Doanh nghiệp - Sản phẩm
Thứ tư , 22/05/2019, 09:23

Ứng dụng công nghệ bức xạ

.

Thời gian qua, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ bức xạ tại Việt Nam phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Tại hội thảo “Ứng dụng công nghệ bức xạ phục vụ phát triển kinh tế- xã hội ĐBSCL” vừa diễn ra tại TP Cần Thơ, các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp cho rằng, ĐBSCL có nhiều tiềm năng và triển vọng để ứng dụng hiệu quả công nghệ bức xạ phát triển kinh tế - xã hội…

Tiềm năng và triển vọng

Trên thế giới, công nghệ bức xạ được ứng dụng trong nhiều ngành kinh tế- kỹ thuật từ hơn 50 năm qua. Công nghệ bức xạ được ứng dụng để tạo ra rất nhiều sản phẩm trong cuộc sống hằng ngày, từ thực phẩm, trang phục, nhà cửa đến các phương tiện giao thông, truyền thông, chẩn đoán và điều trị bệnh. Ở Việt Nam, phát triển ứng dụng bức xạ trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội là một nhiệm vụ quan trọng đã được đưa ra trong Chiến lược phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020, quy hoạch tổng thể và các quy hoạch chi tiết phát triển ứng dụng bức xạ trong các lĩnh vực như: y tế, công nghiệp…

Việt Nam đã có được những thành tựu, kết quả đáng kể về ứng dụng công nghệ bức xạ và đồng vị phóng xạ trong nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, y tế (điện quang, y học hạt nhân và xạ trị), công nghệ bức xạ (chiếu xạ khử trùng, kiểm dịch hoa quả và thủy hải sản xuất khẩu; soi chiếu hệ thống, chiếu xạ công nghiệp; xử lý bức xạ biến tính vật liệu), soi chiếu container trong an ninh hải quan...  Một số nghiên cứu, ứng dụng đã được áp dụng thực tiễn ở ĐBSCL như: trong y học hạt nhân, xạ trị; chiếu xạ nông sản, thủy hải sản xuất khẩu; các kỹ thuật thủy văn đồng vị, quản lý tài nguyên đất, nước và dinh dưỡng cây trồng.

Theo PGS.TS Đoàn Văn Cánh, Chủ tịch Hội Địa chất Thủy Văn Việt Nam, ở ĐBSCL kỹ thuật đồng vị được sử dụng để nghiên cứu tài nguyên nước dưới đất từ những năm 1982 và đã có nhiều đề tài nghiên cứu đến nay. Bằng kỹ thuật đồng vị các đề tài khoa học đã chứng minh nước nhạt trong các tầng chứa nước ở sâu có nguồn gốc khí tượng cổ hình thành cách đây hàng ngàn năm. Qua đó, đã chứng minh được sự hình thành trữ lượng khai thác nước dưới đất có thể tham gia của quá trình thấm xuyên giữa các tầng chứa nước trong quá trình khai thác. Cùng với đó, làm rõ được quan hệ giữa nước sông Tiền, sông Hậu với nước dưới đất trên một số tuyến nghiên cứu; quan hệ thủy lực giữa các tầng chứa nước với nhau; cơ chế xâm nhập nước mặn vào thấu kính nước ngọt trong tầng chứa nước. “Những kết quả nghiên cứu trên đã chứng minh tính hiện đại và hiệu quả trong áp dụng kỹ thuật hạt nhân vào nghiên cứu tài nguyên thiên nhiên nói chung và tài nguyên nước nói riêng. Những vấn đề nguồn gốc nước dưới đất, mối quan hệ giữa nước dưới đất đóng kín với nước mặt, kỹ thuật đồng vị là phương pháp duy nhất” - PGS.TS Đoàn Văn Cánh, cho biết.

Tiến sĩ Trần Tấn Phương, Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Qua khoảng 15 năm nghiên cứu lai tạo giống, trung tâm phát triển giống lúa dựa trên các vật liệu đột biến chiếu xạ, giống lúa cảm quang và giống lúa cải tiến, đã có 2 giống lúa ST20 và ST Đỏ được công nhận giống đặc cách của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhờ vào nguồn vật liệu lúa đột biến thông qua chiếu xạ bởi tia gamma Cobalt 60, tính dung hợp khi lai lúa thơm đã được tăng lên (do đột biến làm mất tính cảm quang) và việc lai giữa hai nhóm Japonia (Lúa Tám Thơm Bắc Bộ) và Indica (Lúa thơm phía Nam) được dễ dàng. Kết quả đã chọn được tập đoàn lúa thơm ST, đặc biệt là ST24 là giống lúa thơm cải tiến ngắn ngày đầu tiên ở Đông Nam Á lọt vào Top 3 gạo ngon nhất thế giới sau 10 lần tổ chức hội thi.

Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng

ĐBSCL là một trong những vùng kinh tế trọng điểm, tung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản, có đóng góp lớn vào xuất khẩu nông thủy sản của cả nước. Vì vậy, theo ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý, bước sang một giai đoạn mới của phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước, vai trò và đóng góp của khoa học và công nghệ hạt nhân nói chung và công nghệ bức xạ cần được quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa để phát huy tiềm năng và có đóng góp trực tiếp, hiệu quả cho phát triển kinh tế- xã hội vùng ĐBSCL.

Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử- Bộ Khoa học và Công nghệ, nhiều công nghệ bức xạ có triển vọng phát triển như: tạo giống đột biến phóng xạ, chiếu xạ kiểm dịch, kỹ thuật thủy văn đồng vị, áp dụng kỹ thuật tiệt sinh côn trùng, bảo vệ mùa màng… có nhiều tiềm năng ứng dụng, cần tiếp tục mở rộng nghiên cứu cho sự phát triển của khu vực ĐBSCL. Để làm được điều này, cần tăng cường phối hợp liên ngành, tạo cầu nối giữa các nhà khoa học, nhà quản lý, các địa phương và doanh nghiệp trong đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ bức xạ và đồng vị phóng xạ đối với các lĩnh vực nhiều tiềm năng. Đây là lĩnh vực sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, cần có sự hợp tác liên ngành. Trong đó, quan tâm công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực chuyên môn ứng dụng nhiều thiết bị công nghệ bức xạ tiên tiến, hiện đại.

Công nghệ bức xạ tiên tiến ngày càng được các cơ sở nghiên cứu, các doanh nghiệp quan tâm đầu tư phát triển, tăng cường ứng dụng vào đời sống. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển công nghệ chiếu xạ, theo một số doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn, nhiều người chưa tiếp cận đầy đủ thông tin về công nghệ chiếu xạ nên vẫn còn giữ quan niệm sai lầm; công tác nghiên cứu sự chấp nhận sản phẩm chiếu xạ chưa được quan tâm đúng mức… Bà Võ Thị Thùy Dương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chiếu xạ An Phú, cho rằng: Phát triển công nghệ chiếu xạ cần đẩy mạnh công tác truyền thông đại chúng, đề ra các chiến lược giáo dục cộng đồng để đưa đến công chúng những thông tin chính xác về các ứng dụng của công nghệ chiếu xạ. Cùng với đó, tổ chức các nghiên cứu khảo sát về những sản phẩm chiếu xạ, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và doanh nghiệp khi sử dụng công nghệ cũng như sản phẩm chiếu xạ…

T.Trinh

Theo Báo Cần Thơ

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Ứng dụng công nghệ bức xạ tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Cùng chuyên mục
Doanh nghiệp - Sản phẩm
Thứ ba , 26/03/2019, 01:56
Doanh nghiệp - Sản phẩm
Thứ ba , 26/03/2019, 03:35
Doanh nghiệp - Sản phẩm
Thứ sáu , 29/03/2019, 09:25
Doanh nghiệp - Sản phẩm
Thứ sáu , 29/03/2019, 16:09
Doanh nghiệp - Sản phẩm
Thứ sáu , 29/03/2019, 16:41
Doanh nghiệp - Sản phẩm
Thứ hai , 01/04/2019, 08:07
Doanh nghiệp - Sản phẩm
Thứ hai , 01/04/2019, 10:22
Lên đầu trang