TS. Đỗ Đức Khả- Viện phó Viện Đào tạo và Phát triển Doanh nhân Việt Nam thừa nhận tình trạng "loạn khởi nghiệp" ở Việt Nam hiện nay.
Từ thực tế nghiên cứu thị trường và là một trong những chuyên gia về lĩnh vực khởi nghiệp, đã trực tiếp bắt tay tham gia các chương trình khởi nghiệp thành công tại Việt Nam, TS. Khả cho rằng, 95% dự án khởi nghiệp ở Việt Nam thất bại. Điều đó là bởi các thanh viên, người trẻ Việt còn quá mơ màng về khởi nghiệp.
"Mang một xe bánh mỳ đi bán rong không phải là khởi nghiệp. Nếu bán bánh mỳ bằng ứng dụng trên điện thoại di động thì đó mới là khởi nghiệp" - ông Khả lấy ví dụ.
Theo TS. Đỗ Đức Khả, thanh niên Việt Nam đang làm khởi nghiệp tràn lan, đâu đâu cũng tự xưng là khởi nghiệp nhưng lại không hiểu rằng, đó mới chỉ là làm nghề, là lập nghiệp mà thôi.
Làm khởi nghiệp là khi phải sở hữu một công ty, làm một nhiệm vụ trong chuỗi vận hành hàng hóa trên thị trường có ứng dụng khoa học công nghệ, nắm được quy luật thị trường, có kỹ năng quản lý doanh nghiệp như nhân lực, đồng tiền, nguồn thu...
Các kỹ năng này chỉ có sau khi một người trải qua nhiều lần lập nghiệp, làm nghề. Nếu sinh viên chỉ có tấm bằng đại học sau khi ra trường còn chưa hình dung được bức tranh của nhà quản lý thì sao có thể làm khởi nghiệp?
Trong khi đó, đồng tình với quan điểm này, PGS. TS. Đặng Ngọc Dinh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES) cũng cho rằng, một nền giáo dục còn quá coi trọng bằng cấp như Việt Nam thì sẽ rất khó để làm khởi nghiệp sáng tạo.
Vị chuyên gia giải thích, "loạn khởi nghiệp" thực tế muốn ám chỉ tới kiểu khởi nghiệp theo phong trào mà chưa đi vào thực chất. Khởi nghiệp đa số là từ các sinh viên đã tốt nghiệp, thất nghiệp và tìm cơ hội để lập nghiệp hoặc kiểu khởi nghiệp phong trào như "Thanh niên nông thôn mới cùng khởi nghiệp" thì đó không phải là khởi nghiệp thực chất.
Khởi nghiệp theo kiểu thực chất phải mở ra các lò ươm tạo ở các trường Đại học, Viện nghiên cứu đối với các sinh viên năm cuối, tập trung vào các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, phải bao hàm tính sáng tạo là chính...
Hiện nay, Việt Nam chỉ đang chú trọng về nghiên cứu. Do đó, chúng ta có nhiều Thạc sỹ, Tiến sĩ. Nếu chỉ có bằng cấp như vậy thì không thể làm quốc gia khởi nghiệp được bởi bằng cấp không sinh lời được.
"Một luận án cấp tiến sĩ không phải là khởi nghiệp nếu nó nằm trong kho nhưng nếu nó được trở thành một dự án sinh ra tiền thì đó mới được gọi là khởi nghiệp" - ông Dinh nói.
Trong khi các nỗ lực của Chính phủ trong việc hỗ trợ khởi nghiệp bằng gói cho vay tín dụng lên tới hàng chục tỷ đồng mở ra một cơ hội cực lớn biến các ý tưởng khởi nghiệp tiềm năng thành hiện thực và phát triển, nhiều nhà khởi nghiệp chưa được tiếp cận gói ưu đãi này.
TS. Đỗ Đức Khả cho rằng, chính bản thân người làm khởi nghiệp đang mập mờ về khởi nghiệp, nếu lại được bơm thêm tài chính mà không có bất cứ một cơ chế để thúc đẩy người khởi nghiệp làm quản lý thì tất yếu chương trình khởi nghiệp và gói tài chính hỗ trợ đều thất bại và lãng phí.
"Nếu khởi nghiệp là có gì bán nấy, chỉ có ý tưởng thì kể cả có cấp khoản tiền nhiều tỷ đồng cũng sớm "bay" hết" - ông Khả nhận định.
Theo TS. Đỗ Đức Khả, vấn đề quan trọng nhất là cơ quan đánh giá, thẩm định dự án. Có rất ít doanh nghiệp tiếp cận được gói tín dụng bởi thiếu hệ thống thẩm định, đánh giá chất lượng dự án.
Hiện nay, ở Việt Nam chưa có một hội đồng thẩm định ở cấp quốc gia để đánh giá tính khả thi các ý tưởng khởi nghiệp, để dựa vào đó doanh nghiệp hoặc ngân hàng lựa chọn rót vốn.
"Không có ai đánh giá chất lượng sản phẩm khởi nghiệp có khả thi hay không để các doanh nghiệp lớn hơn, có tài chính tốt hơn xem xét đầu tư mạo hiểm" - ông Khả nói.
Theo vị chuyên gia, sản phẩm của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là các sản phẩm của sự sáng tạo, của kỹ thuật KH-CN. Nếu không có ai đánh giá dự án khởi nghiệp, các ngân hàng sẽ coi đó như một trò may rủi và hiếm có doanh nghiệp nào chịu đầu tư một dự án sáng tạo trên giấy.
Theo ông Khả, Hội đồng thẩm định dự án phải gồm các chuyên gia đầu ngành, xuất sắc, có khả năng và kinh nghiệm thực tế thị trường để đánh giá ý tưởng khởi nghiệp.
"Nếu cơ chế cho phép có một ủy ban hay hội đồng riêng nào đó về khởi nghiệp có tinh thần thực chất, không lợi ích nhóm, tôi cho rằng, khởi nghiệp ở Việt Nam sẽ khởi sắc hơn" - ông Khả nói.
Bên cạnh việc chưa có sự thẩm định dự án, TS. Đỗ Đức Khả còn nêu ra sự phức tạp của môi trường kinh doanh ở Việt Nam kìm hãm doanh nghiệp nói chung và khiến các ý tưởng khởi nghiệp kể cả có được hỗ trợ tài chính cũng khó hiện thực hóa ý tưởng đó.
Ông nêu ví dụ: Doanh nghiệp phải mất 1 năm chờ đợi để được cấp một tờ giấy phép cho ứng dụng mua bán trên điện thoại dù để làm ra ứng dụng này chỉ mất 4 tháng. Thời gian 1 năm quá lâu cho tuổi thọ một dự án KH-CN trong khi môi trường cạnh tranh không chỉ ở Việt Nam mà còn ở phạm vi quốc tế và các ý tưởng sáng tạo thì không giới hạn.
Do đó, doanh nghiệp Việt có thể bị mất đi tính cạnh tranh vì các thủ tục hành chính rườm rà hay vấn nạn phong bì gây tốn kém.
Theo khoinghiep.org.vn