Tin tức
Thứ tư , 14/07/2021, 10:00

Bước chuyển dịch kinh tế hiệu quả từ nông nghiệp hữu cơ

.

Phát triển nông nghiệp hữu cơ không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn tạo ra nông sản an toàn, góp phần cải tạo, bảo vệ môi trường. Do đó, những năm gần đây, đã có rất nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ được triển khai hiệu quả trên cả nước, cũng như vùng DTTS và miền núi.

Mô hình nông nghiệp hữu cơ đang mang lại giá trị kinh tế cho người nông dân.

Tăng giá trị cây trồng

Xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) có khí hậu mát mẻ quanh năm nên phù hợp cho việc phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Xác định được lợi thế của địa phương, tháng 11/2020, xã Hồ Thầu đã triển khai Dự án liên kết sản xuất nông, lâm nghiệp tại thôn Quang Vinh. 

Dự án gồm 10 hộ nông dân liên kết lại thành một nhóm, để góp đất, đầu tư công nghệ tưới nhỏ giọt cho giai đoạn cây phát triển và hệ thống tưới phun mưa cho giai đoạn cây giống. Dự án trồng rau cải, với quy mô rộng hơn 3ha, được canh tác theo phương thức hữu cơ. 

Đất trồng rau được xử lý bằng phân vi sinh, kết hợp với phân chuồng, lại được bọc bằng nilon, cộng với quá trình canh tác sinh học. Nông dân cam kết không sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, chất khích thích, không sử dụng chất bảo quản khi thu hoạch rau. 

Rau sản xuất ra được địa phương liên kết với doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua tại vườn, với giá từ 15 - 30 nghìn đồng/kg. Sau hơn 2 tháng gieo trồng, rau đã bắt đầu cho thu hoạch, đem lại thu nhập khá cho các hộ dân.

Bà Phượng Chàn Nu, Bí thư Đảng ủy xã Hồ Thầu, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn có 4 Hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng rau an toàn, trồng dược liệu, giúp người dân từng bước thay đổi tư duy sản xuất. Thời gian tới, xã sẽ tăng cường hợp tác liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, HTX; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.

Còn tại huyện Phù Yên (Sơn La), chính quyền địa phương cũng xác định phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu nông sản của huyện. 

 Hiện các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ ở Phù Yên đã và đang nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị các sản phẩm nông sản, mang lại thu nhập tăng từ 10-30% cho người nông dân so với phương pháp sản xuất thông thường.

Sản phẩm bí xanh của HTX nông nghiệp Yến Dương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn sản xuất theo mô hình hữu cơ, được người tiêu dùng ưa chuộng

Chị Cầm Thị Ngân, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Quang Huy cho biết:  HTX đang tập trung sản xuất lúa hữu cơ. Dù vẫn sử dụng chủ yếu giống lúa BC15, Séng Cù và J02, nhưng điểm khác biệt về chăm sóc là sử dụng toàn bộ bằng phân bón hữu cơ, phòng trừ sâu bệnh bằng chế phẩm sinh học nên không có chất độc hại. Năng suất lúa bình quân đạt hơn 7 tấn/ha, cao hơn việc trồng lúa truyền thống khoảng 1 tấn/ha; giá bán cũng cao hơn từ 10-15% so với gạo được canh tác theo hướng cũ.

Xu hướng phát triển mới

Bà Bạc Cầm Thị Xiêng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Phù Yên thông tin: Các sản phẩm sản xuất hữu cơ tham gia quảng bá tại các hội chợ nông sản trong và ngoài tỉnh, nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. 

Theo bà Xiêng, các sản phẩm nông nghiệp sản xuất hữu cơ đang chiếm được niềm tin của người tiêu dùng  trong và ngoài nước. Gần 2 năm qua, mặc dù dịch bệnh covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, tuy nhiên việc tiêu thụ sản phẩm hữu cơ vẫn đang được người tiêu dùng nội địa lựa chọn, bởi đã quen dùng

Đặc biệt, việc triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân theo hướng an toàn, hiệu quả.

Bắt nguồn từ chính thực tiễn, Bộ NN&PTNT đã xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020. Đề án nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh về nông nghiệp hữu cơ của các vùng miền và địa phương, góp phần định vị và nâng cao thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Trần Thanh Nam, nông nghiệp hữu cơ đang là xu thế phát triển và sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới do đảm bảo cung cấp được các sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe con người .

(Nội dung thông tin, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có khoảng 240 nghìn ha canh tác hữu cơ, với sự tham gia của gần 20 nghìn lao động tại 46 tỉnh, thành phố. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam đang được tiêu thụ trong nước và đã xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới, trong đó có những thị trường khó tính như: Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc...

Theo Thúy Hồng

baodantoc.vn

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Bước chuyển dịch kinh tế hiệu quả từ nông nghiệp hữu cơ tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang