Đào tạo
Thứ tư , 11/12/2019, 08:39

Vấn Đề Pháp Lý Cần Quan Tâm Khi Đăng Ký Kinh Doanh — Loại Hình Doanh Nghiệp

.

Sẽ có nhiều hình thức để đăng ký kinh doanh nhưng trong phạm vi ấn phẩm này, chúng tôi tập trung hướng đến hình thức doanh nghiệp. Lý do cho điều này: đây là hình thức phù hợp & được các nhà khởi nghiệp ưu ái nhất. Vẫn như cách chúng tôi luôn làm, chúng tôi sẽ tập trung nói nhiều đến những điều mà các bạn quan tâm & phổ biến nhất.

Phần pháp lý trong giai đoạn triển khai mô hình kinh doanh sẽ nêu những điều cơ bản mà nhà khởi nghiệp nhất thiết phải hiểu trước khi quyết định khai sinh cho doanh nghiệp của mình. Bởi cũng giống như khi sinh một đứa trẻ, chúng ta cần có trách nhiệm với “đứa con” doanh nghiệp mà mình tạo ra. Không sinh ra một doanh nghiệp khi chưa hiểu pháp lý cơ bản & cho mình quyền không hiểu. Đơn giản, không hiểu là “sập tiệm như chơi”!

Trong bài viết này, chúng ta sẽ tập trung vào tìm hiểu đặc thù, ưu & nhược điểm của các loại hình doanh nghiệp.

Hiện có các loại hình kinh doanh cho các nhà khởi nghiệp có thể lựa chọn:

  • Công ty TNHH Một Thành Viên
  • Công ty TNHH 2 Thành viên trở lên
  • Công ty Cổ phần
  • Doanh nghiệp tư nhân
  • Công ty Hợp danh

Trong các loại hình trên, Công ty Cổ phần & Công ty TNHH là loại hình thường được ưa chuộng nhất. Lý do tại sao thì các nhà khởi nghiệp có thể đối chiếu dựa trên đặc thù của từng loại hình cũng như tham khảo những căn cứ để lựa chọn loại hình Doanh nghiệp mà chúng tôi phân tích dưới đây.

Căn cứ để lựa chọn loại hình

Đứng trước sự cân nhắc khi lựa chọn loại hình doanh nghiệp, các nhà khởi nghiệp thường dựa vào nhiều tiêu chí. Trong đó, chúng tôi nêu các tiêu chí sau đây được xem là căn nguyên khi quyết định:

(i) Khả năng huy động vốn của từng loại hình. Nếu chúng ta hướng đến việc huy động vốn thì cần xem loại hình nào sẽ đáp ứng được yêu cầu này một cách thuận lợi nhất.

(ii) Tính chịu trách nhiệm trong quá trình hoạt động. Ở đây, chúng tôi muốn nói việc chịu trách nhiệm hữu hạn hay không hữu hạn trong phạm vi phần vốn góp vào doanh nghiệp. Bởi sẽ có loại hình (chẳng hạn như chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thành viên hợp danh trong Công ty Hợp danh) sẽ chịu trách nhiệm vô hạn bằng tài sản của mình đối với hoạt động của công ty. Riêng các thành viên Công ty TNHH, Công ty Cổ phần, thành viên góp vốn trong Công ty Hợp danh sẽ chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi phần vốn mình góp vào công ty.

Ví dụ nôm na: nếu bạn là thành viên góp vốn, với số vốn góp 100.000 000 đồng vào Công ty TNHH. Nếu công ty có kinh doanh thua lỗ thì bạn chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trong số vốn 100.000 000 đồng mà bạn đã góp. Nhưng nếu bạn là Chủ DNTN, khi DN kinh doanh thua lỗ thì bạn phải chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình đối với hoạt động của doanh nghiệp.

(iii) Cơ cấu tổ chức. Điều chúng tôi muốn đề cập là vai trò, vị trí trong cơ cấu tổ chức của từng loại hình doanh nghiệp.

(iv) Độ phức tạp trong việc thành lập & vận hành. Trong các phần khác của ấn phẩm này, chúng tôi sẽ phân tích sơ lược cho các bạn về cơ cấu tổ chức, điều hành doanh nghiệp. Khi đó, các bạn sẽ nhận thấy sự khác nhau trong việc thành lập doanh nghiệp & vận hành. Đó cũng là một trong những căn cứ để các nhà khởi nghiệp lựa chọn loại hình kinh doanh cho mình. Loại hình công ty vận hành phức tạp sẽ tốn nhiều thời gian, nguồn lực hơn nhưng bù lại tính kiểm soát cao hơn.

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Vấn Đề Pháp Lý Cần Quan Tâm Khi Đăng Ký Kinh Doanh — Loại Hình Doanh Nghiệp tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang