Doanh nhân
Thứ năm , 20/02/2020, 09:26

Con người: Nhân tố quan trọng quyết định thành công cho start-up

Đằng sau thành công của mỗi start-up luôn cả đội ngũ cộng sự để cùng họ giải quyết khối lượng công việc khổng lồ mà các star-up phải trải qua khi bắt đầu khởi nghiệp.

Nhiều người cho rằng: nhà sáng lập thường tài giỏi, sống lập dị và thích làm việc độc lập. Song thực tế không hoàn toàn vậy. Đằng sau thành công của mỗi start-up luôn cả đội ngũ cộng sự để cùng họ giải quyết khối lượng công việc khổng lồ mà các star-up phải trải qua khi bắt đầu khởi nghiệp.

Đó cũng là lý do vì sao khi chọn dự án để đầu tư, yếu tố đầu tiên mà các quỹ đầu tư mạo hiểm quan tâm là con người. Moshe Sarfaty - nhà sáng lập và đồng sở hữu Quỹ Đầu tư mạo hiểm Krypton (Krypton Venture Capital) lý giải: Các quỹ đầu tư muốn nhìn thấy đội ngũ sáng lập có nhiều hơn một người và luôn thể hiện tinh thần cống hiến hết mình cho sự phát triển của start-up, sau đó mới xem xét đến sản phẩm và thị trường.

Jason Albanese - Nhà đồng sáng lập, CEO của Centric Digital - cũng cho rằng: Khối lượng công việc khổng lồ của start-up đòi hỏi phải có nhiều người có kiến thức và kinh nghiệm ở nhiều lĩnh vực cùng tham gia. Tuy nhiên, không phải mọi sự hợp tác đều hiệu quả. Nếu kỹ năng của những người cùng hợp tác không bổ trợ hoặc không tương xứng nhau thì chỉ khiến mối quan hệ đó trở nên tiêu cực.

Có chung quan điểm này, Nguyễn Đức Hải - nhà sáng lập Mạng lưới kết nối vay tài chính LoanVi.com đầu tiên tại Việt Nam cũng cho rằng: Cộng sự là yếu tố quan trọng nhất để có thể khởi nghiệp thành công. Cộng sự phải là những người bổ sung các kỹ năng cho nhau và hết lòng xây dựng start-up. Thậm chí, Nguyễn Đức Hải còn ví tìm cộng sự như tìm bạn đời, rất khác với việc thuê nhân viên. Nó đòi hỏi sự chia sẻ và hy sinh cùng tinh thần trách nhiệm cao. Thậm chí, cộng sự còn quan trọng hơn ý tưởng. Bởi theo Nguyễn Đức Hải, một ý tưởng hay có thể bị sao chép rất nhanh để rồi sau đó khó có thể xác định ý tưởng đó của ai mà chỉ quan tâm ai là người thực hiện ý tưởng đó tốt nhất. Muốn vậy, việc có được những cộng sự tuyệt vời có ý nghĩa quyết định cho thành công của start-up.

Tuy nhiên, để tìm được cộng sự tốt lại không đơn giản. Bằng kinh nghiệm hiện có, Jason Albanese đã đưa ra 3 yếu tố cần lưu tâm để tìm được cộng sự giỏi và phù hợp.

Bill Gates và nhà đồng sáng lập Microsoft, Paul Allen

Không ít người tìm cộng sự với quan niệm người có tính cách hướng ngoại sẽ làm việc với khách hàng, còn người hướng nội thì túc trực ở phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy. Một mối hợp tác hiệu quả cần dựa trên tập hợp các kỹ năng bổ sung cho nhau mà không phải trái ngược nhau. Như vậy, nếu hai người có tài năng, nhưng suy nghĩ khác nhau thì nhiều khả năng sự hợp tác sẽ khó có thể mang lại hiệu quả mong muốn. Bên cạnh đó, nếu có nhiều điểm tương đồng về kỹ năng, triết lý điều hành sẽ là thuận lợi lớn. Bởi điều đó giúp cả hai dễ tìm được tiếng nói chung trong quá trình phát triển start-up. Bằng không, hiệu quả hợp tác có thể bị tiêu diệt ngay từ đầu.

Không chỉ hỗ trợ nhau về kỹ năng, việc phân chia, phối hợp công việc một cách ăn ý có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, trong hệ thống cấp bậc mà kèm theo đó là quyền lãnh đạo, nếu mọi người đặt "cái tôi" lên trên lợi ích tập thể, thì dễ khiến bản thân quên đi tầm nhìn dài hạn. Vì thế, hợp tác là cách thúc đẩy phát triển công việc, nhưng dễ khiến đồng sự cảm thấy kiêu hãnh theo cách có thể khiến start-up gặp nhiều rủi ro. Vì thế, việc đánh giá thái độ và tham vọng của mỗi người được thúc đẩy bởi tiềm năng phát triển của công ty hay bởi "cái tôi" của họ là điều khó khăn. Một doanh nhân giỏi phải là người có trực giác nhạy bén cũng như đủ kinh nghiệm để "nhìn" người một cách chính xác.

Ngay cả khi lúc đầu các cộng sự hợp tác ăn ý, thì cũng không có gì đảm bảo sự hòa thuận này sẽ kéo dài mãi, nhất là khi phải đối mặt với những thách thức và áp lực khiến các thành viên căng thẳng. Có thể lúc đâu, mọi người đều hiểu cộng sự và tham vọng của nhau. Nhưng trên thực tế, suy nghĩ của con người thường thay đổi theo thời gian. Vì thế, chúng ta không thể đoán trước những thay đổi trong 5, 10 năm tới. Bù lại, chúng ta có thể làm mọi điều cần thiết để giữ mối quan hệ đó được lâu bền và hiệu quả. Có thể có những thói quen hoặc tật xấu của cộng sự mà bạn chưa hiểu hoặc thông cảm ngay lập tức, nhưng sẽ tốt hơn nếu bạn lường trước và chấp nhận điều đó thay vì khó chịu một cách không cần thiết - miễn là chúng không gây hại đến mục tiêu chung.

Khoinghiep.org.vn

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Con người: Nhân tố quan trọng quyết định thành công cho start-up tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang