Tin tức
Thứ hai , 10/02/2020, 14:48

Học sinh THPT với tinh thần khởi nghiệp

Học sinh THPT cần được trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, bởi khi tham gia vào “hành trình” khởi nghiệp, học sinh có nhiều cơ hội để khám phá, phát triển bản thân.

Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên là một trong những hoạt động đang được các trường học thực hiện theo Đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2017.

* Học sinh THPT tham gia “sân chơi” khởi nghiệp

Năm 2018, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT tổ chức Cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp. Ngay trong “mùa giải” đầu tiên, Đồng Nai đã có một trong 5 dự án của học sinh THPT toàn quốc được lọt vào vòng chung kết. Đó là dự án Robot hỗ trợ vận chuyển, chăm sóc khách hàng của nhóm học sinh Trần Vũ Nhật Hào và Sầm Đức Anh, Trần Nguyễn Thanh Bi Trường THPT Thống Nhất A (huyện Trảng Bom), dự án này sau đó đã được trao giải khuyến khích.

Từ chỗ tiếc công nghiên cứu, không muốn công trình của mình bị “phủ bụi”, nhóm tác giả đã thử sức trong “sân chơi” khởi nghiệp. Theo đó, nhóm đã viết một bản kế hoạch kinh doanh gồm các nội dung: ý tưởng kinh doanh, giải quyết vấn đề phân khúc khách hàng, chi phí cho đến khi bán sản phẩm ra thị trường… Tất cả những vấn đề trên đều hoàn toàn mới lạ với học sinh trung học và hầu hết nội dung, các em đều phải tự mày mò nghiên cứu.

Không chỉ hoàn thiện sản phẩm tốt hơn, sau cuộc thi, nhóm cũng đã tìm đến đối tượng khách hàng là các quán ăn, quán cà phê trên địa bàn để giới thiệu sản phẩm. Tuy nhiên, sản phẩm cũng chỉ dừng lại ở khâu chạy thử nghiệm chứ chưa thể thương mại hóa được. Dù vậy, tham gia sân chơi khởi nghiệp này chính là kinh nghiệm quý báu để nhóm học sinh nói trên tiếp tục đưa ra nhiều ý tưởng sáng chế khoa học kỹ thuật không chỉ để tham gia các cuộc thi mà còn với mục tiêu xa hơn là có thể đưa vào sử dụng trong thực tế.

Sau Cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2018, Sầm Đức Anh (hiện nay là sinh viên năm nhất, ngành Cơ điện tử  Trường đại học Thủ Dầu Một)  tiếp tục bắt tay vào nhiều dự án nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Lĩnh vực mà Đức Anh theo đuổi là sáng chế máy móc phục vụ nông nghiệp. Các sản phẩm như: máy rũ phân cút tự động, máy nghiền đất tự động do Đức Anh và các bạn sáng chế đều có khả năng ứng dụng thực tiễn cao và sẽ được tiếp tục nâng cấp để bán ra thị trường.

Sầm Đức Anh cho biết: “Thử sức trong lĩnh vực khởi nghiệp, tôi đã học được rất nhiều điều, trong đó có cách quản lý tài chính cá nhân, tài chính của nhóm; kỹ năng chào bán sản phẩm. Tôi nghĩ rằng học sinh THPT rất cần những kiến thức về khởi nghiệp. Bởi vì dù sau này có học ngành nghề gì đi nữa thì sự hiểu biết về khởi nghiệp sẽ giúp mỗi người có thể chủ động hơn trong công việc, không phụ thuộc vào chủ doanh nghiệp. Chẳng may mất việc làm, người biết khởi nghiệp cũng có thể tự lo cho mình, không lệ thuộc vào gia đình”.

* Cần trang bị thêm nhiều kiến thức về khởi nghiệp

Thời điểm tham gia Cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp, Đức Anh và các bạn hầu như chưa hề được trang bị kiến thức liên quan đến khởi nghiệp. Vì thế, các thành viên đều phải tự mày mò nghiên cứu, chủ yếu qua kênh internet.

Đức Anh cho rằng, những kiến thức, kỹ năng mà học sinh THPT cần được bồi dưỡng nhất chính là biết cách lập kế hoạch, biết tạo đội nhóm để khởi nghiệp. Người chủ chốt trong nhóm khởi nghiệp phải có khả năng truyền lửa tốt, có khả năng quyết đoán trong công việc; có thể đề ra chiến lược kinh doanh cho toàn nhóm.

Năm 2017, Vụ Giáo dục thường xuyên phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức biên soạn bộ tài liệu Giáo dục khởi nghiệp. Bộ tài liệu này gồm 4 cuốn, trong đó có 2 cuốn hướng dẫn giáo viên và 2 cuốn bài tập cho học sinh ở 2 cấp THCS và THPT. Bộ tài liệu nhằm bổ sung, hoàn thiện tài liệu giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp kinh doanh và quản lý giáo dục hướng nghiệp. Các nhà trường, giáo viên có thể lựa chọn các bài, module phù hợp để làm tư liệu giảng dạy cho các chủ đề giáo dục hướng nghiệp hoặc môn Công nghệ.

Cũng trong năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1665/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025. Trong đó, mục tiêu của đề án đến năm 2020 có ít nhất 90% học sinh, sinh viên của các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp, trường THPT và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, được trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp.

TS.Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Quản trị tri thức KMi (TP.Hồ Chí Minh) chia sẻ: Giáo dục khởi nghiệp trong nhà trường phổ thông là việc làm rất cần thiết. Mục tiêu của giáo dục khởi nghiệp không nhất thiết là để thanh thiếu niên khởi sự làm doanh nhân hay tự tạo việc làm mà góp phần hỗ trợ họ có được một số nhận thức và thực tế về cơ hội, thách thức, quy trình, đặc điểm, thái độ và kỹ năng cần thiết đối với người làm kinh doanh”.

baodongnai.com.vn

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Học sinh THPT với tinh thần khởi nghiệp tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang