Doanh nhân
Thứ ba , 18/02/2020, 15:03

Bỏ ghế giám đốc làm thuê để khởi nghiệp với điện công nghiệp

.

Từng đảm nhiệm vị trí giám đốc trong một doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài chuyên về thiết kế, thi công hệ thống điện công nghiệp nhưng do muốn tạo dựng sự nghiệp riêng, anh Phạm Quốc Trung (SN 1984) đã quyết định “ra riêng”, khởi nghiệp với ngành nghề mình yêu thích.

Sau gần 10 năm khởi nghiệp, anh Trung hiện đang là ông chủ của 3 công ty trên các lĩnh vực điện công nghiệp, điện dân dụng và một công ty chuyên về đào tạo.

* Khởi nghiệp với điện công nghiệp

Anh Trung từng là sinh viên ngành Cơ điện tử của Trường đại học sư phạm kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh. Tốt nghiệp loại xuất sắc, anh Trung được một DN nước ngoài trong lĩnh vực thiết kế, thi công hệ thống điện công nghiệp tuyển dụng và thăng tiến đến chức giám đốc dự án. Đây là mức thăng tiến cao nhất của lao động người Việt trong DN nói trên.

Tuy nhiên, muốn khẳng định bản thân, xây dựng sự nghiệp riêng cho mình, anh Trung quyết định thành lập DN đầu tiên của mình và chuyển nhượng nó sau 4 năm. “Từ một người chuyên đảm nhận mảng kỹ thuật lĩnh vực điện công nghiệp và có kinh nghiệm từ trước nên doanh số của công ty phát triển rất tốt. Tuy nhiên, công tác quản trị, kế toán lại gặp khó khăn vì không am hiểu. Tôi quyết định dành thời gian nhiều hơn cho việc học, cập nhật kiến thức quản trị, kinh doanh nên đã chuyển nhượng công ty cho đối tác của mình” - anh Trung nói về nguyên do chuyển nhượng công ty.

Năm 2014, công ty thứ 2 của anh Trung là Công ty TNHH Thiên Tín Phát tiếp tục được thành lập và hoạt động chuyên nghiệp hơn. Trở thành nhà thầu về điện vẫn là lĩnh vực mà anh Trung theo đuổi với các dự án như thi công xây dựng mới đường dây, trạm biến áp đến 35kV; lắp đặt hệ thống điện trong nhà xưởng; hệ thống chiếu sáng công cộng, nhà cao tầng, nhà xưởng; hệ thống báo trộm, hệ thống báo cháy; cung cấp vật tư, thiết bị điện dân dụng và công nghiệp cho công trình đến 35kV.

Một loạt hệ thống điện công trình, điện nhà xưởng đã được Thiên Tín Phát thi công như: Mega Tech Việt Nam, Cục Hải quan Đồng Nai, Shihlin Việt Nam, Shing Mark Vina (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom), Công ty Scavi, Công ty sợi Tainan Việt Nam (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2), Công ty UNIPAX (Khu công nghiệp Amata), Bệnh viện đa khoa Đồng Nai... là minh chứng cho sự lớn mạnh của DN.

Không dừng lại ở Thiên Tín Phát, anh Trung tiếp tục thành lập thêm Công ty Ever Power (TP.Hồ Chí Minh) để mở rộng địa bàn, quy mô hoạt động ra khu vực miền Nam. Đồng thời, ý tưởng thành lập một doanh nghiệp trên lĩnh vực đào tạo, huấn luyện cho cộng đồng DN nhỏ và vừa cũng đã được lên kế hoạch thực hiện, bước đầu hình thành nên chuỗi DN thành viên.

“Kế hoạch của chúng tôi đang phấn đấu là sẽ đạt doanh thu 30 tỷ đồng trong năm 2020 này. Với một DN nhỏ, siêu nhỏ thì đây cũng là thành quả sau những nỗ lực với các công trình lưới điện trung áp, điện nhà xưởng, tạo được uy tín và chuyên nghiệp của khách hàng” - Giám đốc Phạm Quốc Trung bày tỏ.

* Xây dựng doanh nghiệp gia đình - doanh nghiệp xã hội

Anh Trung cho biết, từ thời phổ thông đã thích tìm hiểu về điện, coi đó là một nghề để mưu sinh, kiếm sống. Cùng với sự phát triển của bản thân, của DN khi đạt được những mốc phát triển mới, ý tưởng xây dựng một công ty mang bản sắc riêng, với nền tảng gia đình - xã hội được anh Trung cân nhắc.

Bước đầu tiên trong những năm tới là sẽ cổ phần hóa DN, tạo điều kiện cho nhân viên công ty đóng góp cổ phần để cùng phấn đấu, thụ hưởng kết quả sản xuất, kinh doanh.

“Muốn huy động tài trí của nhân viên thì phải cho họ thấy được vai trò quan trọng của chính họ trong DN, từ đó họ sẽ nhận thức về trách nhiệm tốt hơn. Tự tin giao việc cho các quản lý cấp dưới cũng là hình thức để tập trung điều hành chiến lược phát triển, quan hệ đối ngoại tốt hơn” - anh Trung khẳng định.

Song song với việc mở rộng quy mô DN, thiết lập thêm thành viên trong lĩnh vực nhà thầu điện, vị giám đốc trẻ này còn rất quan tâm tới lĩnh vực đào tạo. Anh Trung hiện đang là giảng viên thỉnh giảng của một trường cao đẳng về ngành cơ điện. Không chỉ vậy, anh cùng với một số bạn bè có ý tưởng thành lập thêm một DN thuộc lĩnh vực đào tạo với mong muốn “cho đi thì sẽ được nhận lại”. Theo đó, anh sẽ tổ chức các sự kiện thảo luận, đào tạo, mời các chuyên gia trên các lĩnh vực để hướng dẫn các DN nhỏ, siêu nhỏ nắm bắt được kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, tránh lặp lại những sai lầm mà mình đã từng mắc phải.

khoinghiep.org.vn

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Bỏ ghế giám đốc làm thuê để khởi nghiệp với điện công nghiệp tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang