Tin tức
Thứ sáu , 13/03/2020, 16:31

Đã hết thời coi đầu tư cho startup là 'làm từ thiện'

.

Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đã và đang phát triển năng động trong thời gian qua, một phần nhờ sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn dưới nhiều hình thức khác nhau mà đằng sau đó là lợi ích hai chiều dành cho cả các “ông lớn” và doanh nghiệp khởi nghiệp.

Các doanh nghiệp lớn ngày càng thể hiện vai trò của mình như một thành tố quan trọng trong sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam – một hệ sinh thái thậm chí được đánh giá là hàng đầu khu vực Đông Nam Á và mới nổi của thế giới.

Theo ông Trần Xuân Đích, Phó cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và công nghệ), trước đây, việc đầu tư của các doanh nghiệp lớn dành cho các startup đôi khi được nhìn nhận như một "sự ban phát, từ thiện". Nhưng trên thực chất, ông Đích nhấn mạnh, đó là một mối quan hệ hợp tác từ hai chiều, chính các doanh nghiệp lớn cũng nhận được rất nhiều lợi ích không hề nhỏ từ startup.

Doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ sự hỗ trợ của các tập đoàn như vốn, kinh nghiệm quản trị, hệ thống… Ở chiều ngược lại, các tập đoàn sẽ nhận được mô hình kinh doanh tiềm năng, mở rộng khả năng tiếp cận và đáp ứng khách hàng thông qua các nền tảng công nghệ mới và các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đang phát triển. Mô hình hợp tác cùng có lợi này hiện cũng dần phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây.

Như nhận định của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại hội thảo về vai trò của doanh nghiệp lớn/tập đoàn trong thúc đẩy khởi nghiệp do Báo Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức, các đế chế công nghệ hàng đầu Việt Nam đều bắt đầu từ doanh nghiệp khởi nghiệp. Các nhà khởi nghiệp đang giúp các doanh nghiệp lớn có thể sáng tạo và phát triển. Việc hỗ trợ startup cũng chính là cách các doanh nghiệp lớn phục vụ nhu cầu phát triển của chính mình.

“Startup chính là mẹ đẻ của những đế chế công nghệ thông tin hàng đầu trên thế giới hiện nay. Các sáng kiến mới đa số được hình thành từ chính trí tuệ của các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và startup trong khi các doanh nghiệp lớn làm nhiệm vụ thương mại hoá ý tưởng. Như vậy startup là nguồn sáng tạo năng lượng cho các doanh nghiệp lớn”, ông Lộc nói.

Ông Đích cũng chỉ ra, có ba hình thức và công cụ các doanh nghiệp, tập đoàn sử dụng nhằm cung cấp nguồn lực cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Thứ nhất, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn hỗ trợ bằng cách trở thành những khách hàng của startup, đặc biệt là các startup có sản phẩm B2B. Các sản phẩm/dịch vụ của startup luôn có tính đột phá so với quy trình/ sản phẩm truyền thống. Điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn khuyến khích đổi mới trong doanh nghiệp để tích hợp và tiếp cận với giải pháp mới đó.

Vô địch startup Wolrd cup 2019 từ những chữ 'duyên'

Một ví dụ cụ thể là startup Abivin, một doanh nghiệp khởi nghiệp B2B cung cấp giải pháp tối ưu hóa đường đi, cung cấp phần mềm quản lý vận tải tối ưu, có thể giúp các công ty khách hàng tiết kiệm 30% chi phí logistics. Abivin hiện nay có 10 khách hàng lớn, đều là các khách hàng tên tuổi như Friesland Campina (cô gái Hà Lan), P&G, Highlands Coffee, Tân Cảng Sài Gòn, Habeco, Mesa Group, ngoài ra còn có khách hàng tại Myanmar và Singapore.

Thứ hai, các doanh nghiệp và tập đoàn lớn có thể trở thành đối tác của startup. Trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ đòi hỏi khả năng thích ứng và bắt kịp các xu hướng công nghệ mới thì nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã chọn cách hợp tác với các startup để tận dụng nguồn lực chất xám, cắt giảm và tối ưu hoá chi phí nghiên cứu và phát triển để đầu tư và sản xuất và mở rộng kênh bán hàng, từ đó thúc đẩy tăng trưởng. Mặt khác, đối với doanh nghiệp startup, việc hợp tác với với các doanh nghiệp lớn sẽ giúp họ rút ngắn thời gian chứng minh sản phẩm phù hợp với thị trường.

Một số ví dụ điển hình trong năm qua như Vietjet đã công bố hợp tác với Swift247 và Grab phát triển các giải pháp kết nối di chuyển bằng đường bộ và đường hàng không toàn khu vực Đông Nam Á, hoặc Tiki đã mua lại nền tảng phân phối vé sự kiện trực tuyến Ticketbox.

Thứ ba, doanh nghiệp lớn trở thành nhà đầu tư cho startup. Đây cũng là mong muốn của các cơ quan quản lý nhà nước trong thời gian qua. Một số tập đoàn lớn trong nước như VinGroup, Viettel, CMC, FPT, NextTech… cũng đã thành lập quỹ đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ sau khi Nghị định 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo có hiệu lực.

theleader.vn

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Đã hết thời coi đầu tư cho startup là 'làm từ thiện' tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang