Tin tức
Thứ ba , 17/08/2021, 16:30

Dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến và tình trạng sử dụng thực phẩm rác của thế hệ Y

.

Chỉ bằng một cú chạm nhẹ, dịch vụ giao thực phẩm online có thể giúp người mua nhận thức ăn tận cửa mà không cần phải di chuyển đến bất cứ cửa hàng nào.

Dịch vụ giao hàng không tiếp xúc đã trở nên phổ biến trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, khi khách hàng không thể đến mua trực tiếp ở nhà hàng và cửa hàng ăn uống do thực hiện cách ly, phong tỏa. Các báo cáo ngành nghề cho thấy người Úc sử dụng dịch vụ giao thức ăn online cao gấp 3 lần so với thời điểm COVID-19 chưa xảy ra.

Ảnh: AdobeStock

Trên thế giới, dịch vụ giao đồ ăn online được dự kiến sẽ trở thành ngành công nghiệp trị giá 200 tỷ USD vào năm 2025.

Mặc dù với những ứng dụng giao hàng này, người mua có thể lựa chọn được nhiều loại thực phẩm phong phú hơn, bằng cách tiện lợi hơn. Tuy nhiên, chúng cũng có thể gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe của người dùng.

Dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến làm tăng khả năng tiếp cận nhóm thức ăn nhanh

Trong tháng 1 và tháng 2 năm 2020, chúng tôi đã tiến hành phân tích dữ liệu từ nền tảng đặt và giao đồ ăn trực tuyến Uber Eats, dịch vụ giao thức ăn online hàng đầu tại thị trường Úc và New Zealand.

Chúng tôi tập trung vào thực trạng đặt thức ăn online tại 233 vùng ngoại ô Sydney và 186 vùng ngoại ô Auckland với số lượng khách hàng trẻ (khoảng 15-34 tuổi) vượt mức trung bình. Nhóm tuổi này đại diện cho lượng khách hàng lớn nhất của dịch vụ thức ăn mang đi online.

Chúng tôi đã tiến hành đánh giá 1,074 cửa hàng thực phẩm đang có mặt trên Uber Eats tại Sydney và Auckland theo loại và chất lượng sản phẩm.

Kết quả cho thấy các chuỗi thức ăn nhanh là loại hình hoạt động phổ biến nhất. Chuỗi cửa hàng này chiếm đến 38% trên tổng số các cửa hàng thực phẩm phổ biến mà chúng tôi đã ghi nhận tại Sydney và 54% tại Auckland.

Các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh phổ biến nhất ở Sydney gồm có: McDonald’s (54 cửa hàng, 8.4%), Subway (52 cửa hàng, 7.6%), Oporto (42 cửa hàng, 6.2%) và Domino’s (19 cửa hàng, 2.8%).

Còn ở Auckland, các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh phổ biến nhất gồm có: Subway (46 cửa hàng, 11.7%), McDonald’s (40 cửa hàng, 10.2%), Burger King (24 cửa hàng, 6.1%) và Hell Pizza (20 stores, 5.1%).

Những chuỗi cửa hàng này đều bị phân vào nhóm thực phẩm kém dinh dưỡng nhất.

Khi The Conversation liên hệ với Uber để đưa ra bình luận về vấn đề này, người đại diện phát ngôn phía họ đã chỉ vào danh mục cửa hàng tiêu dùng, nơi có các sản phẩm “trái cây và rau củ sạch có thể giúp hàng nghìn khách hàng Úc mua được dễ dàng hơn.”

Người đại diện phát ngôn này cũng cho biết: “diêm mạch, cải xoăn, cải brussel, đậu edamame, quả acai, nấm thủy sinh, hummus, poke và gạo lứt” đều trở nên phổ biến hơn từ tháng 6 năm 2020. Tuy nhiên, theo đánh giá của chúng tôi, những mặt hàng này không phổ biến, cũng như không được ưa chuộng bằng các loại thực phẩm kém dinh dưỡng trong menu sản phẩm.

Nhiều cửa hàng độc lập khác cũng đang đổ xô tham gia vào dịch vụ trực tuyến này, nhưng menu thực phẩm của họ lành mạnh như thế nào?

Ở Sydney, chúng tôi nhận thấy nhiều cửa hàng takeaway độc lập như: các cửa hàng thịt kebab, cá hoặc khoai tây chiên ở địa phương của bạn, đây là những loại cửa hàng thức ăn có mức độ phổ biến đứng thứ hai tại đây (chiếm 30% trên tổng số cửa hàng)  

Trong một báo cáo riêng lẻ, chúng tôi đã phân tích các sản phẩm trong menu (tổng cộng 13,841 mặt hàng) từ 196 cửa hàng takeaway độc lập phổ biến nhất của Sydney. Chúng tôi đã sử dụng hệ thống phân loại 38 loại thực phẩm và thức uống khác nhau dựa trên Hướng dẫn chế độ ăn uống của Úc.

Chúng tôi nhận thấy rằng, hơn 80% các món trong menu là đồ ăn vặt hoặc là thực phẩm “rác”. Phần lớn các món trong menu (42%) được xếp loại là “bữa ăn hỗn hợp ngũ cốc tủy ý”, gồm những món như: pizza, burger, kebab và bánh mỳ pidé. Các loại thực phẩm rác khác có thể là cá chiên hoặc gà tẩm bột chiên giòn, thức uống có đường và vô vàn những loại thực phẩm khác.

Các chiến lược tiếp thị không mang lại hiệu quả

Cả hai nghiên cứu này đều chứng minh sự phong phú trong thực đơn các loại thức ăn không lành mạnh đang có mặt trên nền tảng này. Điều này kết hợp với các chiến lược tiếp thị in-app, có thể gây cản trở người tiêu dùng trong việc đưa ra những lựa chọn lành mạnh, tốt cho sức khỏe của họ.

Chúng tôi nhận thấy thực đơn các món ăn gây hại cho sức khỏe có khả năng được phân loại là nhóm thực phẩm “phổ biến nhất” cao gấp hai lần so với những lựa chọn khác lành mạnh hơn trên nền tảng Uber Eats. Ngoài ra, các món nằm trong danh sách thực phẩm gây hại sức khỏe có khả năng bao gồm hình ảnh cao hơn gấp 1.5 lần, và có thể được cung cấp dưới dạng gói giá trị cao gấp 6 lần sao với những mặt hàng có lợi cho sức khỏe.

 Trong một nghiên cứu khác, chúng tôi đã quan sát cách mà các dịch vụ giao đồ ăn online tận dụng cơ hội phát triển trong bối cảnh dịch bệnh để quảng bá các loại thực phẩm rác trên các trang mạng xã hội.

Qua phân tích tiếp thị số mà chúng tôi đã công bố gần đây trên Instagram, về 9 dịch vụ giao đồ ăn online ở 3 khu vực (Úc/New Zealnd, Bắc Mỹ và Anh), có thể thấy 70% các món ăn được quảng cáo là thực phẩm rác.

Trong năm 2020, 32% số lượng bài đăng có đề cập đến tình hình đại dịch. Thông điệp trong các bài viết này thường mang nội dung khuyến khích người tiêu dùng nên ở nhà và mua thức ăn thông qua dịch vụ vận chuyển để hỗ trợ cho các doanh nghiệp ở địa phương.

Trong thời gian thực hiện cách ly, phong tỏa, điều quan trọng là mọi người nên ở nhà, và việc hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương kinh doanh được xem là một điều cao quý. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là 97% các mặt hàng thực phẩm xuất hiện trên các bài đăng có liên quan đến COVID trên nền tảng Instagram tại Úc và Anh là thực phẩm rác.

Liệu chúng ta có thể thúc đẩy các lựa chọn lành mạnh hơn trong thời đại công nghệ số?

Việc người tiêu dùng tiếp cận dễ dàng với các loại thức uống và thực phẩm rác thông qua các nền tảng giao đồ ăn trực tuyến là một thách thức lớn với sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh béo phì. Theo dữ liệu thu thập tại Úc, 16% các đối tượng trong độ tuổi từ 18 đến 24 bị béo phì. Tại New Zealand, cứ ba người trên 15 tuổi thì lại có một người bị béo phì.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thừa nhận tác động ngày càng gia tăng của môi trường thực phẩm online lên các lựa chọn về chế độ ăn uống của con người. Vì lợi ích sức khỏe cộng đồng, họ kêu gọi hành động tập thể của mọi người ở khắp các lĩnh vực công nghệ thực phẩm, tổ chức nhà nước, nhà hoạch định chính sách và nhà nghiên cứu.

Theo WHO, chúng tôi đề xuất một số hành động như sau:

1. Gắn liền môi trường thực phẩm lành mạnh trong Chiến lược quốc gia về phòng chống bệnh béo phì. Đây là chiến lược ăm10 năm, hiện đang trong giai đoạn thương thảo. Chiến lược này sẽ hướng dẫn hành động của Úc trong việc phòng chống bệnh thừa cân và béo phì. Công chúng, đặc biệt là những người trẻ, đã yêu cầu một môi trường thực phẩm khuyến khích, cho phép họ lựa chọn những loại thực phẩm lành mạnh cho sức khỏe. Khuôn khổ chương trình này sẽ là biên pháp quan trọng trong việc mang tác động sức khỏe cộng đồng của các dịch vụ giao đồ ăn online vào các chương trình nghị sự. 

2. Hạn chế quảng cáo thức ăn vặt trên nền tảng mạng xã hội. Các dịch vụ giao đồ ăn online cần được xem xét trong ngành công nghiệp thực phẩm rộng lớn hơn, trong các chính sách của chính phủ về việc hạn chế quảng cáo thức ăn vặt tới nhóm đối tượng trẻ.

3. Tạo ra các thông điệp sức khỏe cộng đồng rõ ràng về sức khỏe và tác động của môi trường. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các sản phẩm mang đi dù có tiện lợi nhưng lại tạo ra quá nhiều chất thải. Việc kết hợp kết quả nghiên cứu vào thông điệp  có thể nâng cao khả năng thay đổi hành vi lựa chọn thực phẩm của người tiêu dùng.

Trong thời buổi thế giới phải chịu tác động của đại dịch COVID-19, cách mà chúng ta mua và tiêu thụ thực phẩm đang có sự thay đổi. Đây là thời điểm thích hợp để định hình môi trường cung cấp thực phẩm online nhằm tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận dễ dàng hơn đến nhóm thực phẩm tiện lợi, bổ dưỡng và hữu ích cho sức khỏe người tiêu dùng.

Bài viết này dựa trên nghiên cứu của Thạc sĩ Andriana Korai và Celina Wang - cựu sinh viên của trường Đại học Sydney. 

Theo The Conversation

startupdaily.net

 

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến và tình trạng sử dụng thực phẩm rác của thế hệ Y tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang