Tin tức
Thứ năm , 09/05/2019, 15:50

Doanh nghiệp có thể chết nhưng tinh thần doanh nhân thì không

.

Năm 2019 là năm bản lề, có vai trò quyết định then chốt đến việc thực hiện mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 mà Chính phủ đề ra. Nhân dịp xuân mới Kỷ Hợi, TS. Phan Tất Thứ - Chuyên gia huấn luyện, tư vấn quản trị thương hiệu, Giảng viên quốc gia chương trình Đào tạo doanh nhân Empretec của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) đã có cuộc trò chuyện cùng bạn đọc báo Tuổi trẻ Thủ đô.

- PV: Thưa ông, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 1 triệu doanh nghiệp. Ông đánh giá như thế nào về tính khả thi của kế hoạch này?

- Ông Phan Tất Thứ: Tôi cho rằng, để đạt mục tiêu về số lượng không khó nhưng đạt mục tiêu về chất lượng và quy mô của một triệu doanh nghiệp đó thì khó hơn. Tôi nghĩ mục đích cuối cùng mà Chính phủ hướng đến không chỉ là số lượng doanh nghiệp mà là những đóng góp về kinh tế, xã hội của họ.

Theo tôi, người thuyền trưởng quyết định sự thành bại của một triệu doanh nghiệp đó chính là đội ngũ doanh nhân. Con đường đào tạo, tôi luyện ra một triệu doanh nhân ngắn hơn một triệu doanh nghiệp. Doanh nhân ở đây có thể là người khởi nghiệp hoặc đã có doanh nghiệp rồi muốn mở rộng lĩnh vực hoạt động, tạo ra rất nhiều doanh nghiệp khác. Chúng ta cần có doanh nhân để tạo ra rất nhiều những doanh nghiệp. Vì vậy, Chính phủ cần coi việc nuôi dưỡng, đào tạo doanh nhân là một giải pháp rất quan trọng trong mục tiêu này.

- Có nhiều ý kiến cho rằng, muốn đạt được mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 thì cần phải khích lệ hơn 5 triệu hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Nhiều hộ kinh doanh lẽ ra có thể chuyển đổi thành doanh nghiệp nhưng họ không muốn vì doanh nghiệp không có nhiều ưu đãi bằng hộ kinh doanh. Nhiều hộ có doanh thu, lợi nhuận rất lớn nhưng họ chỉ phải nộp thuế khoán. Thêm vào đó, họ dễ xử lý mối quan hệ với chính quyền địa phương hơn các cấp ban ngành lớn hơn khi trở thành doanh nghiệp nên họ không thích trở thành doanh nghiệp. Vì vậy, muốn khích lệ họ chuyển đổi thành doanh nghiệp thì cơ chế chính sách cần phải thay đổi để hộ kinh doanh thấy rằng, khi trở thành doanh nghiệp, họ sẽ có lợi hơn.

Cách thứ hai là biến người chủ hộ kinh doanh thành doanh nhân. Khi có tư tưởng doanh nhân thì họ sẽ tự đưa hộ kinh doanh gia đình thành doanh nghiệp.

Một phần nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp “chết yểu” là vì tồn tại vấn đề có doanh nghiệp nhưng không có doanh nhân. Chúng ta vẫn nhầm lẫn khái niệm giữa giám đốc doanh nghiệp và doanh nhân. Giám đốc chỉ là một chức vụ trong quá trình thành lập doanh nghiệp, chứ chưa hẳn đã là một doanh nhân.

Doanh nhân phải là một người có tinh thần doanh nhân, tức là có tinh thần làm chủ, khát vọng làm giàu, khát vọng thay đổi đất nước và thế giới. Khi họ nhìn thấy một vấn đề trong xã hội, họ mong muốn giải quyết vấn đề đó với một ý tưởng giải pháp khác biệt. Họ muốn làm chủ quá trình giải quyết vấn đề và thước đo hành động của họ là tạo ra những giá trị kinh tế, xã hội.

Nếu có tinh thần doanh nhân thì khi doanh nghiệp có giai đoạn thăng trầm khó khăn họ vẫn trụ vững, dù phá sản, họ lại tiếp tục khởi nghiệp. Kể cả khi thành công họ cũng tiếp tục khởi tạo ra một doanh nghiệp mới. Doanh nghiệp có thể chết nhưng tinh thần doanh nhân thì không.

- Làm thế nào để tôi luyện tinh thần doanh nhân, thưa ông?

- Theo tôi có 5 yếu tố để làm việc này. Một là giáo dục. Hệ thống giáo dục đóng vai trò then chốt, tác động vào nhận thức của con người. Chúng ta cần đưa vấn đề giáo dục tinh thần doanh nhân vào trường THPT, cao đẳng, đại học dưới hình thức đào tạo ngắn hạn và trải nghiệm.

Hai là tạo môi trường để doanh nghiệp hoạt động với chính sách kinh doanh dễ dàng để doanh nhân tập trung vào giải quyết các vấn đề của thị trường, tạo dựng sản phẩm, thương hiệu.

Ba là thúc đẩy quá trình giải thể, phá sản nhanh gọn hơn, đơn giản hóa thủ tục, loại bỏ những doanh nghiệp “zombie”, sàng lọc giữ  lại những doanh nghiệp lành mạnh.

Bốn là phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, nuôi dưỡng, có cơ chế hỗ trợ pháp lý nhưng cần lưu ý tránh tạo ra các doanh nghiệp “o bế”.

Năm là tạo ra môi trường để doanh nhân được cọ sát. Hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn đuối trên thị trường quốc tế. Họ ít được va đập nên cần tạo ra sự gắn kết qua các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế.

- Trước thềm xuân mới Kỉ Hợi, ông có lời nhắn nhủ gì dành cho những bạn trẻ đang muốn khởi nghiệp, muốn trở thành doanh nhân?

- Tôi muốn nhắn gửi đến các bạn trẻ vài điều. Một là trước khi khởi nghiệp, các bạn phải xem mình có phù hợp làm doanh nhân hay không bằng cách thử nghiệm, tham gia các hoạt động khởi nghiệp ở quy mô nhỏ, gặp gỡ, trao đổi với các doanh nhân. Nhiều người không khởi nghiệp, họ làm thuê và làm rất tốt công việc của mình, tạo ra được nhiều giá trị về kinh tế xã hội.

Các bạn hãy luôn rèn tinh thần doanh nhân qua việc học hỏi từ thương trường, để trau dồi năng lực hành vi doanh nhân.

- Xin trân trọng cảm ơn ông! Chúc ông luôn thành công!

Trí Nhân

Theo Tuổi ter thủ đô

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Doanh nghiệp có thể chết nhưng tinh thần doanh nhân thì không tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang