Tin tức
Thứ sáu , 06/08/2021, 10:30

Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ để hoạt động

.

Việc phải tuân thủ quy định về phòng, chống dịch Covid-19 đã đặt ra bài toán lớn đối với nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, đó là làm sao vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh vừa bảo vệ sức khỏe cho nhân viên, người lao động và cộng đồng. Để giải quyết bài toán này, nhiều doanh nghiệp đã sáng tạo, vận dụng công nghệ để làm việc tại nhà, giải quyết công việc từ xa.

Ông Trịnh Cường, chuyên gia về công nghệ và truyền thông, Công ty Say Cheese (quận 4) cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh đang sử dụng các nền tảng (ứng dụng) công nghệ có sẵn trên thị trường và tích hợp nó lại bằng những quy trình quản lý vận hành trong doanh nghiệp. Việc này đã giúp tối ưu chi phí, điều cần thiết trong tình hình dịch bệnh còn đang diễn biến phức tạp. Trong đó, một trong những phần mềm phổ biến là Microsoft Teams, có thể giúp tổ chức họp trực tuyến. Cấp quản lý có thể giao việc trên ứng dụng, đồng thời dễ dàng kiểm tra và đo lường chất lượng cũng như tiến độ công việc hoàn thành, xét duyệt các văn bản trực tuyến bằng chữ ký số.

Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty cổ phần Phát triển dự án toàn cầu Sasan (quận 3) Hoàng Đình Sử cho biết, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo quy định phòng, chống dịch của thành phố Hồ Chí Minh, công ty phải cho toàn bộ hơn 200 nhân viên, người lao động làm việc tại nhà. Để duy trì vận hành hiệu quả, công ty đã đầu tư phần mềm ứng dụng “văn phòng điện tử” để quản lý văn bản; quản lý dự án; quản lý khách hàng, hợp đồng; quản lý nhân sự và trao đổi công việc trực tuyến giữa các cấp quản lý. “Dịch Covid-19 đặt ra yêu cầu doanh nghiệp phải sáng tạo, thay đổi phương thức hoạt động, vận dụng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là thời điểm cấp thiết để doanh nghiệp đầu tư công nghệ nhằm hỗ trợ công tác quản lý, vận hành của doanh nghiệp. Việc đầu tư này sẽ mang lại lợi ích lâu dài ngay cả sau khi dịch bệnh được đẩy lùi”, ông Hoàng Đình Sử cho hay.

Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, nhờ vận dụng công nghệ mà Tập đoàn CT Group (quận 3) đã sớm phát hiện nhân viên có nguy cơ cao trong phòng, chống dịch Covid-19 để yêu cầu họ làm việc ở nhà khi đợt dịch lần thứ tư mới bùng phát tại thành phố Hồ Chí Minh. Trưởng phòng Đối ngoại (Tập đoàn CT Group) Trần Thị Kim Anh cho biết, tập đoàn đã ứng dụng One-Drive (chia sẻ dữ liệu cùng một nguồn), yêu cầu nhân viên, người lao động chụp kết quả khai báo y tế, kết quả xét nghiệm Covid-19 lên hệ thống này để quản lý sức khỏe. Nếu phát hiện các đối tượng có nguy cơ, tập đoàn sẽ có kế hoạch phân bổ nhân sự hợp lý để vận hành trên cơ sở chuyển từ làm việc trực tiếp sang trực tuyến.

Theo Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Tổ trưởng Tổ tư vấn về chính sách phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế tại thành phố Hồ Chí Minh, chống dịch để sản xuất, kinh doanh và duy trì sản xuất, kinh doanh để đủ nguồn lực chống dịch lâu dài cần được xem là tinh thần xuyên suốt của “mục tiêu kép” mà thành phố đang kiên trì thực hiện. Vì vậy, bên cạnh mục tiêu phòng, chống dịch đặt lên hàng đầu, chính sách an sinh xã hội, chính sách bảo vệ và hỗ trợ doanh nghiệp cũng quan trọng không kém và cần thực hiện đồng bộ. Theo đó, tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp duy trì hoạt động nếu bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch theo quy định của thành phố.

Tại chương trình Cafe doanh nhân do Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh tổ chức mới đây nhằm hiến kế chính sách, giải pháp duy trì sản xuất, kinh doanh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, từng loại hình doanh nghiệp xây dựng phương thức bảo đảm hoạt động an toàn có thể đề xuất để thành phố đưa ra phương án hỗ trợ, bởi thực tiễn mỗi doanh nghiệp sẽ có phương thức phòng, chống dịch phù hợp. Theo đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố sẽ yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quận, huyện cùng với các ngành chức năng thẩm định và vận hành theo phương thức đó.

Cũng theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, bản thân doanh nghiệp mới đủ nguồn lực triển khai phương thức bảo đảm hoạt động an toàn. Khi doanh nghiệp an toàn sẽ góp phần cho công tác phòng, chống dịch của thành phố đạt hiệu quả cao nhất.

Theo Trọng Ngôn

Báo Hànộimới

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ để hoạt động tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang