Tin tức
Thứ bảy , 16/07/2022, 00:00

Bốn kỳ lân công nghệ của Việt Nam

.

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 4 Kỳ Lân công nghệ gồm VNG, VNLife, MoMo và Sky Mavis thuộc hai lĩnh vực phát hành game và thanh toán.

VNG và Sky Mavis với cơ cấu doanh thu hiện nay vẫn đang được xem là những doanh nghiệp phát triển,  kinh doanh, phân phối trò chơi trực tuyến là chủ yếu. Tuy nhiên, VNG có doanh thu game online chủ yếu từ mảng game truyền thống còn Sky Mavis có doanh thu chủ yếu đến từ game NFT (Non-FungibleToken) được xây dựng và phát triển trên nền công nghệ blockchain.
2 Kỳ Lân còn lại, VNLife hoạt động mạnh về cổng thanh toán và MoMo mạnh về ví điện tử, đều được xếp vào doanh nghiệp công nghệ tài chính (Fintech). Đây là lĩnh vực đang có sức nóng đầu tư tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây và cũng đang diễn ra cạnh tranh quyết liệt.

Trong đó, lĩnh vực ví điện tử chứng kiến sự cạnh tranh còn gay gắt hơn khi theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Việt Nam hiện có 43 tổ chức không phải là ngân hàng đã được NHNN cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; trong đó có 37 tổ chức đã cung ứng dịch vụ ví điện tử ra thị trường, với tổng số ví điện tử đang hoạt động là khoảng 16,39 triệu ví (tăng khoảng 2,75 triệu ví so với thời điểm cuối năm 2020).
VNG
Từ một công ty phát hành game nhỏ do những người mê chơi game thành lập, VNG đã mở rộng ra nhiều lĩnh vực và trở thành Kỳ Lân đầu tiên của Việt Nam. VNG hiện hoạt động với 4 mảng kinh doanh cốt lõi: Trò chơi trực tuyến; Nền tảng kết nối; Tài chính & Thanh toán và Dịch vụ đám mây.

Lê Hồng Minh - nhà sáng lập, Chủ tịch và CEO VNG - được biết đến là một người rất nghiện game. Năm 2004, Minh cùng một số người bạn có chung sở thích thành lập công ty Vinagame (sau này đổi tên thành VNG). Dù xuất phát điểm chỉ là một doanh nghiệp phát hành game, giờ đây, VNG đã chuyển mình rất nhanh để đón bắt hàng loạt xu hướng công nghệ “hot” nhất thế giới như dịch vụ đám mây hay tài chính cá nhân và thanh toán di động.

Năm 2012, VNG cho ra mắt nền tảng mạng xã hội Zalo. Và đến nay nền tảng này đã có đến 64 triệu người dùng. Không những vậy, Zalo còn ngày càng trở thành một cổng kết nối đắc lực, một công cụ giao tiếp đặc biệt hiệu quả giữa người dân với chính quyền điện tử của hơn 20 tỉnh, thành, cung cấp cho người dùng thông tin thời gian thực về tình hình giao thông, tra cứu lịch tiêm chủng, đăng ký các thủ tục hành chính cơ bản… Nhờ sự phủ sóng mạnh mẽ, vào năm 2014, VNG chính thức trở thành Kỳ Lân đầu tiên với mức định
giá trên 1 tỷ USD. Được phát triển gắn liền với nền tảng Zalo, ví điện tử ZaloPay cũng rất nhanh chóng đã lọt vào Top 5 ví điện tử trên thị trường nội địa.

VNG Cloud - thương hiệu dịch vụ đám mây của VNG cũng đang liên tục mở rộng mạng lưới đối tác với tốc độ đầy hứa hẹn. Như vậy, chỉ trong vòng 15 năm kể từ khi thành lập, sự ra mắt của hàng loạt các sản phẩm mới khiến VNG phát triển nhanh đến mức chóng mặt. Tính đến cuối năm 2018, tổng tài sản của VNG đạt mức gần 4.959 tỷ đồng.

Không chỉ làm chủ thị trường trong nước, VNG đã liên tục khảo sát, tìm kiếm cơ hội tại các thị
trường quốc tế khi mở chi nhánh tại Thái Lan, Myanmar, Philippines…., hợp tác với các đối tác
quốc tế hàng đầu, cả về nguồn lực lẫn kinh nghiệm và công nghệ.

Trong lần sinh nhật lần thứ 15 của VNG, Lê Hồng Minh chia sẻ về khát vọng 2332 của công ty: “VNG đặt ra một khát vọng mới "2332" cho 5 năm tiếp theo. 2332 có nghĩa là lấy cột mốc năm 2023, VNG sẽ đạt 320 triệu người dùng toàn cầu, 32 triệu người dùng
cho các sản phẩm mới và 320.000 khách hàng doanh nghiệp. VNG sẽ cố gắng hết sức và tập trung các nguồn lực để hướng tới những cột mốc này”.

VNPay
Theo báo cáo kinh tế số E-Conomy SEA năm 2020, VNPay chính thức trở thành kỳ lân công nghệ thứ 2 tại Việt nam sau vòng gọi vốn năm 2019 từSoftbank Vision Fund và quỹ đầu tư nhà nước GIC.

Cũng theo báo cáo này, VNPay là một trong những startup dịch vụ thanh toán, tài chính nhận rót vốn lớn trong năm 2020 trên toàn khu vực, góp phần giúp tổng lượng vốn đầu tư vào các startup fintech Đông Nam Á đạt mức kỉ lục 1,7 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ. Trước đó, theo thống kê của Crowdfundinsider, hai thương vụ đầu tư vào MoMo và VNPay chiếm hơn 90% tổng số vốn fintech rót vào thị trường Việt Nam trong năm 2019.

VNPay đang sở hữu mạng lưới thanh toán không dùng tiền mặt bằng mã QR, phổ biến ở các thành phố lớn của Việt Nam. Ứng dụng này còn là đối tác của nhiều ngân hàng tại Việt Nam, bao gồm những ngân hàng lớn như Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV. Thông qua các ứng dụng ngân hàng, VNPay thu hút hơn 15 triệu người dùng hoạt động hàng tháng với các chức năng như chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, đặt vé xe buýt và mua thực phẩm tươi sống hàng ngày. Với mục tiêu xây dựng siêu ứng dụng độc đáo, tiếp cận dễ dàng nhất, không chọn cách làm như các đối thủ là xây dựng “ứng dụng đa chức năng”, VNPay chọn xây dựng hàng loạt siêu ứng dụng, mỗi ứng dụng cho một ngân hàng đối tác. "Nền tảng ứng dụng thanh toán của chúng tôi không tồn tại ở bất kì đâu trên thế giới", ông Niraan De Silva, Giám đốc điều hành VNLife (chủ quản của VNPay), chia sẻ.

Trong vài năm tới, ngoài việc là cánh tay đắc lực của ngân hàng, VNLife cũng đẩy mạnh tiếp cận các tiểu thương, các công ty fintech nhỏ. Và VNLife cũng muốn đưa dịch vụ ngân hàng số của mình ra nước ngoài. VNLife hiện đã bắt đầu kết nối với ngân hàng lớn tại hai quốc gia là Campuchia và Myanmar. "Ngân hàng hàng đầu ở Philippines và Indonesia cũng đang đề xuất kết nối chúng tôi", ông De Silva nói thêm.

Sky Mavis

Sau 3 năm kể từ khi cho ra đời tựa game Axie Infinity, startup Sky Mavis đã gây bất ngờ cho cộng đồng Việt khi đạt giá trị vốn hóa thị trường 2,4 tỷ USD. Axie Infinity là một tựa game sử dụng công nghệ blockchain đầu tiên ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, được xây dựng với bối cảnh là một vũ trụ của các thú cưng (gọi là các Axie). Người chơi Axie Infinity sẽ điều khiển đội quân Axie của mình để chiến đấu với những người chơi khác và nhận về phần thưởng. Ngoài việc chiến đấu, người chơi còn có thể lai tạo để cho ra thêm các Axie mới. Trong năm 2021 dịch bệnh phức tạp, Axie Infinity được hàng triệu người chơi trên toàn săn đón vì vừa chơi game giải trí vừa có thể kiếm tiền từ game.

Trong năm 2021, Sky Mavis thực hiện hai vòng gọi vốn. Tháng 5/2021 Mark Cuban và một nhóm nhà đầu tư quốc tế đã đầu tư 7,5 triệu USD vào Sky Mavis. Tháng 10/2021, công ty nhận vốn vòng series B với số tiền 152 triệu USD, một trong các thương vụ gọi vốn lớn nhất trong năm của các startup tại Việt Nam. Ở vòng gọi vốn này, Sky Mavis được định giá 3 tỉ USD và trở thành “Kỳ Lân công nghệ” thứ 3 của người Việt tiếp bước thành công của VNG và VNPAY trước đó. Tuy nhiên, Sky Mavis là Kỳ Lân nhanh khi chính xác chỉ mất 3 năm 8 tháng để làm được điều này, hai kỳ lân trước đó gồm VNG mất 10 năm và VNLIFE (VNPAY) mất 13 năm.Tính đến nay, Axie Infinity đã đạt mức 3 triệu người chơi từ khắp nơi
trên thế giới. Người đứng sau thành công của Axie Infinity là Nguyễn Thành Trung, CEO kiêm nhà sáng lập Sky Mavis. Ở tuổi 29, Trung đang trên đà trở thành tỷ phú công nghệ đầu tiên của Việt Nam. Trung tốt nghiệp đại học FPT, chuyên ngành kỹ sư lập trình.

Chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, Trung cho rằng các bạn trẻ cần xây dựng đội ngũ đa quốc gia để có thể tiếp cận thị trường quốc tế và có nhiều cơ hội làm việc với những đối tác, nhà đầu tư lớn đồng thời cần thay đổi tư duy về sản phẩm.

“Các lập trình viên người Việt về cơ bản có khả năng, kỹ thuật đáng nể, chỉ thiếu chút tư duy làm sản phẩm và phần lớn chưa quen làm việc với những dự án mới lạ, mang tính đột phá”, Trung nói thêm. Trung cho biết, năm 2022, Sky Mavis sẽ cho ra mắt Axie Infinity Origin, phiên bản mới cải thiện về hệ thống chiến đấu của trò chơi. Điểm đặc biệt của Origin là người chơi có thể bắt đầu chơi miễn phí, trải nghiệm và có hứng thú với trò chơi trước, rồi mới quyết định có nên đi sâu vào những yếu tố khác về tài chính phức tạp hơn. Các sản phẩm trong hệ sinh thái của Axie như ví điện tử hay sàn giao dịch cũng sẽ được phát triển và tối ưu, nhằm đưa đến người dùng những trải nghiệm sử dụng tốt nhất.

MoMo
M-Service JSC, công ty mẹ của ví điện tử MoMo, vừa trở thành Kỳ Lân thứ tư của Việt Nam với mức định giá hơn 2 tỷ USD trong vòng Series E sau khi huy động được khoảng 200 triệu USD từ các nhà đầu tư toàn cầu là Mizuho Bank, Ward Ferry, Goodwater Capital và Kora Management trong đó nhà đầu tư dẫn dắt chính là Mizuho Bank. Theo bước chân của các công ty kỹ thuật số nổi tiếng của châu Á như WeChat của Tencent, Go-Jek ở Indonesia và Grab ở Singapore, MoMo đã nhanh chóng phát triển thành một “siêu ứng dụng”. Tính đến
21/12, MoMo có 31 triệu người dùng, tăng 11 triệu người dùng so với tháng 9/2020 với 140.000 điểm chấp nhận thanh toán trên cả nước, tăng 20.000 điểm so với cuối năm 2020; 50.000 đối tác kinh doanh, tăng 10.000 đối tác so với tháng 9/2020. MoMo đang là đối tác tài chính của hơn 50 ngân hàng, công ty tài chính, bảo hiểm. Năm 2021, MoMo ra mắt thêm hàng loạt dịch vụ tài chính như ví trả sau, vay nhanh. Doanh thu của công ty ước tính tăng trưởng khoảng gấp đôi so với 2020. MoMo đang lên kế hoạch hợp tác với ngân hàng, công ty chứng khoán triển khai hình thức tiền gửi có kỳ hạn và đầu tư chứng chỉ quỹ trong năm 2022.
Ông Nguyễn Mạnh Tường - Phó chủ tịch HĐQT, đồng Tổng Giám Đốc MoMo - cho biết Công ty không vội vàng cho kế hoạch IPO. Hiện các nhà đầu tư vẫn đang hài lòng với kết quả kinh doanh và chưa có kế hoạch thoái vốn. Đồng thời, MoMo đã nhận được khá đủ vốn đầu tư và chưa có kế hoạch huy động thêm vốn trong ngắn hạn. Vì vậy, kế hoạch IPO được xem xét trong khoảng vài năm tới.

Cục Thông tin KH&CN Quốc gia – Bộ KH &CN - Bản tin “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, Số 19.2022 (ntbtra)

 

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Bốn kỳ lân công nghệ của Việt Nam tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang