Tin tức
Thứ bảy , 04/05/2019, 15:50

Go-Jek và Grab: Cuộc chiến của hai tầm nhìn khởi nghiệp ở châu Á

“Chúng tôi muốn sống thiếu thốn một chút”, đồng sáng lập Nadiem Makarim của Go-Jek nói.

Vào giữa tháng 3, hội đồng quản trị của Go-Jek, công ty gia đình Indonesia chuyên về chia sẻ xe, giao hàng và thanh toán, đã họp tại Jakarta để thảo luận gấp về một mặt hàng kinh doanh.

Kỳ phùng địch thủ Grab mới huy động được 4,5 tỷ USD, tăng cường mạnh mẽ sức tài chính của mình. Chỉ vài tuần trước đó, Go-Jek đã huy động được 1 tỷ USD, một số tiền ban đầu có vẻ khá ổn, nhưng đột nhiên một con số khác xuất hiện chẳng khác gì chế giễu, khiến Go-Jek bỗng như anh nhà nghèo bên cạnh đại gia Grab.

Vấn đề nan giải với Go-Jek, theo như một thành viên hội đồng quản trị tiết lộ, là: Nếu gã kia cứ bỏ tiền vào, thì bạn cũng phải làm như vậy. 

Khoảng cách vốn thu hút giữa hai kỳ phùng địch thủ trong khu vực (Grab có trụ sở ở Singapore) phản ánh sự khác biệt lớn về triết lý giữa các nhà đầu tư tương ứng của hai công ty, về việc thị phần hay lợi nhuận quan trọng hơn, vốn hay đổi mới tạo ra lợi thế cạnh tranh quyết định, các công ty người dùng Internet là độc quyền tự nhiên hay lưỡng độc quyền.

 

Ảnh: Tech in Asia

Hai tầm nhìn cạnh tranh đang đối đầu ở Đông Nam Á và hơn thế nữa. Kết quả sẽ cho thấy cách nhìn nào thành công hơn và do đó, công ty nào có nhiều khả năng cho đối thủ hít khói hơn.

Người chiến thắng lấy đi tất cả

Ông lớn đỡ đầu Grab là Masayoshi Son của SoftBank luôn tin rằng người chiến thắng sẽ có tất cả khi nói đến các công ty người dùng Internet. Điều đó có nghĩa là không quá nhiều tiền, cuộc chơi là làm sao để kẻ địch chảy máu cho đến khi chết hoặc đầu hàng. Người thua cuộc là kẻ hết tiền trước, không phải ai có mô hình kinh doanh hay kỹ năng thực hiện yếu hơn. 

Đó là tầm nhìn dễ hiểu với Son, người có “quỹ chiến tranh” lớn nhất trong số các nhà đầu tư mạo hiểm, với 93 tỷ USD từ Vision Fund và SoftBank, là một trong những người giàu nhất Nhật Bản (năm 2019 ông rớt xuống vị trí số 2, trả lại vị trí số 1 cho ông chủ Uniqlo sau khi lấy mất vào năm 2016).

Một nhà đầu tư ở Singapore nhận định: Vốn của SoftBank thuộc dạng vốn tấn công. Họ vung tiền cho các công ty của mình như cơn mưa ngày hạ, để đe dọa đối thủ.

Trong khi đó, ban quản trị của Go-Jek lại có cách nhìn khác. Các giám đốc và nhà đầu tư không điều hành của công ty bao gồm một số nhà đầu tư nổi tiếng nhất thế giới (chẳng hạn Sequoia Capital, KKR, Tencent, Warburg Pincus và Ray Zage) cùng các nhà đầu tư chiến lược như Google, JD.com và Meituan. Nhóm này thì tin rằng trạng thái tự nhiên của thị trường, đặc biệt trong lĩnh vực chia sẻ xe và các dịch vụ tiêu dùng khác, là lưỡng độc quyền.

 

Chẳng hạn, sau khi Grab đánh bại Uber tại thị trường quê nhà Singapore, đã có làn sóng phàn nàn từ người tiêu dùng rằng dịch vụ khách hàng của Grab xấu đi trong khi giá tăng lên. Sau đó, Chính phủ Singapore đã kêu gọi Go-Jek mở rộng quy mô (theo các giám đốc của Go-Jek). Một giám đốc nói: “Người tiêu dùng muốn được lựa chọn và chính phủ luôn muốn có cạnh tranh.” 

Vốn quá nhiều sẽ thành thuốc gây nghiện

Ngược lại với những người ủng hộ Grab, bao gồm cả Alibaba cũng như SoftBank, các giám đốc của Go-Jek nghĩ rằng quá nhiều vốn thì vốn ấy sẽ trở thành thuốc gây nghiện. Nó cho phép người sáng lập trở nên hoang phí và chểnh mảng, đốt tiền với tốc độ nhanh hơn. Có ít tài nguyên hơn khiến các doanh nhân làm việc chăm chỉ hơn và đổi mới nhanh hơn. 

Một phần, cuộc chiến giành quyền thống trị ở Indonesia và các nơi khác phản ánh khả năng của các doanh nghiệp địa phương tận tâm hành động với nguồn lực tài chính ít hơn nhiều so với các đối thủ quốc tế rủng rỉnh hầu bao. 

Hiện nay, Grab được định giá vào khoảng 12-13 tỷ USD, trong khi Go-Jek khoảng 10 tỷ USD. Khoảng cách này hẹp hơn so với nguồn vốn rót vào hai bên. Một nhà đầu tư nhận định điều này phản ánh Go-Jek hoạt động hiệu quả hơn, ít nhất là trong mắt giới đầu tư.

“Chúng tôi muốn sống thiếu thốn một chút”, đồng sáng lập Nadiem Makarim của Go-Jek nói. “Điều đó yêu cầu tính kỷ luật. Chúng tôi sẽ tồn tại thông qua đổi mới, kiếm tiền và sử dụng tài năng. Chúng tôi không muốn hứa hẹn quá nhiều mà lại chẳng làm được gì.”

 

Nadiem Makarim, người sáng lập công ty thanh toán trực tuyến và chia sẻ xe Go-Jek trong một cuộc phỏng vấn với Reuters. Ảnh: CNBC

Trong một số trường hợp, các công ty người dùng Internet mà ông Son ủng hộ đã sống sót nhờ ông giúp dàn xếp các vụ sáp nhập và mua lại.

Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thành công. Dù SoftBank phủ nhận song có thông tin nói rằng ông Son đã gặp Makarim vào năm ngoái với lời đề nghị đầu tư vào Go-Jek nhưng bị từ chối. Makarim cũng từng nói một lời khá ẩn ý: “Duy trì độc lập là quan trọng nhất. Chúng tôi từ chối vốn đầu tư khi chúng tôi cảm thấy chương trình và các điều khoản có thể làm tổn thương quyền lợi của chúng tôi.” 

Thực tế, từ lâu, sống bằng “bầu sữa mẹ” quá lâu đã được chứng minh có hại về lâu dài hơn là có lợi. Bởi tiền không phải vô tận, đặc biệt là nhiều công ty khởi nghiệp có khả năng đốt tiền hơn là thu hút chúng. Nhưng người ta cũng có câu “Quá lớn muốn chết cũng khó” để nói về những công ty lớn có tầm quan trọng đến mức chính phủ/tổ chức nào đó sẽ tìm cách cứu bằng mọi giá. Vì vậy, dự đoán sẽ khá dè dặt. Chỉ có thời gian mới có thể trả lời được, ai mới là người cười sau.

Theo www.songmoi.vn

 

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Go-Jek và Grab: Cuộc chiến của hai tầm nhìn khởi nghiệp ở châu Á tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang