Đào tạo
Thứ hai , 09/12/2019, 16:05

Ý Tưởng & Nỗi Lo Bị Đánh Cắp

.

Ý tưởng kinh doanh & nỗi lo lắng thường gặp

Khởi nghiệp luôn bắt nguồn từ Ý TƯỞNG. Ý tưởng tựa như mầm giống của cây. Cây to lớn, ra hoa kết trái thế nào cũng đều phải bắt đầu những mầm giống & quá trình vun trồng. Đó là quy luật!

Ý tưởng kinh doanh cũng vậy, giống như hạt giống, nhà khởi nghiệp khi có ý tưởng sẽ cân nhắc, tính toán giá trị ý tưởng, tính khả thi, khả năng cạnh tranh, thị trường tiềm năng, lợi nhuận… để có những hành động “vun trồng” cần thiết. Trong quá trình tính toán tính tiềm năng của ý tưởng, sẽ có những lo ngại xảy ra & khi đó, nhà khởi nghiệp cần trang bị cho mình cơ chế pháp lý cần thiết để bảo vệ ý tưởng, cũng như phần nào thoát khỏi những lo ngại không đáng có.

“Ý tưởng bị đánh cắp” là nỗi sợ của rất nhiều bạn trẻ khởi nghiệp nói chung. Với tâm lý của người Việt thì nỗi sợ này còn lớn hơn rất nhiều lần.

Liệu pháp luật có bảo hộ ý tưởng kinh doanh hay không? Có biện pháp nào để ngăn chặn những hành vi đánh cắp ý tưởng kinh doanh & biện pháp cụ thể để bảo vệ ý tưởng kinh doanh là gì? Đây là những câu hỏi chúng tôi thường xuyên phải trả lời khi tiếp xúc với những nhà khởi nghiệp, đặc biệt là các bạn trẻ đang dạt dào ý tưởng. Chúng tôi cho rằng sự hoài nghi, thắc mắc & nỗi sợ này là quá trình diễn biến tâm lý bình thường của những người vừa bước chân vào con đường khởi nghiệp.

Giải pháp cho vấn đề sẽ là: giải tỏa tâm lý & hành động.

Đừng lo lắng!

Giữ lấy nỗi sợ bị đánh cắp ý tưởng đối với người khởi nghiệp tựa như chúng ta có hạt giống nhưng giữ khư khư mà không dám đem ra gieo trồng vì sợ bị trộm, sâu, rầy, chuột, bọ (…) rồi mong một ngày nó nẩy mầm & kết trái. Vì sự mâu thuẫn đó, chúng tôi mong muốn những nhà khởi nghiệp hãy giải tỏa tâm lý & tập trung vào hành động, bởi nhiều lý do.

  • Tâm lý sợ hãi sẽ làm kìm hãm sự sáng tạo của nhà khởi nghiệp. Nỗi sợ sẽ làm hạn chế cơ hội trải nghiệm của ý tưởng. Ý tưởng nếu không mang đi thực thi, trải nghiệm, sửa sai & hoàn thiện thì chỉ là ảo tưởng.
  • Nhà khởi nghiệp muốn thành công cần phải có những đối tác (các co-founder, các nhà đầu tư, người tư vấn/cố vấn, huấn luyện, …). Muốn có đối tác, nhà khởi nghiệp cần tiếp thị ý tưởng để kêu gọi sự hỗ trợ. Tuy nhiên, với tâm lý sợ mất ý tưởng, nhiều Nhà khởi nghiệp ngần ngại trong việc tìm kiếm đối tác dẫn đến xu thế chọn sự “đơn độc” trên con đường khởi nghiệp. Tất nhiên, lúc này con đường dẫn đến thành công sẽ trở nên hẹp, dài & gập ghềnh hơn gấp nhiều lần vì thiếu sự trợ giúp.
  • Ý tưởng không phải là yếu tố duy nhất quyết định đến sự thành công của một mô hình khởi nghiệp. Khai sinh ra ý tưởng là một chuyện nhưng nuôi dưỡng để một ý tưởng được vận hành, phát triển & mang lại giá trị lại là một hành trình dài. Ngoài việc sở hữu một ý tưởng tốt, nhà khởi nghiệp phải xác định được giá trị cốt lõi, không trộn lẫn trong ý tưởng của mình để tạo nên lợi thế cạnh tranh. Một nhà khởi nghiệp chân chính không sợ người khác lấy cắp ý tưởng của mình vì anh ta biết rằng chính phương pháp thực hiện khác biệt, lòng quyết tâm mới tạo nên sự thành tựu và đi đến đích. Ai đó có thể đánh cắp ý tưởng nhưng không thể đánh cấp được lộ trình biến ý tưởng thành hiện thực. Hãy chia sẻ ý tưởng cho những người có thể giúp đỡ bạn!

 

Nói như vậy, không đồng nghĩa với việc chúng tôi cổ vũ những nhà khởi nghiệp hãy rêu rao ý tưởng của mình cho cả thế giới cùng biết & không cần các biện pháp bảo vệ. Thật sự có những ý tưởng đáng giá ngàn vàng mà từ nó đã tạo nên biết bao cơ nghiệp lớn. Thương trường cũng như chiến trường, nên mọi hành động đều cẩn trọng & có giới hạn. Chính vì vậy, cách bảo vệ tốt nhất ý tưởng không phải là sự lo lắng, sợ hãi mà phải là hành động.

Hãy hành động & tận dụng những công cụ pháp lý!

Chúng tôi sẽ phân tích ý tưởng kinh doanh trong 2 bước của giai đoạn 1-Tìm kiếm mô hình kinh doanh:

  • Bước 1: Khám phá khách hàng— Ý tưởng kinh doanh đang tồn tại ở dạng suy nghĩ hoặc trên bản phác thảo, kế hoạch, đồ án hoặc đã được triển khai nhưng chưa tạo ra một kết quả cụ thể (sản phẩm, dịch vụ);
  • Bước 2: Kiểm chứng khách hàng — Ý tưởng kinh doanh đã được triển khai & định hình những kết quả cụ thể (sản phẩm, dịch vụ).

Ý tưởng kinh doanh trong 2 bước này được pháp luật bảo vệ với cơ chế hoàn toàn khác nhau.

Bước 1: Khám phá khách hàng — Pháp luật hiện hành không tồn tại những quy định trực tiếp cho việc bảo vệ ý tưởng khi nó mới tồn tại ở dạng suy nghĩ hay những bản phác thảo. Tuy vậy, pháp luật cho phép các bên tự tạo ra “luật” để bảo vệ chính mình thông qua những thỏa thuận/hợp đồng dân sự cụ thể với một chủ thể bất kỳ về việc bảo mật và cam kết không sử dụng ý tưởng.

Vậy nên, nhà khởi nghiệp cần soạn thảo những hợp đồng/thỏa thuận bảo mật (Non-disclosure Agreement) với nội dung ràng buộc nghĩa vụ bảo mật thông tin ý tưởng cũng như việc hạn chế sử dụng ý tưởng trong phạm vi không gian, thời gian cụ thể. Hợp đồng/thỏa thuận bảo mật này được áp dụng khi kêu gọi những nhà đầu tư, làm việc với các đồng sáng lập, nhân viên được thuê để cùng vận hành dự án khởi nghiệp,… Khi các bên tự nguyện chịu sự ràng buộc bởi nghĩa vụ bảo mật thông tin, họ sẽ hành động cẩn trọng.

Nội dung của Hợp đồng/Thỏa thuận bảo mật phải đề cập đến 3 vấn đề:

  1. Nghĩa vụ bảo mật thông tin liên quan đến ý tưởng kinh doanh đối với các bên tham gia Hợp đồng/Thỏa thuận bảo mật nhằm hạn chế việc tiết lộ thông tin cho một bên thứ 3 bất kỳ;
  2. Điều khoản cam kết về không sử dụng hoặc chuyển cho bên thứ ba bất kỳ sử dụng ý tưởng kinh doanh trái ý muốn của tác giả ý tưởng kinh doanh;
  3. Trách nhiệm của bên vi phạm cam kết.

Mặc dù nhà khởi nghiệp có thể đã dựng lên những hàng rào cần thiết để bảo vệ ý tưởng của mình nhưng nguy cơ bị đánh cắp vẫn luôn tồn tại. Trong trường hợp buộc phải đấu tranh thông qua con đường kiện tụng, tác giả ý tưởng cần những chứng cứ hữu hiệu để chứng minh ý tưởng kinh doanh là của mình.

Thế nên mọi lịch sử liên quan đến ý tưởng cần được lưu trữ lại, bắt đầu từ ngày ý tưởng được nhen nhóm đến khi phác thảo, thảo luận để hoàn chỉnh rồi lên kế hoạch để thực hiện. Mọi thứ liên quan như ngày giờ, người tham gia, địa điểm, bằng chứng xác thực như giấy tờ, ảnh, video, nhật ký.. tất cả, hãy lưu lại vì chứng cứ mạnh mẽ và hữu hiệu nhất tồn tại trong những gì được lưu giữ vừa nêu.

Mẹo nhỏ đồng hành

Một mẹo rất hay được một chuyên gia về tư vấn khởi nghiệp nêu lên mà chúng tôi rất tâm đắc, đó là bảo vệ ý tưởng qua thư bảo đảm.

Nội dung cụ thể là, trước khi đem ý tưởng đi trình bày với các nhà đầu tư hoặc một đối tượng nào khác; tốt nhất, hãy viết ý tưởng ra giấy hoặc lưu giữ dưới dang dữ liệu điện tử trong CD, USD rồi bỏ vào phong thư & thông qua đường bưu điện tự gửi đến cho mình bằng thư bảo đảm.

Thư đến tay hãy cất giữ cẩn thận, giữ nguyên niêm phong & đừng bao giờ mở nó ra.

Khi ý tưởng được bổ sung, chỉnh sửa khác với trước đó, hãy cứ tiếp tục làm vậy, hãy cho ý tưởng của bạn vào những phong thư & mang đến bưu điện.

Với cách làm này, nếu có xảy ra tranh chấp, tác giả của ý tưởng khởi nghiệp sẽ có bằng chứng để chứng minh mình là người tạo ra ý tưởng và đã làm ý tưởng đó trước khi trao đổi với nhà đầu tư hoặc một chủ thể nào khác, thông qua tem thư có dấu bưu điện với ngày giờ cụ thể & tuyệt nhiên đáng tin cậy trước tòa.

Những điều trình bày ở trên, chúng tôi dành cho những nhà khởi nghiệp luôn mang canh cánh trong người nỗi lo lắng về việc bị đánh cắp ý tưởng. Vì chúng tôi hiểu, những ý tưởng kinh doanh là kết quả của bao ngày tháng tìm tòi, ấp ủ & chứa đựng nhiều mồ hôi và chất xám.

Nếu làm được những điều trên sẽ rất tốt nhưng hoàn toàn không phải là điều bắt buộc, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư. Việc yêu cầu một nhà đầu tư thiên thần hay một quỹ đầu tư ký kết một Hợp đồng/Thỏa thuận bảo mật như đề cập ở trên là chuyện không dễ dàng, đôi khi không thể thực hiện được. Có trường hợp còn làm cản trở quá trình được cấp vốn & nhận được sự hỗ trợ từ những đối tượng này.

Chúng tôi cung cấp cho bạn công cụ để bảo vệ mình, việc có sử dụng hay không, khi nào thì sử dụng thuộc về sự cần nhắc của bạn. Sự cân nhắc nên dựa vào tính độc đáo, độ khả thi, tiềm năng của ý tưởng cũng như thái độ của nhà đầu tư với ý tưởng của bạn, …

Bước 2: Kiểm chứng khách hàng — Khi ý tưởng kinh doanh đã được triển khai & định hình kết quả cụ thể. Kết quả khởi sinh từ ý tưởng kinh doanh có thể là một sản phẩm, một quy trình, một tác phẩm, một giải pháp, một dịch vụ cụ thể nào đó mà thị trường đang cần… Chung quy lại, kết quả hình thành từ ý tưởng kinh doanh được xem là một đối tượng sở hữu trí tuệ. Lúc này, nhà khởi nghiệp đã có được sự bảo vệ của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Muốn vậy, nhà khởi nghiệp phải làm những thủ tục cần thiết để xác lập quyền sở hữu trí tuệ của mình trước pháp luật. Tùy vào sản phẩm, dịch vụ của từng nhà khởi nghiệp mà gắn với những thủ tục khác nhau như: thủ tục đăng ký bằng độc quyền sáng chế, thủ tục đăng ký quyền tác giả, thủ tục đăng ký quyền sở hữu công nghiệp hoặc những hành động cần thiết để xác lập cơ chế bảo hộ tự động đối với những bí mật kinh doanh.

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Ý Tưởng & Nỗi Lo Bị Đánh Cắp tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang