Tin tức
Thứ hai , 30/08/2021, 10:05

Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2020

Hiện nay có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam. Chất lượng của các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST cũng ngày càng tăng cao.

Hiện nay có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam. Chất lượng của các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST cũng ngày càng tăng cao, thể hiện ở quy mô các thương vụ đầu tư, số lượng vườn ươm, tổ chức tăng tốc khởi nghiệp, khu làm việc chung phát triển mạnh mẽ. Một số lĩnh vực hoạt động nổi bật của doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam năm 2020 như sau:

Công nghệ tài chính (Fintech):

Việt Nam có 39 tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán phi ngân hàng, trong đó 5 ví điện tử lớn nhất là: MoMo, Payoo, Moca, Zalo Pay và ViettelPay. Mặc dù các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực thanh toán vẫn tăng trưởng và thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư nhưng tăng trưởng mạnh mẽ nhất lại được ghi nhận ở mảng cho vay P2P và blockchain/mã hóa.

Nếu như ở năm 2017, hai mảng nói trên chỉ có dưới 5 doanh nghiệp, đến năm 2020, đã tăng lên 15 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trong ba năm gần đây, Việt Nam cũng đón thêm các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ bảo hiểm (insurtech), ngân hàng số và tài trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV). Ba mảng kinh doanh này chưa tồn tại ở năm 2017.

Mặc dù có nhiều điểm sáng, mảng công nghệ tài chính ở Việt Nam vẫn được đánh giá còn khá khiêm tốn. Các mảng kinh doanh quản lý tín dụng/chấm điểm tín dụng/dữ liệu hay gọi vốn cộng đồng vẫn có ít DNKN tham gia.

Công nghệ giáo dục (Edtech):

Dưới tác động của dịch COVID-19, xu hướng giáo dục trực tuyến đã được đón nhận mạnh mẽ và đây là khoảng thời gian chín muồi để các DNKN Edtech Việt Nam “cất cánh”. Việt Nam có 146 DNKN hoạt động trong lĩnh vực Edtech. Các doanh nghiệp này thuộc 11 phân khúc khác nhau, gồm: hệ thống quản lý học tập (Vooy, VNPT School, Kids Online, …); mô hình giáo dục trẻ em (Monkey Junior, …); nền tảng cung cấp khóa học online đại chúng (Edumall, Kyna.vn, FUNiX và Unica); công cụ hỗ trợ học tập (LiKA, Bigschool); nền tảng học ngoại ngữ (Topica Native, ELSA Speak, 123 Tiếng Anh, Rockit Online và Antoree); nền tảng giáo dục cho doanh nghiệp (MANA); mô hình giáo dục kết hợp (Got It); mô hình trường học kiểu mới (Everest Education); h ệ thống quản lý trường học (VNPT School và SMAS); nền tảng học công nghệ thông tin (CoderSchool, Mclass, Code4Startup,…) và mô hình luyện thi (Violympic, Học Mãi, Viettel Stuydy, Moon, Tuyển sinh 247 và goIOE),...

Công nghệ nông nghiệp (Agritech):

Sự phát triển của nông nghiệp thông minh là đòi hỏi tất yếu đối với ngành nông nghiệp thế giới cũng như ở Việt Nam. Lĩnh vực nông nghiệp hiện nay được rất nhiều DNKN quan tâm. Nhiều công nghệ cao đã được ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp và đó chính là tiềm năng cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đưa sản phẩm ra thị trường, không chỉ ở trong nước mà cả ở nước ngoài. Việt Nam hiện có 24 DNKN hoạt động trong lĩnh vực Agritech với một số doanh nghiệp khởi nghiệp hàng đầu như: Entobel (sản xuất protein và chất béo bằng cách ép đùn thịt côn trùng); Mimosatek (công nghệ để tối ưu hóa nông nghiệp và cắt giảm chi phí thông qua IoT); AgrHub (cung cấp các thiết bị để thu thập dữ liệu trang trại trên thiết bị di động nhằm mục đích giám sát và tự động hóa); Hachi (cung cấp giải pháp trồng trọt và tưới tiêu cho nông nghiệp hộ gia đình tại Việt Nam); Thuocthuysan (nhà phân phối trực tuyến các sản phẩm lnuôi trồng thủy sản cho người nuôi cá tại Việt Nam),...

Internet vạn vật (IoT): trong cuộc CMCN 4.0, IoT đóng vai trò như là “huyết mạch” của hệ thống. Tuy nhiên, hoạt động khởi nghiệp trong lĩnh vực này tại Việt Nam vẫn còn khá lặng lẽ so với các lĩnh vực khác. Việt Nam có 24 doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực IoT.

Trí tuệ nhân tạo (AI): hoạt động khởi nghiệp trong lĩnh vực AI của Việt Nam diễn ra khá sôi động với 91 DNKN hoạt động trong lĩnh vực này. Các DNKN lĩnh vực AI hàng đầu gồm: Cốc Cốc (công cụ tìm kiếm dựa trên từ khóa được điều khiển bởi AI); Point Avenue (nhà cung cấp gia sư, các dịch vụ giáo dục và các sản phẩm giáo dục tích hợp dựa trên AI); JobHop (cung cấp giải pháp theo dõi ứng viên cho các doanh nghiệp); Computer Vision (cung cấp các API thị giác máy tính để xây dựng các ứng dụng học máy); BotBanHang (cung cấp nền tảng chatbot bán hàng và tiếp thị),...

Theo Bản tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2021 (vista.gov.vn)

(Quỳnh Như tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2020 tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang