Doanh nhân
Thứ bảy , 04/05/2019, 10:10

Bầu Đức: Từ người giàu nhất thị trường chứng khoán nhờ bất động sản đến làm giàu từ chuối

.

Từ một ông chủ của tập đoàn đa ngành với bất động sản là nguồn thu chính của doanh nghiệp, Hoàng Anh Gia Lai của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) nay trở thành một doanh nghiệp lấy nguồn thu từ trái cây là “trụ cột”. Sản phẩm chính của năm 2019 dự kiến là chuối.

Khi lên sàn cách đây 10 năm, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - mã HAG) do ông Đoàn Nguyên Đức là Chủ tịch HDDQT đã là một tập đoàn đa ngành kinh doanh trên rất nhiều lĩnh vực như bất động sản, nông nghiệp, khoáng sản, thủy điện... Lúc đó, nguồn thu chính của HAGL của bầu Đức chủ yếu vẫn là bất động sản với quỹ đất rất lớn tập trung chủ yếu tại khu vực TP. Hồ Chí Minh.

Cũng chính vì đa ngành, doanh thu của HAGL trong 10 năm vừa qua cũng “trồi sụt” khi phải chịu tác động từ nhiều thành tố khác nhau trong cơ cấu doanh thu của mình. Đỉnh điểm của doanh thu tại HAGL ghi nhận được ở mức 6.440 tỷ đồng vào năm 2016. Sau 10 năm niêm yết, doanh thu của HAGL của bầu Đức tăng trưởng gần 3 lần, từ mức 1.880 tỷ lên 5.388 tỷ vào cuối năm 2018.

Trong giai đoạn từ năm 2012 trở về trước, phần lớn doanh thu cũng như lợi nhuận của HAGL đến từ lĩnh vực bất động sản, xây dựng cũng như từ thương mại và dịch vụ.

Tuy nhiên, nhận định thị trường bất động sản Việt Nam đã hết cơ hội và HAGL không thể phụ thuộc mãi vào bất động sản, bầu Đức đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng phát triển để trồng cao su, cọ dầu, mía đường... Bước ngoặt lớn bắt đầu từ năm 2013, mảng bất động sản từ vị thế là nguồn thu chủ lực mỗi năm đóng góp hàng nghìn tỷ đồng vào doanh thu của HAGL nhanh chóng giảm về 3 con số với vỏn vẹn 247,5 tỷ đồng doanh thu, giảm mạnh so với con số hơn 2.800 tỷ đồng của năm 2012. Dù vậy đến năm 2018, bất động sản và xây dựng ít nhiều vẫn mang về trên dưới 1.000 tỷ doanh thu mỗi năm cho bầu Đức.

Cũng từ năm 2013, các sản phẩm chủ lực của HAGL đã liên tục thay đổi qua mỗi năm. Trong đó, mía đường ngay lập tức trở thành nguồn thu chủ đạo của 2 năm 2013 - 2014. Hai năm tiếp theo, mía đường vẫn đóng góp đáng kể vào nguồn thu của HAGL nhưng vai trò "đầu tàu" doanh thu đã chuyển sang chăn nuôi bò.

Đáng chú ý, năm 2015, doanh thu tập đoàn của bầu Đức vượt 6.000 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Mảng kinh doanh bò thịt đóng góp đáng kể nhất vào bước tiến với doanh số hơn 2.500 tỷ đồng, gấp đôi tổng doanh thu bốn ngành mía đường, bắp, cao su, cọ dầu.

 

Năm 2016, thị bò mang về cho HAGL của bầu Đức hơn 3.500 tỷ doanh thu. Tuy vậy, đây cũng là khoảng thời gian khó khăn nhất của HAGL khi tập đoàn này phải ghi nhận những khoản lỗ lớn liên quan đến quá trình xử lý các tài sản xấu và tái cơ cấu các khoản nợ.

Nhưng cũng giống như mía đường, ngành chăn nuôi bò chỉ đóng vai trò "đầu tàu" trong 2 năm. Hoạt động kinh doanh mía đường kết thúc vào đầu năm 2017 khi HAGL của bầu Đức bán lại nhà máy mía đường cho tập đoàn Thành Thành Công còn hoạt động chăn nuôi bò cũng chấm dứt vào năm 2018 do không còn hiệu quả.

Trước đó, HAGL của Bầu Đức quyết định rút chân khỏi khoáng sản và thủy điện. HAGL đã bán các nhà máy thủy điện tại Việt Nam cho Bitexco và đang hoàn thiện các thủ tục để bán nốt các nhà máy thủy điện tại Lào.

Sau 10 năm, những khó khăn trong việc mở rộng quá nhanh đã buộc HAGL phải tái cơ cấu, rút gọn lại còn 2 mảng chính là nông nghiệp (HAGL Agrico) với cao su, cọ dầu, mía đường và bất động sản (HAGL Land) với dự án chủ lực là khu phức hợp HAGL Myanmar.

Dù đặt rất nhiều kỳ vọng vào dự án Myanmar nhưng đến hiện tại, HAGL của Bầu Đức đang có chủ trương sẽ thoái vốn dự án này để trả bớt nợ và giải quyết nhu cầu thanh khoản của tập đoàn. Trước đó, từ tháng 9.2018, HAGL Land từ công ty con đã trở thành công ty liên kết của HAGL sau khi công ty này tăng vốn dẫn đến sở hữu của HAGL tại đây giảm xuống còn 47,89%.

Kể từ thời điểm này, HAGL của bầu Đức không còn nắm quyền kiểm soát HAGL Land cũng như với dự án HAGL Myanmar. Cùng với đó, trong tháng 9.2018, Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) đã thông qua Công ty con là Công ty CP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh sở hữu 51% vốn của Công ty Cổ phần Xây dựng và phát triển nhà Hoàng Anh để tiếp tục đầu tư vào giai đoạn 2 của dự án Hoàng Anh Myanmar Center.

Với việc chuyển HAGL Land từ công ty con thành công ty liên kết, từ năm 2019, HAGL của Bầu Đức sẽ hầu như không còn nguồn thu từ bất động sản mà chỉ còn nguồn thu từ lĩnh vực nông nghiệp. Dù chưa đạt được như kỳ vọng trong 2 năm đầu nhưng mảng trái cây dần trở thành “con cưng” trong tham vọng phát triển ngành nông nghiệp của bầu Đức.

 

Doanh thu trái cây đã tăng mạnh từ mức 1.600 tỷ đồng năm 2017 lên 2.900 tỷ đồng năm 2018 đóng góp 53,8% trong tổng doanh thu của tập đoàn. Đến cuối năm 2018, tổng diện tích cây ăn trái đã trồng được là 18.675 ha với các sản phẩm chủ lực là chuối, thanh long, xoài, mít, bưởi da xanh, và hơn 10 loại cây ăn trái khác.

Theo dự kiến của bầu Đức, trái cây sẽ mang về cho HAGL khoản doanh thu 4.775 tỷ đồng năm 2019, trong đó chuối đóng góp hơn 73%. Bầu Đức kỳ vọng mỗi ngày vườn chuối mang về 10 tỷ đồng.

Bầu Đức cũng nhấn mạnh năm 2019 được xác định là năm bản lề quan trọng để HAGL đi vào giai đoạn 2020 - 2025, phát triển bền vững, để từ đó làm đòn bẩy đưa HAGL trở thành “Tập đoàn nông nghiệp hàng đầu Châu Á vào năm 2025”

L.T

(Theo Danviet.vn)

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Bầu Đức: Từ người giàu nhất thị trường chứng khoán nhờ bất động sản đến làm giàu từ chuối tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang