Tin tức
Thứ ba , 10/05/2022, 00:00

Đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ tại Việt Nam năm 2021

.

Đại dịch COVID-19 kéo dài với diễn biến phức tạp đã và đang làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị toàn cầu, cách thức hoạt động kinh tế và tổ chức đời sống xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới. Tuy đặt ra nhiều thách thức cho nền kinh tế, COVID-19 lại trở thành một chất xúc tác thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ tại Việt Nam.

Đầu tư công nghệ tại Việt Nam đạt mức kỷ lục 1,4 tỉ USD

Trước năm 2018, tình hình đầu tư vào đổi mới sáng tạo của Việt Nam khá ảm đạm và còn khiêm tốn so với tiềm năng của thị trường, mỗi năm chỉ vỏn vẹn trên dưới 100 triệu USD. Đến năm 2018, số tiền đầu tư tăng vọt lên gần 450 triệu USD và con số này tiếp tục tăng trong năm 2019, đạt hơn 870 triệu USD.

Tuy nhiên, khi một lượng vốn lớn đang đổ vào Việt Nam và rất nhiều công ty có thể tăng trưởng một cách ngoạn mục thì đến năm 2020, dòng vốn đột ngột giảm gần 50% do những bất ổn từ tác động của COVID-19 đối với nền kinh tế đang ở mức đỉnh điểm.

Điều này tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mới thành lập khi họ vẫn phải tiếp tục huy động vốn cho đổi mới và tìm ra những công nghệ lõi để tăng trưởng vượt bậc. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, thị trường vốn của Việt Nam suy giảm, tổng vốn đầu tư giảm 48% so với năm 2019 trong khi số lượng thương vụ đầu tư giảm nhẹ 17%.
Không có các thương vụ lớn nhưng lại rất nhiều thương vụ nhỏ, điều này cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào bối cảnh khởi nghiệp của Việt Nam vẫn ở mức cao. Năm 2021, tổng số quỹ đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam là 173 quỹ (tăng 60% so với năm 2020) được phân bổ đồng đều giữa các quốc gia. Singapore là nhà đầu tư tích cực nhất, tiếp theo là Việt Nam và Hoa Kỳ. Các nhà đầu tư Nhật Bản đã dần trở lại hoạt động tại Việt Nam sau hai năm chững lại. Sự nổi lên của các quỹ trong nước, tuy vẫn còn khiêm tốn so với các quỹ nước ngoài, là tín hiệu tích cực vì họ rất am hiểu về thị trường. Đây là nguồn động lực để giúp cho nhiều công ty nhỏ chưa thể chứng minh được với các nhà đầu tư nước ngoài vẫn có thể nhận được nguồn vốn.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng số tiền đầu tư thống kê được chỉ đạt 171 triệu USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2020. Mặc dù số thương vụ tăng nhẹ nhưng lại thiếu vắng những thương vụ lớn dẫn dắt thị trường. Nửa cuối năm 2021 chứng kiến sự tăng trưởng kỷ lục trong đầu tư về cả số thương vụ (86 thương vụ) và tổng giá trị đầu tư (trên 1,2 tỷ USD). Do vậy, vốn đầu tư mạo hiểm vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam đạt mức cao kỷ lục năm 2021 trong bối cảnh thị trường bất ổn và biến động. Tổng số tiền tài trợ đạt mức cao mới là 1,4 tỷ USD, tăng 1,6 lần so với kỷ lục trước đó là 874 triệu USD được thiết lập vào năm 2019. Tổng số thương vụ đầu tư cũng đạt con số cao nhất từ trước đến nay, 165 thương vụ, tăng 57% so với năm 2020. Sự quan tâm của nhà đầu tư đã tăng lên nhờ các lĩnh vực được hưởng lợi từ đại dịch toàn cầu. Hơn nữa, sự dễ dàng của hội nghị truyền hình đã làm cho việc hạn chế đi lại không còn là rào cản đối với quá trình ra quyết định đầu tư.

Đáng chú ý trong năm 2021, Việt Nam đón chào sự ra đời của hai Kỳ Lân mới bên cạnh VNG và Vnpay: Sky Mavis với mức định giá trên 3 tỉ USD và MoMo với mức định giá trên 2 tỉ USD nhờ vào tần suất sử dụng các sản phẩm số ngày một tăng cao của người dùng trong thời gian dịch bệnh. Bên cạnh đó, hàng chục doanh nghiệp được định giá trên vài trăm triệu USD đang sẵn sàng trở thành Kỳ Lân trong những năm tới ở tất cả các lĩnh vực như giáo dục đào tạo, thương mại điện tử, thanh toán, fintech (Tiki, Topica Edtech, Topica ...) trong số khoảng 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp. Đây là dấu ấn của Việt Nam trên thị trường khởi nghiệp và đầu tư công nghệ của khu vực.

Việt Nam là một trong những thị trường hồi phục tốt nhất trong khu vực sau đại dịch COVID-19
Trong năm 2021, hoạt động đầu tư mạo hiểm tại Đông Nam Á đã chứng kiến sự tăng trưởng toàn diện ở hầu hết các quốc gia trong bối cảnh khu vực này ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế. Xét về tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái, Việt Nam dẫn đầu về số thương vụ và đứng thứ ba về giá trị đầu tư sau Singapore và Philippines.

Việt Nam đứng thứ 3 Đông Nam Á về cả số thương vụ và giá trị đầu tư sau Indonesia và Singapore. Cụ thể năm 2021, số vốn đầu tư vào khởi nghiệp ở Việt Nam chiếm 13% tổng giá trị đầu tư vào toàn bộ các công ty ở Đông Nam Á, tăng 5 điểm phần trăm so với năm 2020. Tỷ trọng số thương vụ đầu tư của Việt Nam trong năm 2021 cũng tăng 2 điểm phần trăm so với năm trước đó.

Sự gia tăng mạnh mẽ ở hầu hết các vòng đầu tư

Ngoại trừ vòng đầu tư dưới 0,5 triệu USD, các vòng còn lại đều chứng kiến sự tăng trưởng mạnh cả về số thương vụ và số tiền đầu tư. Số vốn đầu tư vào các vòng 0,5-3 triệu USD và trên 50 triệu USD cũng đạt mức tăng trưởng đáng chú ý, với tỉ lệ tăng theo năm lần lượt là 2,8 lần và 4,2 lần.

Số tiền được đầu tư vào các vòng gọi vốn từ 10 triệu USD trở lên đạt kỷ lục 1,2 tỉ USD, tăng 255% so với năm trước và chiếm hơn 82% tổng số vốn đầu tư của cả năm 2021 với 17 giao dịch. Trong khi đó, tỉ trọng tương đương của những năm trước đó là 74% vào năm 2020 và 79% vào năm 2019. Nguồn vốn dành cho các vòng có giá trị dưới 10 triệu USD cũng đã đạt ngưỡng mới là 256 triệu USD, tăng 119% so với năm 2020. Vốn đầu tư được phân bổ tương đối đồng đều giữa các giai đoạn gọi vốn trong những năm gần đây cho thấy sự phát triển ổn định của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam. Trong khi nguồn tài trợ vòng hạt giống tăng lên mức cao mới cả về số lượng giao dịch và giá trị giao dịch, thì nguồn tài trợ giai đoạn sau đã trở lại mức trước COVID-19 với 5 giao dịch lớn được thực hiện trong thanh toán, bán lẻ và trò chơi trực tuyến.

 Với nguồn lực vững chắc của các công ty giai đoạn đầu và môi trường tích cực do chính phủ Việt Nam tạo ra, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đang sẵn sàng bước vào giai đoạn trưởng thành hơn. Giá trị trung bình của các khoản đầu tư giai đoạn sau liên tục tăng. Năm 2021 cũng là năm kỷ lục về số tiền đầu tư trung bình trên 1 thương vụ, đặc biệt ở vòng series B tăng từ 10 triệu USD năm 2020 lên khoảng 15 triệu USD, và sự phục hồi rất mạnh mẽ của số tiền đâu tư trung bình trong các vòng trước series A và series A. Số lượng đầu tư ở vòng Series A đạt con số kỷ lục là 40 thương vụ. Số tiền đầu tư trung bình ở vòng hạt giống và Series A đã hồi phục mạnh mẽ và số trung bình ở vòng Series B đạt kỷ lục mới.

Mảng thanh toán, thương mại điện tử (TMĐT) và trò chơi trực tuyến tăng trưởng mạnh mẽ
Hai lĩnh vực Thanh toán và Thương mại điện tử vẫn dẫn đầu về khả năng thu hút nguồn vốn, nhờ các khoản đầu tư lớn vào những doanh nghiệp như VNLIFE, MoMo và Tiki. TMĐT chiếm hơn 33% tổng số vốn đầu tư. Trong khi đó, lĩnh vực trò chơi trực tuyến trong năm 2021 có giá trị tăng trưởng đột phá vì sự xuất hiện của vòng đầu tư vào Sky Mavis vươn lên vị trí thứ 3.
Trong lĩnh vực TMĐT, mô hình nhận được sự quan tâm nhiều nhất vẫn là Sàn giao dịch. Những mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực TMĐT bao gồm: TMĐT theo ngành dọc, B2B/Phân phối, Phụ trợ và Cơ sở hạ tầng TMĐT, Thương mại xã hội, Quà tặng/Phiếu quà tặng/Chăm sóc khách hàng và mô hình D2C. Trong năm 2021, phần lớn nguồn vốn đầu tư tập trung vào mô hình Sàn giao dịch và mô hình TMĐT theo ngành dọc. Tỷ trọng đầu tư vào mảng TMĐT của Việt Nam đứng thứ 2, chỉ sau Malaysia. Công nghệ tài chính (Fintech) chiếm hơn 35% tổng số vốn đầu tư. Tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ tài chính của Việt Nam đứng thứ 3, sau Philippines và Thái Lan. Mức độ thâm nhập và sử dụng điện thoại thông minh cao ở Việt Nam đã mang lại sự tăng trưởng vượt bậc về các giao dịch thanh toán không tiền mặt. Với khả năng tiếp cận dữ liệu về người dùng ngày một nhiều hơn, những dịch vụ tài chính khác như cho vay, đầu tư và bảo hiểm sẽ có xu thế phát triển mạnh mẽ trong những năm tới. Trong năm 2021, nhóm các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực Thanh toán nắm giữ vị trí dẫn đầu về giá trị đầu tư, theo sau là lĩnh vực Quản lý tài sản, Bảo hiểm và Cho vay tiêu dùng. Bên cạnh đó, đại dịch đã cho thấy sự bùng nổ đối với một số lĩnh vực khi chúng tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và nhận được sự ủng hộ của khách hàng. Các lĩnh vực hoạt động hiệu quả nhất bao gồm Y tế, Giáo dục và Giải pháp số cho doanh nghiệp với mức tăng trưởng theo năm lần lượt là 1,016%, 562% và 205%.

Triển vọng năm 2022

Triển vọng kinh tế lạc quan trong năm 2022. Với Nghị quyết 128/NQ-CP, Chính phủ đã chuyển từ chiến lược “Không COVID” sang chiến lược “Sống chung với đại dịch”, cân bằng giữa công tác chống dịch và hoạt động thúc đầy kinh tế. Ngoài ra, Quốc hội cũng đã thông qua trị giá 15 tỉ USD cho giai đoạn 2022-2023, trong đó, chuyển đổi số chính là chìa khoá để phục hồi kinh tế và tăng trưởng.

Môi trường chính trị-xã hội và mức tăng trưởng kinh tế ổn định tại Việt Nam cũng sẽ góp phần củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư. Khi Việt Nam bắt đầu mở cửa và việc đi lại giữa các quốc gia được bình thường hóa, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.

Thị trường đầu tư công nghệ ngày một sôi động. Theo số liệu thống kê của DealStreetAsia, có hơn 37 quỹ đầu tư mạo hiểm được thành lập tại Đông Nam Á vào năm 2020, nâng tổng số quỹ trên thị trường lên con số 79 với tổng giá trị tiền quản lý (AUM) mục tiêu là 7,6 tỉ USD. Trong khi đó, có ít nhất 22 quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế cũng đang gọi vốn và dự kiến
các quỹ này sẽ phân bổ thêm 3,42 tỉ USD cho khu vực Đông Nam Á. Với nguồn vốn lớn hiện có trên thị trường, các khoản đầu tư vào công ty ĐMST và khởi nghiệp được dự đoán sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2022. Hơn thế nữa, khi công nghệ ngày càng quan trọng trong hoạt động kinh doanh, các nhà đầu tư thuộc nhóm phi mạo hiểm (non-VC) càng tìm kiếm cơ hội tham gia đầu tư vào ĐMST. Nhóm các nhà đầu tư này có mặt trong 1/5 các thương vụ đầu tư được thống kê trong năm 2021 và dự kiến sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của thị trường đầu tư công nghệ trong tương lai.

Các công ty ĐMST sẽ tiếp tục là động lực cho phục hồi kinh tế. Kể từ khi COVID-19 bùng phát từ năm 2019, các công ty khởi nghiệp luôn tiên phong trong việc tìm ra giải pháp cho các vấn đề phát sinh từ đại dịch, bao gồm cung cấp dịch vụ giao hàng, giáo dục trực tuyến, làm việc từ xa, y tế từ xa và thanh toán điện tử. Trong khi đó, công nghệ số đã giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua cơn khủng hoảng và còn giúp nhiều công ty có thể đạt được tăng trưởng vượt bậc. Khi việc áp dụng công nghệ mới trở thành yêu cầu hiển nhiên trong thế giới hậu COVID-19, các công ty ĐMST sẽ tiếp tục là huyết mạch của một nền kinh tế có tính cạnh tranh thông qua hoạt động tạo việc làm, mang đến lựa chọn cho người tiêu dùng và thách
thức các mô hình truyền thống.

Xu hướng đầu tư vào các lĩnh vực mới nổi. TMĐT và Fintech sẽ tiếp tục là hai lĩnh vực dẫn đầu khi càng nhiều người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm trực tuyến. Theo dự đoán của Do Ventures, sẽ có một làn sóng các mô hình mới được quan tâm trong 2 lĩnh vực này, ví dụ như tạp hoá online (online grocery), mô hình D2C, thương mại nhanh (quick commerce) cùng với các giải pháp tài chính như là quản lý tài sản, cho vay tiêu dùng, cho vay doanh
nghiệp vừa và nhỏ, v.v.. Các nhà đầu tư cũng sẽ tiếp tục quan tâm đến các lĩnh vực mới nhiều tiềm năng như nền kinh tế sáng tạo (creator economy), các nền tảng phát triển kỹ năng (upskill platforms) và web 3.0 với sự phổ cập của tiền điện tử và công nghệ blockchain.

Cục Thông tin KH&CN Quốc gia – Bộ KH &CN

Bản tin “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, Số 15.2022

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ tại Việt Nam năm 2021 tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang