Tin tức
Thứ hai , 15/04/2024, 00:00

Chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Trung Quốc (Phần 5)

.

Đến với phần này, bài viết “Chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Trung Quốc” tiếp tục giới thiệu về Chính sách gia tăng kết nối giữa các chủ thể trong HSTKN ĐMST của Trung Quốc.

Chương trình Ngọn đuốc năm 1988 có thể coi là nỗ lực đầu tiên của Chính phủ Trung Quốc trong việc tạo dựng môi trường thể chế đảm bảo liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể trong HSTKN, đánh dấu bằng sự ra đời của Khu Thử nghiệm Phát triển Công nghệ mới Bắc Kinh - tiền thân của Công viên Công nghệ Zhongguancun - công viên công nghệ đầu tiên ở Trung Quốc. Công viên công nghệ là một trong những cấu phần then chốt của HSTKN ĐMST Trung Quốc bởi mô hình này giúp kết nối các chủ thể của HSTKN bao gồm chính phủ, doanh nghiệp mới, tập đoàn công nghệ lớn, trường đại học, trung tâm R&D… qua đó, đẩy mạnh hoạt động hợp tác nghiên cứu, phát triển và đặc biệt là thương mại hóa sản phẩm - nền tảng cho sự phát triển của HSTKN ĐMST.

Trong giai đoạn 1988-2017, Chính phủ Trung Quốc đã thành lập 156 công viên công nghệ, trong đó, các công viên công nghệ tập trung đông đảo nhất ở khu vực bờ Đông - vị trí cửa ngõ kết nối với thế giới của Trung Quốc. Số lượng doanh nghiệp công nghệ cao trong các công viên công nghệ ở khu vực này cũng hoàn toàn vượt trội so với ba khu vực còn lại. Tổng số doanh nghiệp công nghệ cao của cả ba khu vực Đông Bắc, miền Tây và khu vực trung tâm của Trung Quốc chỉ bằng 1/3 so với con số 34.265 doanh nghiệp ở bờ Đông. Trong số các công viên công nghệ ở Trung Quốc, Công viên Công nghệ Zhongguancun Bắc Kinh được coi là HSTKN ĐMST phát triển và nổi tiếng nhất, không chỉ góp phần thúc đẩy sự lớn mạnh của HSTKN ĐMST ở Bắc Kinh, mà còn làm bệ phóng cho các mô hình khởi nghiệp và các công viên công nghệ ở Trung Quốc.

Năm 2009, để ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và suy thoái kinh tế, Chính phủ Trung Quốc một lần nữa nhấn mạnh tới tầm quan trọng của KH&CN đối với mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững, trong đó các khu công nghệ cao quốc gia cần phải được tập trung đầu tư, nâng cao vai trò của nó đối với các ngành công nghiệp cao và công nghiệp mới. Để hiện thực hóa định hướng này, ngay trong năm 2009, Quốc vụ viện Trung Quốc đã quyết định thành lập các Khu kiểu mẫu quốc gia về ĐMST trong các khu công nghệ cao quốc gia ở Zhongguancun (Bắc Kinh), Zhangjiang (Thượng Hải), Đông Hồ (Vũ Hán), và sau đó mô hình khu kiểu mẫu về ĐMST được nhân rộng ra nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Các khu kiểu mẫu về ĐMST được ví như một HSTKN ĐMST thu nhỏ trong HSTKN ĐMST quốc gia của Trung Quốc, được phân bổ theo khu vực địa lý với các chiến lược phát triển đặc thù. Ví dụ, Khu Kiểu mẫu Quốc gia về ĐMST Zhongguancun (Bắc Kinh) được định hướng là trung tâm đào tạo và hội tụ nhân tài, trung tâm kết nối và thu hút vốn; Khu Kiểu mẫu Quốc gia về ĐMST Zhangjang (Thượng Hải) là nơi tập trung phát triển công nghệ y tế, chăm sóc sức khỏe và công nghệ fintech, Khu Kiểu mẫu Quốc gia về ĐMST Tô Châu là địa điểm lý tưởng để phát triển công nghệ nano, Khu Kiểu mẫu Quốc gia về ĐMST Vũ Hán tập trung phát triển công nghệ thông tin và truyền thông và đào tạo nhân tài, Khu Kiểu mẫu Quốc gia về ĐMST Thâm Quyến là nơi phát triển công nghệ IoT và phần cứng, Khu Kiểu mẫu Quốc gia về ĐMST Hàng Châu tập trung phát triển công nghệ Fintech và thương mại điện tử… Những mô hình này hình thành nên một mạng lưới các trung tâm khởi nghiệp ĐMST, góp phần thúc đẩy cho sự phát triển của HSTKN ĐMST quốc gia.

 

CASTIHub (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Trung Quốc (Phần 5) tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang