tái đào tạo sẽ duy trì một mối quan hệ hợp tác giữa công nhân con người và AI. Thay vì thay thế con người, AI sẽ mang lại cho con người những công cụ vô giá.

Tranh giành tài năng

 Có lẽ phần quan trọng nhất của thế hệ nhân lực mới sẽ là những người tạo ra AI, chạy các chương trình và xác định nên hay không nên sử dụng AI ngay từ những ngày đầu. Tất nhiên, khó khăn nhất là tuyển dụng và giữ lại được những cá nhân tài năng này. Ước tính số lượng người có chuyên môn để tạo ra hệ thống máy học thay đổi rất mạnh, từ hàng ngàn đến hàng trăm ngàn. Nghiên cứu gần đây của JeanFrançois Gagné, dựa trên LinkedIn và các hội nghị khoa học, cho thấy có 22.000 nhà nghiên cứu tiến sĩ trên toàn thế giới làm việc trong lĩnh vực AI, với hơn 3.000 người đang tìm việc trong lĩnh vực này.

Dù là ước tính nào thì nhu cầu về kỹ năng AI hiện đang vượt quá cung. Vì thế, các doanh nghiệp đang kẹt trong một trận chiến tranh giành các tài năng AI và thường săn các chuyên gia từ các đối thủ cạnh tranh hoặc các cơ quan học thuật. Sau khi phát hiện ra rằng thu hút các cá nhân không phải là thế mạnh của mình, những lãnh đạo yêu thích AI tại Amazon đã áp dụng một chiến lược mua lại. Vào năm 2013, công ty đã mua Ivona, một start-up chuyển văn bản thành giọng nói.

Tuy nhiên, việc tạo ra một lực lượng lao động con người và AI thành công và hòa hợp sẽ mất nhiều công sức hơn hơn là đào tạo ra các lập trình viên thông minh. Quá trình này sẽ liên quan đến việc đánh giá toàn diện văn hóa và quản trị doanh nghiệp để cả con người lẫn máy móc đều có sự tin cậy vào công việc đang được thực hiện, theo cách mà họ đang được quản lý và theo cách mà công ty coi trọng họ.

Kiểm soát AI - không chỉ riêng vai trò của chính phủ

Trên toàn Trên toàn thế giới, các chính phủ đang thể hiện sự quan tâm đến AI. Điều này cũng phần nào phản ánh nhận thức ngày càng tăng về mức độ đột phá của các công nghệ AI, cùng với nhu cầu về tính pháp lý. Các cơ quan quản lý thường được cho là có thái độ cản trở thay vì tạo điều kiện phát triển AI. Tuy nhiên, cần hiểu rõ mục tiêu cuối cùng của các nhà quản lý AI là khuyến khích những ứng dụng và xu hướng phát triển mang tính nhân văn của AI. Để áp dụng vào thế giới thực, AI có năng lực cao cũng cần phải có đạo đức. Theo Harry Armstrong, Giám đốc Công nghệ Tương lai của Nesta, giá trị đạo đức của AI được xác định bằng chính mục đích sử dụng nó. Các công ty lớn luôn sẵn sàng và kiên trì theo đuổi sử dụng AI, nhưng rõ ràng họ thiếu những kiến thức về đạo đức của AI cũng như cách thức để đo lường tác động của AI. Chính vì thế, không thể chỉ dựa vào các công ty tư nhân để tự điều chỉnh, hoặc tin tưởng họ sẽ luôn tính tới những tác động rộng lớn của moãi một mục đích sử dụng AI.

Bên cạnh đó, không khó để nhận ra những tập đoàn lớn đang nắm giữ quyền kiểm soát AI. Vậy, làm thế nào để đảm bảo rằng những công ty này tiếp tục phát triển theo những hướng đem lại lợi ích cho toàn thể xã hội? Đánh thuế bình đẳng và công bằng sẽ là một phương pháp tốt. Phương pháp khác sẽ là biên soạn các tiêu chuẩn phổ quát. Công đoạn này không nhất thiết chỉ do một mình chính phủ thực hiện. Sự hợp tác giữa khu vực tư nhân, nhà nước và phi chính phủ sẽ rất quan trọng để phát triển các tiêu chuẩn AI hữu dụng và hữu ích. Ví dụ, Hiệp hội Hợp tác AI là một tổ chức phi chính phủ được thành lập để nghiên cứu và xây dựng các phương thức về công nghệ AI tốt nhất cho lợi ích của con người. Hiệp hội đã kết hợp chuyên môn của các nhà phát triển, nhà quản lý và đại diện từ các ngành công nghiệp khác nhau để tạo ra một nền tảng thảo luận mở.

Khi AI dần được ứng dụng trong toàn xã hội, nhu cầu kiểm soát này sẽ ngày càng cao. Nhưng một trở ngại lớn đối với các nhà quản lý cấp toàn cầu là tồn tại sự khác biệt văn hóa giữa các quốc gia. Thúc đẩy AI có "đạo đức" hay có "luân lý" khiến cho các nhà quản lý phải đối mặt với thách thức tạo ra một quy tắc ứng xử toàn cầu. Có lẽ đây sẽ là lúc các tập đoàn chứng tỏ được vai trò hỗ trợ cho chính phủ, bằng cách áp dụng các chiến lược hợp tác và ủng hộ hoạt động Dữ liệu Mở.

DOANH NGHIỆP ĐÃ SẴN SÀNG VỚI AI?

Các doanh nghiệp bắt đầu nhận ra những lợi ích rộng lớn mà AI mang lại, nhưng để tận dụng được toàn bộ những ích lợi này đòi hỏi tái cơ cấu về cơ sở hạ tầng, các quy trình và văn hóa doanh nghiệp. Những doanh nghiệp lâu niên, nhất là các doanh nghiệp từ các ngành công nghiệp truyền thống, đặc biệt có nguy cơ chịu phản tác dụng. Để vượt qua những trở ngại này đòi hỏi phải có nghiên cứu, cũng như một tầm nhìn rõ ràng về những vấn đề cần giải quyết.

Tiến sĩ Tariq Khatri, giám đốc điều hành của machinable (www.machinable.com), chuyên làm việc với các nhóm quản lý cấp cao trong nhiều lĩnh vực để xác định và nhận ra các cơ hội trong lĩnh vực máy học, cho rằng AI không phải lúc nào cũng là giải pháp tốt nhất mà có thể chỉ giữ vai trò là một phần của giải pháp. Vậy, làm thế nào để doanh nghiệp có thể giữ vị thế sẵn sàng với AI nếu công nghệ chỉ là một phần của giải pháp? Dưới đây là năm cân nhắc chính:

1. Tạo một nền văn hóa dữ liệu lành mạnh  Ở cấp độ cơ bản nhất, các doanh nghiệp nên có ý thức nỗ lực tạo ra một nền văn hóa dữ liệu lành mạnh. Nhân viên cần hiểu tầm quan trọng của dữ liệu, cách lưu trữ dữ liệu và những giá trị mà dữ liệu có thể mang lại. Dữ liệu càng tốt thì quyết định càng chính xác. Các công ty có thể đạt được điều này bằng cách đào tạo lực lượng lao động có tư duy khác biệt về dữ liệu. Với các khóa học trực tuyến mở đại trà (Massive Open Online Courses) từ nhiều trang web ví dụ như Coursera, doanh nghiệp có thể thực hiện được mục tiêu này với chi phí tài nguyên tối thiểu.

2. Chọn nhà cung cấp phù hợp Khả năng tiếp cận AI thông qua các dịch vụ điện toán đám mây đã mở rộng phạm vi cho các ứng dụng kinh doanh nhưng việc chọn đúng nhà cung cấp vẫn rất quan trọng. Các nhà cung cấp ngoài sẽ cạnh tranh để đưa ra những tính năng như dễ sử dụng, năng lực thuật toán và giao diện thân thiện với người dùng. Các công ty nên ưu tiên chọn một nhà cung cấp thích hợp, thậm chí có thể làm việc với nhiều nhà cung cấp để cắt giảm thời gian tới thị trường.

3. Khớp các mục tiêu tổng thể với tầm nhìn AI Trước khi thực hiện một chiến lược AI thành công, doanh nghiệp phải xây dựng một tầm nhìn rõ ràng về việc làm cho AI phù hợp với các hoạt động. Quyết định xem AI có phải là công nghệ phù hợp để đầu tư hay không phụ thuộc vào những vấn đề mà doanh nghiệp muốn giải quyết.

4. Đạt được mức cân bằng đúng Các doanh nghiệp nên xem xét sự tương tác phức tạp giữa con người và máy móc. Khi AI được triển khai, các nhóm quản lý sẽ cần phải tối đa hóa tiềm năng của các mối quan hệ cộng tác giữa các nhân viên hiện có với các hệ thống AI. Việc này có thể làm tạo ra các vai trò mới, gồm cả một thế hệ Giám đốc AI mới.

5. Xây dựng niềm tin vào AI Khi AI thành thạo hiểu các chức năng kinh doanh hơn, các thuật toán và tư duy của nó sẽ bị “chai” và dần mất sáng suốt, thậm chí trong nhiều trường hợp sẽ phát triển vượt ra khỏi hiểu biết của con người. Cấp độ máy học như vậy sẽ làm tăng lo ngại về độ tin cậy của AI - đặc biệt là khi các quyết định quan trọng được đưa ra từ các quy trình dữ liệu mà nhân viên con người không hiểu được hết. Để các giám đốc điều hành và nhân viên có niềm tin vào hệ thống AI của mình, các công ty sẽ cần phát triển các cấu trúc quản trị để đánh giá các hành vi của máy móc giống như cách đánh giá năng lực của nhân viên con người.

AI TÁC ĐỘNG TỚI XÃ HỘI

Giá trị xã hội thực sự của AI sẽ dựa trên những vấn đề mà công nghệ này có thể giải quyết trong thế giới thực. Tích hợp AI sẽ giảm lực lượng lao động kém năng suất. Công nghệ này sẽ đưa hành khách từ A đến B trong các phương tiện tự lái, thu thập dữ liệu liên tục từ các hạng mục được kết nối để thông báo các phân tích dự đoán và đề xuất, phân bổ lại một số việc làm nhất định, tích hợp thế giới vật lý với kỹ thuật số và chuyển hóa năng lực tính toán. Robot và các dịch vụ thông minh nhân tạo sẽ từ “yếu tố lạ” trở thành “yếu tố cần”. Sẽ ngày càng có nhiều người muốn - và cần - sử dụng AI. Tuy nhiên, việc áp dụng AI rộng rãi để mang lại lợi ích xã hội còn phụ thuộc vào các quy định và quản lý.

Hiện tại, do ảnh hưởng bởi những bộ phim bom tấn của Hollywood, xã hội phần lớn cảm thấy lo sợ AI. Nhiều công ty có thể tạo ra một giải pháp AI tinh vi nhưng sẽ chẳng gặt hái được lợi lộc nếu không có người dám sử dụng nó. Giải quyết thái độ như vậy là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy ứng dụng AI, nhưng làm cách nào và ai sẽ chịu trách nhiệm?

Hệ thống giáo dục chính là nơi khởi đầu thích hợp. Bằng cách biến đổi văn hóa thông qua giáo dục, nỗi sợ hãi có thể được thay thế bằng sự hiểu biết về AI. Ví dụ, mã hóa, hiện đã trở thành một phần của chương trình học tại Anh. Đối thoại mở cũng có thể góp phần tăng hiểu biết về công nghệ AI. Bên cạnh đó, những cuộc tranh luận chính trị-xã hội cũng có thể biến việc phát triển các giải pháp và dịch vụ AI thành xung đột văn hóa. Ví dụ, Nga và Trung Quốc có các tiêu chuẩn hoàn toàn khác biệt trong lĩnh vực bảo vệ dữ liệu. Để có thể kết nối các ý kiến với quan điểm khác nhau dưới một tổ chức pháp luật duy nhất là một thách thức cực lớn mà những người đam mê AI trên toàn thế giới sẽ phải đối mặt.

Có lẽ tác động lớn nhất của AI tới xã hội chính là những ảnh hưởng của công nghệ này tới việc làm. Khi các doanh nghiệp dần chuyển đổi theo hướng tự động hoá và được công nghệ hỗ trợ, số lượng người thất nghiệp nhất định sẽ tăng. Một số việc làm sẽ biến mất hoàn toàn do tự động hóa và những người làm các công việc này trước đây có thể không có nguồn lực hoặc cơ hội để tái đào tạo. Vì vậy, cách các chính phủ cải tạo các hệ thống xã hội để dàn xếp và đền bù cho số lượng người mất việc vì AI ngày càng tăng sẽ rất quan trọng để AI có thể được xã hội chấp nhận rộng rãi.

Quay lại cuộc tranh cãi giữa hai vị tỷ phú công nghệ nổi tiếng thế giới: Elon Musk và Jeff Bezos, sự ủng hộ sẽ nghiêng về gã khổng lồ Silicon Valley nào? Sau khi đánh giá hai thái cực, câu trả lời thường là ở giữa. Rõ ràng, AI sẽ còn tiếp tục tạo ra những thay đổi mạnh mẽ và khó mà dự đoán được tương lai của AI. Vì vậy, khám phá AI sẽ là một hành trình tuy chứa đựng những nỗi e ngại nhưng không thể ngừng tiến lên trước.

Bạn đang đọc bài viết Dự án: TRÍ TUỆ NHÂN TẠO - CÔNG NGHỆ ĐỘT PHÁ LÀM BIẾN ĐỔI THẾ GIỚI tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang