Doanh nhân
Thứ hai , 06/05/2019, 08:40

Mơ làm giàu từ lúc còn rất bé

“Tôi yêu tất cả những công việc mình làm, dù là nhỏ nhất như giao báo hay nhân viên siêu thị. Tôi thích làm việc vì mơ trở thành một ai đó khác người, giám đốc điều hành chẳng hạn!” – doanh nhân Bill McDermott tâm sự với phóng viên một tờ báo.

Năm 2017, tổng thu nhập của McDermott (lương và phúc lợi) đã lên đến 21,8 triệu euro (24,8 triệu USD), cao nhất nước Đức. Ông là giám đốc điều hành của công ty phần mềm kinh doanh Đức SAP. Tại Mỹ, tỉ phú thân lập thân Mark Cuban, 60 tuổi, cho biết ông không bao giờ từ bỏ giấc mơ trở nên giàu có.

“Ưu tiên số 1 của tôi là làm giàu! Có sự nghiệp và tài sản, bạn sẽ dễ tìm được người vợ ưng ý và xây dựng một gia đình con cái hạnh phúc. Nếu đã giàu, tôi có thể thoải mái hơn khi muốn về hưu và ngơi nghỉ” – chủ tịch của câu lạc bộ bóng rổ Dallas Mavericks tâm sự. Sản nghiệp của Cuban hiện trị giá không dưới 5 tỉ USD.

Nuôi giấc mơ giám đốc điều hành từ năm… 16 tuổi!

Khi McDermott (hiện 57 tuổi) bị mất một mắt trong tai nạn cách nay ba3 năm, ông không hề chán nản mà muốn quay trở lại với công việc càng sớm càng tốt. Đến từ Mỹ, ông bỏ ra 10 giờ một ngày tại văn phòng làm việc cho đến năm 2015 khi ngã xuống cầu thang tại nhà người anh. Chiếc ly McDermott cầm trên tay đập vào mặt làm bị thương nặng ở mắt và cổ. Phẫu thuật xong, dù bị mất mắt trái, một ngày sau, ông đã điện thoại cho các đồng nghiệp tại SAP để khẳng định “tôi vẫn ổn”!.

Hai tháng sau đó, McDermott quay lại với công việc. “Chưa bao giờ tôi có ý nghĩ, dù thoáng qua, là mình sẽ không bao giờ làm việc được nữa” – ông bộc bạch tại trụ sở Bắc Mỹ của SAP ở bang New York. Mê công việc là tố chất mà McDermott đã “xây dựng” được từ lúc mới 16 tuổi khi ông làm chủ một cửa hàng bán thức ăn đặc sản, và chính “đạo đức” công việc này đã giúp ông thăng tiến. Hiện nay ông là giám đốc hưởng lương cao nhất của một công ty Đức với thu nhập lên đến 24,8 triệu USD.

Hiện nay McDermott đã có thể “bằng vai bằng lứa” với các lãnh đạo daonh nghiệp thế giới. Sinh ra và lớn lên tại cộng đồng lao động Long Island, ngoại ô thành phố New York, McDermott bắt đầu làm công việc giao báo từ năm 11 tuổi để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Sau đó, ông vào làm việc cho một nhà hàng Ý, một trạm xăng và một siêu thị, trước khi làm chủ một cửa hàng thức ăn đặc sản địa phương. Khi người chủ cửa hàng thức ăn muốn nghỉ ngơi, McDermott, lúc đó mới 16 tuổi, xin mua lại cửa hàng.

Không có đủ tiền, ông thuyết phục chủ cũ cho mình nợ lại một số. Công việc kinh doanh thuận lợi giúp ông có tiền vào đại học và mua cho cha mẹ một ngôi nhà nghỉ dưỡng. McDermott đi vào thế giới công ty năm 1983 với vị trí nhân viên chào hàng tại công ty photocophy Xerox. Không bao giờ ngại nói lên tham vọng của mình, trong cuốn hồi ký xuất bản năm 2014 ông nhắc lại câu nói từng nói với trưởng phòng tuyển dụng của Xerox: “Thưa ông, một ngày nào đó tôi hy vọng sẽ trở thành giám đốc điều hành”!

Các nhân viên tại SAP thoạt đầu không tin một người Mỹ sẽ lèo lái doanh nghiệp đến thành công

McDermott thăng tiến rất nhanh tại Xerox. Nhưng không lâu sau, ông thất vọng khi phát hiện ra công ty thích nghi rất chậm với những thay đổi nên không thể bắt kịp đà phát triển của máy tính và email. Cuối cùng, sau 17 năm gắn bó với Xenox, năm 2000, ông chia tay với công ty và vào làm việc tại Công ty nghiên cứu và tư vấn Gartner. Tiếp theo là Công ty phần mềm Siebel Systems. Năm 2002, SAP tuyển ông vào cương vị phụ trách tiếp thị tại Bắc Mỹ để giúp tăng doanh số bán hàng ở khu vực này. Tám năm sau đó, công ty giao cho ông chức đồng giám đốc điều hành. “Giám đốc điều hành là mục tiêu mà tôi đặt ra cho cả đời mình. Nay, tôi đã có nó” – ông nói.

Năm 2014, McDermott trở thành giám đốc điều hành duy nhất của SAP. Ông cũng là người Mỹ duy nhất lãnh đạo một công ty có tên trong danh sách tham gia thị trường chứng khoán Dax của nước Đức. Chính vì vậy mà các nhân viên tại SAP cho biết họ rất lo khi một người Mỹ quản lý một doanh nghiệp Đức. Họ sợ sẽ có sa thải lớn. Báo chí Đức cũng cảnh báo về nguy cơ SAP bị “Mỹ hóa”.

Một số cựu lãnh đạo Xerox nói thẳng mối lo ngại này. Ví dụ: bà Anne Mulcahy, cựu Giám đốc điều hành Xerox, kể lại với hãng tin CNBC vào tháng 7-2017: “Lúc đó, tất cả chúng tôi đều muốn Bill thành công tại SAP và đưa công ty đi lên, nhưng tất cả đều tự hỏi: một người Mỹ có thể lập ký tích cho một công ty Đức đang đau ốm không?”. McDermott thú nhận lúc đó ông chỉ có một mối ưu tư là sẽ gây ra sự đố kỵ trong ban lãnh đạo và nhân viên địa phương nếu ông chiến thắng.

McDermott (ảnh chụp năm 2015) là người có công mở rộng SAP

“Nhưng điều quan trọng là bạn không nên để bị phân tâm bởi những ngờ vực mà hãy tập trung vào công việc trong cương vị mới có rất nhiều thách thức. Bạn cứ làm cho thật tốt, còn thích hợp với ghế CEO hay không, thực tế sẽ chứng minh” – ông nói. Nói là làm, McDermott đi tiên phong trong việc tạo ra những sản phẩm mới để giữ cho SAP không lạc hậu trong thế giới phần mềm và dữ liệu đang thay đổi nhanh với sự cạnh tranh khốc liệt.

Dưới sự lãnh đạo của ông, công ty 46 tuổi này đã thực hiện hàng loạt vụ sáp nhập, mở rộng chủng loại sản phẩm và di chuyển sang cả lĩnh vực điện toán đám mây (cloud computing) đang “hot” và là xu thế của tương lai. Kết quả rất khả quan, doanh thu công ty tăng mạnh, đạt gần 26,7 tỉ USD vào năm 2017, cao hơn năm 2010 đến 90% khi McDermott còn là đồng giám đốc điều hành. Lợi nhuận của công ty trong giai đoạn này cũng tăng gấp đôi, và giá cố phiếu từ 38 euro tăng lên 94 euro. McDermott phân chia thời gian giữa New York và Walldorf ở tây nam nước Đức, nơi SAP đặt trụ sở chính.

Bill McDermott phân chia thời gian giữa New York và Walldorf, nơi SAP đặt trị sở chính

“Dù làm việc ở SAP hay Xerox, tôi luôn được hướng dẫn bởi những bài học học được từ lúc còn ngồi quầy thu ngân tại cửa hàng thức ăn lúc còn bé. Dù là doanh nghiệp lớn hay cửa hàng nhỏ, mục tiêu tôi hướng đến vẫn là tương lai chứ không phải hiện tại. Bạn phải tiên đoán được những gì sắp xảy ra để chuẩn bị trước mà không bị động” – ông nói. Paul Saunders, Giám đốc nghiên cứu tại Công ty tư vấn Gartner, nhận định về thành công của đồng nghiệp cũ: “Trước McDermott, hầu như SAP không bắt kịp xu hướng của khách hàng. Công ty không bám sát được thực tế. Nhưng đến kỷ nguyên McDermott, tình hình đã khác. SAP đã hiểu được các doanh nghiệp cần gì và đã xây dựng được lòng tin trong khách hàng là công nghệ Đức tiên tiến có thể đáp ứng được tất cả yêu cầu của họ”.

McDermott có nhiều bạn bè trong giới văn hóa nghệ thuật, kể cả ca sĩ Nile Rodgers của ban nhạc Chic. McDermott sẽ làm Giám đốc điều hành SAP đến năm 2021 trước khi hợp đồng lao động mới được xem xét lại. “Tôi không có ý định làm chậm lại sự phát triển của công ty. Tôi cũng chưa nghĩ đền việc nghỉ ngơi vì làm việc là niềm đam mê chính của tôi. Tôi sẽ làm việc cho đến cuối đời vì về hưu là hình phạt lớn nhất nếu tôi để nó xảy ra!” – ông nói.

Ca sĩ Nile Rodgers của ban nhạc Chic là bạn của McDermott

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuộc tầng lớp lao động nghèo tại thành phố Pittsburgh thuộc bang Pennsylvania (Mỹ), Mark Cuban bắt đầu đạt được giấc mơ làm giàu ở tuổi 32. Đó là năm 1990 khi ông bán công ty máy vi tính MicroSolutions với giá 6 triệu USD. Nghĩ mình đã có thể nghỉ xả hơi và đi du lịch đây đó với số tiền này, nhưng chỉ vài năm sau giấc mơ làm giàu lại quay trở về. Năm 1995, Cuban là đồng sáng lập trang web kinh doanh Broadcast.com chuyên cung cấp video và audio trực tuyến.

Trang web làm ăn phát đạt, chỉ bốn năm sau đó, ông bán lại cho Công ty Yahoo lấy 5,7 tỉ USD và trở thành tỉ phú công nghệ ở tuổi 41. Hôm nay, ông tập trung vào việc quản lý câu lạc bộ bóng rổ Dallas Mavericks bên cạnh những mảng kinh doanh và đầu tư khác mà nổi tiếng nhất là chương trình truyền hình Shark Tank phiên bản Mỹ của chương trình Dragons’ Den rất nổi tiếng tại Anh. Cuban là cổ đông chính của chương trình này từ 2011.

Trị giá của Shark Tank vào thời điểm này khoảng 3,9 tỉ USD. Trả lời báo chí về bí quyết làm giàu, ông chỉ đưa ra hai yếu tố: “làm việc chăm chỉ và có chiến lược, bất chấp việc nhỏ hay việc lớn”. “Ai cũng muốn mình chiến thắng, không có ai muốn thất bại, nhưng chỉ có những người có quyết tâm và chuẩn bị kỹ càng mới đạt được kết quả này. Đây là bài học lớn tôi học được trong thương trường. Làm việc gì mà không chuẩn bị kỹ và lường trước cả thuận lợi lẫn khó khăn, thất bại gần như nắm chắc trong tầm tay”.

Cuban

Sáng kiến kinh doanh của Cuban có từ rất sớm. Năm 12 tuổi, ông đã nghĩ ra cách kiếm tiền là bán túi đựng rác đến tận nhà trong khu vực mình sống với mục tiêu đơn giản: có tiền để mua đôi giày bóng rổ ưa thích. Năm 13 tuổi, Cuban đã xây dựng được một thương hiệu nước uống lemonade bán rất chạy. Sau đó, khi đã là sinh viên đại học ở hai thành phố Pittsburgh và Bloomington của bang Indiana (Mỹ), ông mở một quán bar gần trường, nơi dạy cho sinh viên những bài học vỡ lòng về khiêu vũ và tổ chức tiệc tùng mừng tốt nghiệp, mừng sinh nhật.

“Chính từ công việc của mình, tôi nhận ra rằng kết quả kinh doanh chỉ có được khi mình làm cho khách hàng hạnh phúc. Họ càng hạnh phúc bạn càng thành công. Phần thưởng lớn chỉ đến cho những ai tận tụy và chi li với công việc vì khách hàng” – Cuban nói.

Sau khi tốt nghiệp bằng quản trị kinh doanh, Cuban chuyển đến Dallas, Texas và làm người chào hàng cho một công ty phần mềm. Động lực để Cuban xây dựng doanh nghiệp riêng cho mình đến vào năm 1983 khi ông bị mất việc vì dám tự tiện ký một thỏa thuận 5 con số, tức dưới 100.000 USD mà không hỏi ý lãnh đạo trước. Vài tháng sau đó, Cuban mở Công ty MicroSolutions và bán nó sau bảy năm để lao vào thử thách mới: trang web Broadcast.com. Năm 1999, ông tiếp tục bán lại Broadcast.com để tậu ngay cho mình một chiếc máy bay phản lực tư nhân với giá 40 triệu USD.

Một năm sau nữa, để thỏa niềm đam mê từ lúc còn thiếu niên, Cuban quyết định bỏ ra 280 triệu USD đầu tư vào câu lạc bộ bóng rổ Dallas Mavericks đang hoạt động bết bát và trở thành cổ đông có quyền chi phối hoạt động của câu lạc bộ. Cuban quá may mắn vì Broadcast.com nhanh chóng biến thành đứa con bị bỏ rơi của Yahoo khi thế giới âm nhạc bị trang video YouTube sinh sau đẻ muộn hút hồn.

Cuban là chủ của Mavericks trong 18 năm

Không còn ai xem video hay nghe ca khúc trên Broadcast.com nữa và dịch vụ này phải đóng cửa vào năm 2002, mang theo cả tỉ USD đầu tư của Yahoo xuống suối vàng! Dưới sự điều hành của Cuban (ông chủ bóng rổ duy nhất thích xuống mép sân hò hét với đội bóng thay vì ngồi khuất trên khán đài), Dallas Mavericks đoạt chức vô địch lần đầu tiên của Hội Bóng rổ Quốc gia Mỹ (National Basketball Association-NBA) vào năm 2011. Thành công ngoài sự tưởng tượng của nhiều người.

Năm 2017, đội kiếm được 233 triệu USD doanh thu và được tạp chí Forbes ước tính giá trị trên thị trường là 1,9 tỉ USD, xếp thứ 9 trong 30 đội bóng thành viên NBA về giá trị vốn hóa. Cuban còn giới thiệu một số điệu vũ hoạt náo lạ mắt do đội hip-hop Mavs ManiAACs thực hiện tại mỗi trận đấu của Mavericks và từ 2002, điệu nhảy bốc lửa này đã trở thành quen thuộc với mọi khán giả trên sân.

 Chuyên viên về kinh doanh trong thể thao Richard Barker xếp Cuban vào loại doanh nhân “sẵn sàng chấp nhận rủi ro để thành công”. Hiện là Phó chủ tịch của Công ty quan hệ công chúng (PR) trong thể thao M&C Saatchi Sport & Entertainment, Barker nói: “Việc Cuban mua lại Mavericks vào năm 2000 khi câu lạc bộ đang đau yếu là một sự liều lĩnh, nhưng là liều lĩnh có tính toán của một người có chiến lược kinh doanh”.

Cuban có ba con với người vợ Tiffany Stewart và gia đình họ sống rất hạnh phúc. Nhưng không phải là người hoàn hảo nên có lúc ông cũng bị chỉ trích. Không chỉ nhận được phê phán từ những người không thích các điệu nhảy táo bạo của đội hoạt náo, ông còn bị phạt nhiều lần về các phát ngôn nhắm trực diện vào ban lãnh đạo NBA. Ví dụ, năm 2001 ông đánh giá trưởng ban trọng tài của NBA “còn không thể quản lý nổi một cửa hàng bán kem Dairy Queen chứ đừng nói đến cầm còi”.

Cuban trong chương trình Shark Tank, phiên bản Mỹ của chương trình Dragons’ Den (Anh)

Phản ứng từ Dairy Queen là mời Cuban đến tham quan những cửa hàng của nó trong khi NBA bắt ông nộp một số tiền vì “phát ngôn bừa bãi”. Ngoài việc làm chủ đội bóng, Cuban cũng thưởng chơi trong trận đấu nghi thức All-Star Celebrity Game mỗi năm của NBA. Hiện Cuban còn là đồng sở hữu của Tập đoàn truyền thông 2929 Entertainment và Chủ tịch công ty truyền hình vệ tinh và cáp Mỹ AXS. Một công việc khác ông ưa thích là viết sách về các bí quyết kinh doanh.

Được hỏi ai là người tạo nguồn cảm hứng cho mình từ lúc mới bước chân vào kinh doanh, Cuban đưa ra cái tên Ted Turner, nhà sáng lập của kênh truyền hình tin tức CNN. “Turner là người luôn kiên trì với con đường của mình và không bị chi phối bởi những gì người khác nói. Ông làm việc nhiều, chơi cũng nhiều. Đây là hai đức tính tôi khâm phục”.

Là cha của 3 đứa con, Cuban khuyên giới trẻ nếu muốn khởi nghiệp hãy tập trung vào mảng kinh doanh chính mình quan tâm và thấy có triển vọng nhất chứ không nên mày mò thiếu định hướng theo kiểu cầu may hoặc bắt chước người khác. “Chìa khóa của thành công là biết được cái gì bạn thích làm nhất và giỏi về nó nhất. Thứ hai là đừng nản lòng và sợ thất bại. Thất bại vài lần nhưng chỉ thành công một lần là bạn có thể lấy lại tất cả và thăng tiến” – anh nói.

Theo Doanhnhanplus.vn

 

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Mơ làm giàu từ lúc còn rất bé tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang