Doanh nhân
Thứ sáu , 29/03/2019, 09:12

Nữ doanh nhân 27 tuổi tạo nên startup tỷ đô ở Đông Nam Á

Nếu bạn đang tìm kiếm kỳ lân mới của châu Á, đó có thể là Zilingo. Công ty thương mại điện tử này đã huy động được hàng trăm triệu USD tiền vốn để số hóa chuỗi cung ứng thời trang của châu Á.

Năm 2014, như bất kỳ du khách nào ở Bangkok, Ankiti Bose, cùng với 4 người bạn, tìm chọn mua các sản phẩm ở chợ Chatuchak nổi tiếng. Cô ấy nhận thấy một điều đặc biệt: Không một doanh nghiệp vừa và nhỏ nào có sản phẩm bán trực tuyến. Bose nảy ra một ý tưởng.

Cô và người bạn Dhruv Kapoor đã gom 10.000 USD và thành lập Zilingo, “chợ” thương mại điện tử thời trang tập hợp lại các nhà bán lẻ thời trang nhỏ ở Singapore, Bangkok và Jakarta trên một nền tảng duy nhất. “Những người bán hàng nhỏ này nằm trong chợ lớn, nhưng lại có ít quyền truy cập vào các nền tảng kỹ thuật số hoặc bất kỳ ai có thể giúp họ số hóa doanh nghiệp và cho phép họ tiếp cận với khách hàng trên toàn thế giới. Chúng tôi biết câu chuyện của họ, và điều này thúc đẩy chúng tôi đào sâu hơn nữa”, Bose, người đã có ban nằm làm tư vấn quản lý và đầu tư mạo hiểm ở Sequoia Capital và McKinsey and Company.

Nổi lên

Trong vòng ba năm, Zilingo, chơi chữ với từ “zillion” (nghĩa là: con số vô cùng lớn), đã thu hút được 82 triệu USD. Sau vòng B với 18 triệu USD hồi tháng 9/2017, startup thông báo họ đã kiếm thêm được 52 triệu USD trong vòng C vào tháng 4/2018, nhằm đưa Zilingo tăng trưởng gấp đôi. Đầu năm 2018, công ty đã tung ra Zilingo Asia Mall, mở rộng sang thị trường Mỹ và châu Âu.

Trong 12 tháng qua, công ty đã tăng trưởng doanh thu gấp 11 lần. Trước đó, vào tháng 2, công ty tuyên bố đã huy động được 226 triệu USD trong vòng D, nâng tổng số tiền đã thu hút được lên 308 triệu USD. Dù công ty không tiết lộ, nhưng theo Techcrunch, Zilingo có thể huy động được một số tiền lớn như vậy nhờ được định giá tới gần 1 tỷ USD. Và nếu “làm tròn”, châu Á đã có một kỳ lân tiếp theo.

Ankiti Bose và Dhruv Kapoor thành lập Zilingo vào năm 2015. Ảnh: Techcrunch

Zilingo hiện đang phục vụ hơn 20.000 thương nhân và nhà bán lẻ quần áo, phụ kiện, túi xách, giày và các sản phẩm phong cách sống khác trên khắp Đông Nam Á. Họ vẫn vận hành chuỗi bán lẻ hướng tới người tiêu dùng, nhưng bước đi quan trọng trong hoạt động kinh doanh là đi theo B2B - mô hình kinh doanh online giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, tìm nguồn cung ứng cho doanh nhân, dịch vụ tài chính và các công cụ công nghệ để số hóa hoạt động kinh doanh của họ. Vì vậy, về mặt lý thuyết, bất kỳ ai muốn tham gia vào các nhãn hiệu riêng hoặc bán thời trang đều có thể sử dụng Zilingo như một giải pháp đầu cuối để sản xuất và cung cấp sản phẩm của mình.

Công ty - có hơn 400 nhân viên - chưa có lãi, nhưng CEO Bose cho biết phân khúc B2B giúp bù đắp các cuộc chiến thương mại điện tử đắt tiền.

Công nghệ giải cứu

Bose cho rằng điều khiến công ty trở nên đặc biệt và lý do họ có nửa triệu người dùng hoạt động ở Đông Nam Á là bởi đây là “nền tảng thương mại đầy đủ” cho các doanh nhân thời trang, làm đẹp và phong cách sống, đồng thời, mang lại cơ hội cho người mua sắm tiếp cận các nhãn hàng độc lập chỉ với vài cú chạm/nhấp chuột.

Nữ doanh nhân 27 tuổi này cho hay: Cốt lõi của công ty là xây dựng các sản phẩm và dịch vụ công nghệ kết nối và tích hợp chuỗi cung ứng thời trang và làm đẹp để các doanh nghiệp có tất cả các công cụ cần thiết để truy cập trực tuyến và mở rộng quy mô một cách dễ dàng.

Chẳng hạn, họ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) xử lý các yêu cầu về sản phẩm, tìm kiếm hình ảnh và cá nhân hóa cho người tiêu dùng. Họ cũng sử dụng AI và điện máy để dự báo và dự đoán xu hướng thời trang. Bose cho hay: Một trong những điều tuyệt nhất khi chúng tôi sử dụng AI là  hỗ trợ người bán số hóa chính xác các sản phẩm của họ và giúp họ sẵn sàng bán trực tuyến.

Ảnh: Techcrunch

Di chuyển vào chuỗi cung ứng sau khi xây dựng phân phối là không khó hiểu, nhưng thực tế, từ lâu Zilingo đã để mắt đến B2B. Zilingo bắt đầu với một bộ sản phẩm cơ bản để giúp người bán quản lý doanh nghiệp thương mại điện tử của mình. Ban đầu, công ty chỉ cung cấp dịch vụ quản lý hàng tồn kho và theo dõi bán hàng, nhưng họ đã nhanh chóng đi sâu hơn vào tài chính, tìm nguồn cung ứng và mua sắm, thậm chí là “thợ săn phong cách” để xác định xu hướng thời trang sắp tới. Zilingo cũng mở rộng mục tiêu từ các nhà doanh nghiệp nhỏ ở Đông Nam Á đến các thương nhân và thương hiệu lớn hơn và thậm chí đến cả ngành công nghiệp thời trang ở châu Âu, Bắc Mỹ và xa hơn là tìm cách tiếp cận các nhà sản xuất châu Á.

Mục tiêu của Ziling hôm nay là cung cấp cho người bán các tính năng, cái nhìn sâu sắc và mạng lưới mà các thương hiệu như Zara đã tự xây dựng qua nhiều năm hoạt động.

Ở Đông Nam Á, điều đó có nghĩa là giúp các thương nhân nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và các nhà bán lẻ lớn hơn tìm nguồn hàng để bán trực tuyến thông qua cửa hàng Zilingo. Nhưng ở châu Âu và Mỹ, nơi không vận hành cửa hàng, Zilingo đi thẳng đến chính những người bán hàng. Điều đó có thể có nghĩa là các nhà bán lẻ tìm kiếm cơ hội bán buôn từ châu Á hoặc những người có ảnh hưởng trực tuyến, chẳng hạn như Instagram, muốn sử dụng sự hiện diện của họ cho thương mại điện tử. Ngoài việc chọn ra các mặt hàng để bán, Zilingo muốn giúp họ xây dựng nhãn hiệu riêng bằng cách sử dụng mạng lưới chuỗi cung ứng của công ty.

Zilingo khuyến khích các nhà bán lẻ và thương hiệu phát triển nhãn hiệu riêng của họ bằng cách truy cập vào mạng lưới chuỗi cung ứng mà họ đã xây dựng. Ảnh: Techcrunch

Bose cho biết những nỗ lực ban đầu của Ziling đã giúp tăng 60% hiệu quả của nhà máy và giúp phát triển liên kết với các nhà bán lẻ, đồng thời cho phép các nhà máy phát triển các bộ sưu tập nhãn hàng riêng, thay vì chỉ tạo ra các sản phẩm không tên tuổi.

Zilingo đã từng được định sẵn để cạnh tranh với các công ty lớn như Lazada, Shopee hay Tokopedia, nhưng công ty đã khéo léo để tránh né. Điều đó cũng giúp công ty đi qua những thời điểm khó khăn, tránh các cuộc chiến cạnh tranh gay gắt, cuộc chiến giá cả, mà thay vào đó, trở thành công ty khởi nghiệp có giá trị vốn hóa cao nhất Đông Nam Á. Kế hoạch “Mỹ tiến” của công ty đầy tham vọng và mất nhiều thời gian hơn dự kiến, nhưng chiến lược này vẫn khiến Zilingo trở thành một startup đáng để mắt đến vào năm 2019. Đồng thời, nó cũng cho thấy, ngay cả khi bạn đã là (hay sắp là) “kỳ lân”, thì không điều gì là dễ dàng cả.

Theo songmoi.vn

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Nữ doanh nhân 27 tuổi tạo nên startup tỷ đô ở Đông Nam Á tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang