Tin tức
Thứ hai , 30/08/2021, 09:19

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2020

Năm 2020, tổng giá trị đầu tư cho khởi nghiệp ước đạt hơn 310 triệu USD. Việt Nam cũng ghi nhận sự xuất hiện của doanh nghiệp khởi nghiệp Kỳ Lân thứ hai là Công ty cổ phần Giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPAY) được định giá hơn 1 tỷ USD.

Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhưng hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam trong năm 2020 vẫn có những tín hiệu tăng trưởng khả quan. Năm 2020, tổng giá trị đầu tư cho khởi nghiệp ước đạt hơn 310 triệu USD. Việt Nam cũng ghi nhận sự xuất hiện của doanh nghiệp khởi nghiệp Kỳ Lân thứ hai là Công ty cổ phần Giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPAY) được định giá hơn 1 tỷ USD và khoảng 10 doanh nghiệp khởi nghiệp có định giá trên 100 triệu USD

Trong năm qua, môi trường pháp lý cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia cơ bản đã hình thành, tạo điều kiện cho các yếu tố của thị trường công nghệ phát triển. Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST đến năm 2025” tiếp tục được triển khai hiệu quả, góp phần từng bước xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo bền vững và phát triển. Đến nay, đã có 59 địa phương ban hành kế hoạch triển khai Đề án, tuyển chọn được 58 đơn vị chủ trì và 44 đơn vị phối hợp có năng lực, kinh nghiệm triển khai 82 nhiệm vụ của Đề án trên khắp cả nước.

Cổng thông tin khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đã vận hành hiệu quả với gần 2 triệu lượt truy cập và 1.500 thông tin dữ liệu về hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Có 23 tỉnh/ thành phố xây dựng và vận hành cổng thông tin khởi nghiệp sáng tạo của địa phương.

Cuối năm 2020, Việt Nam nổi lên như một trung tâm khởi nghiệp khi 33 quỹ đầu tư cam kết rót cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam 815 triệu USD trong vòng 5 năm tới tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (Vietnam Venture Sumit 2020). Hầu hết là các quỹ nước ngoài đang hoạt động tích cực tại Việt Nam như CyberAgent Capital, AlphaJWC, Monk’s Hill Ventures, 500 Startups, Beenext, Smilegate Investment và Access Ventures. Ngoài ra, còn có sự tham gia của một số quỹ trong nước như VinaCapital Venture, Do Ventures và Viet Capital Ventures.

Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng đối với các nhà đầu tư công nghệ tiếp sau Inđônêxia. Theo Cento Venture, trong nửa đầu năm 2020, Việt Nam chỉ nhận được 166 triệu USD đầu tư, thấp hơn nhiều so với mức 2,8 tỷ USD của Inđônêxia.

Theo Báo cáo Xếp hạng Hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu của Startup Blink, năm 2020, Việt Nam tăng liền 13 bậc lên vị trí thứ 59 trên thế giới. Tính riêng theo từng thành phố, Thủ đô Hà Nội lọt top 200 thành phố khởi nghiệp trên toàn cầu (tăng 33 bậc, đứng thứ 196); TP. HCM lần đầu được xếp hạng, đứng thứ 225.

Theo đánh giá từ các chuyên gia, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam phát triển mạnh nhờ quy mô của nền kinh tế quốc gia đang ngày một mở rộng. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, điểm số của Việt Nam vẫn giữ khoảng cách tương đối xa (Bảng 1). Do đó, để thực sự trở thành một trung tâm khởi nghiệp có vị thế, Việt Nam sẽ cần tới những chính sách mở trong bối cảnh toàn cầu hóa, cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp (DNKN) “hạt giống” có sức cạnh tranh trên thị trường.

Theo Bản tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2021 (vista.gov.vn)

(Quỳnh Như tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2020 tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang