Doanh nhân
Thứ sáu , 29/03/2019, 09:30

Doanh nhân này có ý tưởng kinh doanh trị giá 43 triệu USD: đồ điện tử cũ

Mike McKenna là Giám đốc điều hành của Diamond Assets, đứng ở vị trí thứ 7 trong danh sách những công ty tư nhân phát triển nhanh nhất nước Mỹ của tạp chí Inc.

Mike McKenna nợ Steve Jobs một khoản nợ lớn - nhưng không phải vì những lý do thông thường.

Là CEO của Diamond Assets, McKenna dành nhiều ngày để điều hành một công ty mua và tân trang lại các thiết bị đã lỗi thời của Apple, chủ yếu là từ các trường học. Công ty của anh, có trụ sở tại Milton, Wisconsin, sau đó sẽ bán lại thiết bị thông qua các nhà phân phối khác nhau ở Mỹ.

Trong ba năm qua, kinh doanh đã tăng trưởng nhanh chóng. Doanh thu tăng vọt lên 43 triệu USD trong năm 2017, tăng 19.718% so với mức 217.406 USD năm 2014, giúp Diamond Assets đứng ở vị trí thứ 7 trong danh sách Inc 5.000 - bao gồm những công ty tư nhân phát triển nhanh nhất.

McKenna cũng từng làm việc tại Apple. Đầu năm 2014, chàng trai 26 tuổi này đã làm giám đốc kinh doanh từ xa ở Apple. Nhiệm vụ của anh là bán sản phẩm cho các trường học ở bang Wisconsin đang tìm cách nâng cấp thiết bị của họ.

Ở đó, anh phát hiện ra rằng nhiều khách hàng thường bối rối trong việc loại bỏ các thiết bị cũ. Các chương trình tái chế sẽ phá hầu hết máy móc cũ, còn chương trình trao đổi hoặc có giá cả tốt hoặc dịch vụ khách hàng tốt, nhưng hiếm khi có cả hai điều đó. Đó là lúc ý tưởng về startup Diamond Assets nảy ra trong đầu anh.

Vừa quan sát vừa hành động

Mặc dù vậy, khi ấy, anh cũng chưa sẵn sàng “ra riêng”. Không lâu sau khi bắt đầu làm việc tại Apple, anh đã chia sẻ những quan sát của mình với Mike LeMaster, một doanh nhân cũng là cha một người bạn của anh: “Cháu đã nhìn ra thị trường ngách này nhưng chưa thấy ai làm đúng. Nếu bác làm, sẽ thành công”, McKenna chia sẻ.

Đến tháng 9/2014, LeMaster đã quyết định dấn thân. Mặc dù là doanh nhân ở Chicago, ông quyết định mở cửa hàng ở Janesville, Wisconsin, bởi ở đó ông có hợp đồng thuê văn phòng khá tốt cũng như có thể thuê được nhân công với mức giá rẻ hơn. Ông hợp tác với các trường ở Illinois và Wisconsin, một phần theo đề nghị của McKenna. Kinh doanh tại Diamond Assets bắt đầu hoạt động tốt đến mức, một năm sau, LeMaster quyết định thuê McKenna làm phó chủ tịch bán hàng.

Năm 2015, công ty bắt đầu mở rộng sang các tiểu bang khác ở Trung Tây, như Ohio và Indiana. Các nhà phân phối cũng bắt đầu tăng đơn đặt hàng, điều này cũng thúc đẩy công ty tăng nguồn cung ứng từ các trường học.

“Cứ mỗi năm, chúng tôi lại phải tìm đến một nhà kho mới lớn hơn”, LeMaster nói, đây là bằng chứng cho thấy công việc kinh doanh phát triển.

Vào cuối năm 2016, McKenna đã mua lại toàn bộ công ty (số tiền không được tiết lộ) và trở thành CEO. “Chúng tôi đã phát triển rất nhanh và tôi đã được thử thách khả năng lãnh đạo, quản lý và tích hợp tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp”, McKenna rất tự hào về việc lựa chọn nhân viên phù hợp với từng vị trí. “Điều quan trọng là phải mở rộng với một đội ngũ hiểu rõ môi trường công nghệ giáo dục, vì vậy công ty đã đầu tư vào chiến lược tuyển dụng những người có kinh nghiệm lâu năm ở Apple cũng như kinh nghiệm trong ngành giáo dục.”

LeMaster, giờ đã có một công ty tân trang thiết bị mới, kể lại: Tôi đã bán cho Mike [McKenna-PV] bởi vì tôi cảm thấy cậu ấy có năng lượng để đưa nó đi xa hơn nữa. Cậu ấy cực kỳ năng động và nhiệt tình. Chắc chắn, cậu ấy sẽ tiếp tục đưa công ty lên tầm cao mới.”

Chiến lược “đôi bên cùng có lợi”

Diamond Assets, giờ đã chuyển đến Milton, hiện đang làm việc với các trường học trên khắp nước Mỹ, bao gồm cả các bang như Alaska và Hawaii. Mùa hè là mùa bận rộn nhất bởi đó là khoảng thời gian kết thúc năm học cũ và bắt đầu năm học mới. Trong những tháng đó, số lượng nhân viên của công ty có thể tăng lên 120 người, một nửa là lao động tạm thời. Ngoài việc đảm bảo chất lượng thiết bị, nhân viên của công ty còn hướng dẫn khách hàng cách tối đa hóa giá trị mua lại từ các giao dịch mua bán trong tương lai.

Một nhân viên của Diamond Assets tân trang lại phần cứng đã sử dụng của thiết bị Apple. Ảnh: Sara Stathas

Để giúp mở rộng quy mô kinh doanh thâm dụng tiền mặt này, McKenna đã tìm được nhà đầu tư. Số tiền không được tiết lộ, nhưng Pfingsten Partners đã mua lại cổ phần của công ty. “Bất kỳ công ty nào phát triển nhanh chóng đều cần vốn”, McKenna nói. “Điều này đặc biệt đúng trong lĩnh vực kinh doanh của chúng tôi, bởi phải mua lại một lượng hàng lớn và khách hàng cần chúng tôi đảm bảo có thể đáp ứng nghĩa vụ tài chính.”

Tất nhiên, rủi ro của công ty có phần hạn chế, một lần nữa phải cảm ơn Steve Jobs. “Apple đã phát triển thành một thương hiệu đặc biệt, nghĩa là nhu cầu trên toàn thế giới. Đội ngũ tuyệt vời cùng với sản phẩm tuyệt vời, đó là cơn bão hoàn hảo”, McKenna bày tỏ.

Theo songmoi.vn

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Doanh nhân này có ý tưởng kinh doanh trị giá 43 triệu USD: đồ điện tử cũ tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang