Theo Ban Kinh tế trung ương, điểm mới quan trọng là Đà Nẵng phải thay đổi mô hình phát triển. Khi trở thành khu đô thị sáng tạo khoa học công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế, phải xây dựng trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng với vai trò hạt nhân của khu vực.
Vậy Đà Nẵng làm gì để tạo nên sự khác biệt đó như mục tiêu đề ra?
Khởi nghiệp là trụ cột
Theo ông Thái Bá Cảnh, giám đốc Sở Khoa học - công nghệ TP Đà Nẵng, thời gian qua Đà Nẵng đã chuẩn bị và là điểm sáng của cả nước về sáng tạo khởi nghiệp.
"Mục tiêu mà nghị quyết 43 đặt ra là cơ hội để đưa Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo của vùng và Đông Nam Á. Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là chỉ đạo thông suốt từ Thành ủy đến UBND TP, là tư tưởng được Đà Nẵng xác nhận và là trụ cột trong sự phát triển" - ông Cảnh chia sẻ.
Hiện Đà Nẵng có môi trường kinh doanh thuận lợi, môi trường sống tốt, là điều kiện để có thể thu hút được sáng tạo khởi nghiệp. Bên cạnh đó, nhờ Đà Nẵng có cơ chế chính sách để hỗ trợ đổi mới sáng tạo nên thời gian qua đã hình thành được các vườn ươm, trung tâm sáng tạo, nơi làm việc chung.
Một số mô hình tư và mô hình hợp tác công tư, các trường đại học đã tham gia tích cực dưới sự giúp đỡ của Bộ Khoa học - công nghệ, các tổ chức quốc tế.
Tuy nhiên, hiện cơ chế về tài chính hỗ trợ cho sáng tạo khởi nghiệp còn thiếu. Đà Nẵng chưa có quỹ đổi mới, quỹ sáng tạo khởi nghiệp, quỹ bảo hiểm. Sự hỗ trợ của Nhà nước đối với sáng tạo khởi nghiệp chưa nhiều.
Những thách thức này đòi hỏi Đà Nẵng phải vượt qua. Vì vậy, Thành ủy, ủy ban đã chỉ đạo Sở Khoa học - công nghệ cùng các ngành tập hợp chuyên gia để xây dựng chiến lược thí điểm cho sự sáng tạo khởi nghiệp trong toàn TP phù hợp với nghị quyết 43. Từ chiến lược đó sẽ đề xuất cách thức cụ thể cho sáng tạo khởi nghiệp Đà Nẵng.
Ví dụ như tiếp tục xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới thật tốt, thu hút và tạo điều kiện cho các quỹ đầu tư bảo hiểm hoạt động tại Đà Nẵng. Xây dựng chính sách khuyến khích đổi mới nghiên cứu khoa học và tạo thành phong trào rộng khắp trong thanh niên, học sinh...
Tạo đất lành cho chim đậu
Mấu chốt để khởi nghiệp sáng tạo là nguồn nhân lực. Hiện nay Đà Nẵng có hệ thống trường đại học công và tư khá tốt. TP đang đặt hàng để các trường đào tạo theo định hướng chú trọng về công nghệ thông tin, công nghiệp tự động hóa, công nghệ cao, công nghệ sinh học.
Nhưng Đà Nẵng cũng đặt mục tiêu thu hút nhân lực từ các nơi, kể cả từ các quốc gia đến sáng tạo khởi nghiệp. Singapore đã làm rất tốt và Đà Nẵng sẽ học tập mô hình này của họ.
Thực tế vừa qua có rất nhiều bạn trẻ từ nơi khác đến Đà Nẵng sáng tạo khởi nghiệp. "Nếu chúng ta có chiến lược tốt, cách làm đúng sẽ thu hút được nhân tài. Về cải cách hành chính lâu nay Đà Nẵng làm tốt, giải quyết các thủ tục cho nhà đầu tư là thuận lợi.
Hiện Đà Nẵng đang tập trung các sở ban ngành vào một chỗ làm việc, thực hiện một cửa tập trung và có cổng điện tử, xây dựng chính phủ điện tử Đà Nẵng đang đi đầu, rất thuận lợi cho việc đầu tư kinh doanh.
Tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư sáng tạo khởi nghiệp lập công ty để làm ăn ở Đà Nẵng, đó chính là tạo đất lành để chim đậu" - ông Cảnh nói.
Nguồn: Ban Kinh tế trung ương - Đồ họa: Tấn Đạt
Trung tâm khởi nghiệp bên bờ biển
Lợi thế đi sau cho phép Đà Nẵng có nhiều cơ hội áp dụng những mô hình quản trị sáng tạo có tính bền vững cao. Điều này cũng đã được nghị quyết 43 của Bộ Chính trị chỉ ra, đó là trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo cùng với hai thành phố lớn ở hai đầu đất nước.
Một lợi thế được Thứ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ Trần Văn Tùng chỉ ra trong Hội nghị và triển lãm khởi nghiệp quốc tế lần 3 chính là Đà Nẵng sớm có những bước đi cụ thể để xây dựng một "trung tâm khởi nghiệp bên bờ biển".
Chính quyền sớm thành lập "Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng", ban hành đề án "Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030" nhằm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và phát huy tiềm năng phát triển cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp của Đà Nẵng.
Nhưng để tiếp tục nâng cao vị thế của Đà Nẵng trong hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, "chính quyền và Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng cần tiếp tục tạo điều kiện nuôi dưỡng, ươm mầm cho các ý tưởng khởi nghiệp, nhất là trong các lĩnh vực thế mạnh của địa phương như du lịch, dịch vụ ẩm thực" - ông Tùng nhận định.
Ông Võ Duy Khương - nguyên phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cũng là "cha đẻ" của các mạng lưới khởi nghiệp - cho rằng dù đã có 5 năm đầy nỗ lực nhưng Đà Nẵng vẫn còn khoảng cách không nhỏ so với các thành phố lớn về tầm vóc và sự trưởng thành của khởi nghiệp.
Dù vậy, những kết quả bước đầu đã cho thấy sự cam kết và niềm tin để Đà Nẵng trở thành trung tâm sáng tạo khởi nghiệp bên bờ biển có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Theo ông Khương, ngoài sự hỗ trợ của chính quyền, một lợi thế khác của Đà Nẵng là sự chủ động đóng góp, hỗ trợ của các doanh nghiệp "trưởng thành" vào hệ sinh thái, đó là chỉ dấu tốt củng cố tiềm năng của cả hệ sinh thái.
"Nhờ sự giúp đỡ của những doanh nghiệp lớn, sự đồng hành chặt chẽ của những người bạn thân thiết từ các quốc gia, đặc biệt là Israel, Ireland trong những dự án hợp tác về khởi nghiệp mới có thể giúp đưa Đà Nẵng hiện diện trên bản đồ khởi nghiệp của khu vực" - ông Khương nói.
Theo khoinghiep.org.vn