Tin tức
Thứ sáu , 21/02/2020, 09:42

Khởi nghiệp thất bại: Cho vay không phải ngành lãng mạn

Khi công ty khởi nghiệp Dealstruck xuất hiện trên thị trường cho vay trực tuyến vào năm 2013 với những lời hứa về các khoản vay dài hạn và lãi suất thấp.

Một số người trong ngành tài chính đã trợn tròn mắt trước sự “thơ ngây” ấy. “Đó không phải là phá cách ngành công nghiệp ngân hàng mà là những người cho vay có lãi suất rất cao”, Ethan Senturia - Giám đốc điều hành của Dealstruck, nói với tờ New York Times vào tháng 3/2014.

Senturia, khi ấy chưa đến 30 tuổi, tự mô tả bản thân là thành viên của “câu lạc bộ những gã may mắn”, đã huy động thành công 30 triệu USD vốn đầu tư để tài trợ cho việc kinh doanh, đủ để thúc đẩy tăng trưởng và làm xấu hổ đối thủ trong nhiều năm.

Nhưng thời kỳ huy hoàng đó không kéo dài mãi, như anh đã viết lại trong cuốn Unwound nói về sự hỗn loạn đằng sau hậu trường đã tàn phá Dealstruck cho đến khi công ty phải đóng cửa vào ngày 15/11/2016.

Senturia nhớ lại: “Chúng tôi đã đi theo con đường truyền thống của Thung lũng Silicon và không kiếm được tiền. Những người cho vay trong thế giới Fintech có thói quen xấu là trang trải chi phí quá túi tiền mình có, miễn lệ phí và giảm giá để duy trì nhận thức rằng: Những người vay tiền yêu thích chúng tôi, nhưng ghét phải trả tiền cho những người đi trước chúng tôi”.

Trong suốt cuộc đời của Dealstruck, người ta thấy một công ty đang lao điên cuồng vào cuộc đua kiếm thêm tiền trước khi sụp đổ. Họ ra đời với quan điểm tốt đẹp: cho các doanh nghiệp nhỏ vay vốn kinh doanh. Những người này thường khó vay ngân hàng vì nhiều lý do như vấn đề sức khỏe, chuyện ly hôn, tính thời vụ… Đây là thành phần kinh tế năng động, có sản phẩm tốt hoặc có tiềm năng thành công, nhưng cũng có một số thói quen xấu như việc phụ thuộc vào các khoản vay của các tổ chức cho vay doanh nghiệp nhỏ, ngay cả khi họ đã phát triển đủ tốt để vay ngân hàng. Họ cứ kinh doanh cho đến khi gặp khó khăn thì lại tìm đến các tổ chức cho vay doanh nghiệp nhỏ như Dealstruck. Nếu các tổ chức khác chỉ cho vay trong giai đoạn đầu, thì Dealstruck lại cam kết mối quan hệ lâu dài để giữ chân khách hàng, dù làm đủ cách để phòng hộ cũng không thể ngăn chặn dòng tiền chảy vào túi các doanh nghiệp “chỉ tìm đến những lúc buồn”. Điều đó khiến công ty ngày càng rời xa tôn chỉ hoạt động ban đầu và ôm về đống nợ xấu.

Senturia chỉ thực sự dừng cương khi Dealstruck lờ mờ nguy cơ trở thành mô hình Ponzi tiếp theo. “Khi nào một doanh nghiệp đi từ hợp pháp, nhưng không bền vững trở thành một Ponzi?”, anh đã suy ngẫm và quyết định không vượt qua ngưỡng đó.

Có lúc, công ty từ bỏ việc trở thành người chơi công nghệ cho những người thu mua tiềm năng, một trong số đó bao gồm CAN Capital năm 2014. Senturia nhớ lại: “Với một công ty không có lãi đã huy động được 3,5 triệu USD vốn và hệ thống không thể xử lý được các khoản thanh toán cho các khoản vay có kỳ hạn, sẽ rất khó để đưa ra lập luận tài chính rằng: Chúng tôi đáng giá hơn nhiều so với số tiền chúng tôi đã bỏ ra. 10 triệu USD đã bị “ngâm giấm”. Nhưng CAN đã có cái nhìn khác. Họ đã cố gắng để lên sàn chứng khoán”.

Trong quan điểm của Senturia, CAN đã cố gắng trở thành một thứ gì đó “rất công nghệ” trên con đường IPO. Lời đề nghị thu mua trị giá 33 triệu USD, bao gồm 13 triệu USD tiền mặt và 20 triệu USD giá trị cổ phiếu tiền IPO. Ban đầu, Dealstruck chấp nhận, nhưng sau đó đã từ chối. Bởi CAN đã không thể IPO.

Dealstruck tiếp tục nhanh chóng mở rộng trong khi xử lý rủi ro vỡ nợ, trong đó bao gồm khoản vay 800 nghìn USD, thỏa thuận lớn nhất họ từng làm vào thời điểm đó, nhưng hóa ra hoàn toàn lừa đảo. Một trong những nhà đầu tư đầu tiên của họ không tha thứ cho quyết định cho vay ấy. Đến tháng 5/2016, khi bong bóng cho vay trực tuyến tan vỡ, một phần do vụ bê bối Lending Club, Dealstruck đã trở thành minh chứng tiêu biểu cho thị trường quá nóng.

Lending Club là tổ chức cho vay ngang hàng - tức là người thừa tiền và người cần tiền được kết nối trực tiếp với nhau mà không cần thông qua ngân hàng - đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán và cung cấp các khoản vay giao dịch trên thị trường thứ cấp.

Trong khi gặp khó khăn trong việc thu hút nhà đầu tư, CEO Laplanche bị buộc phải rời khỏi công ty với cáo buộc gian lận các khoản vay và không chịu hợp tác trong cuộc điều tra nội bộ. Tin tức này khiến thị trường bị sốc bởi Laplanche được coi là người tiên phong của ngành và là một trong những người thành công sớm nhất. Cổ phiếu Lending Club giảm sâu, trong khi các nhà đầu tư trở nên hoài nghi về mô hình cho vay ngang hàng.

Senturia đã bị chế giễu trong buổi thuyết trình trước nhà đầu tư khi một cá nhân đứng lên và hỏi ai trong phòng sẽ đầu tư 10.000 USD vào Dealstruck chứ đừng nói là hàng triệu USD mà công ty đang tìm kiếm. Không ai giơ tay. Đó là dấu hiệu của thời đại.

Cuối cùng, Dealstruck bị gắn với một quỹ phòng hộ không chịu để Dealstruck khai tử. Senturia gọi tình trạng khó khăn của họ là “sự hủy diệt lẫn nhau”. Khi Senturia cảnh báo người quản lý quỹ phòng hộ rằng trò chơi đã kết thúc. Mọi việc đã diễn ra không mấy tốt đẹp. “Cuộc sống của tôi đã kết thúc”, người quản lý quỹ phòng hộ nói với anh. Cuối cùng, Dealstruck chết, quỹ phòng hộ sống.

Những gì Senturia để lại sau khi “tỉnh lại” là hàng loạt người lao động bị mất việc, những đối tác không được thanh toán và một bài học mà anh sợ không ai nhớ được. Anh ra sách để đảm bảo không ai quên.

Dù thất bại của Dealstruck có thể được các nhân viên ngân hàng tóm tắt trong báo cáo 180 trang I told you so (Tôi bảo anh rồi), nhưng Senturia thừa nhận đã có được bài học lớn. Rốt cuộc, anh mới ở độ tuổi đôi mươi, mới thoát khỏi vòng tay âu yếm của gia đình và nhà trường chưa được bao lâu.

Công ty khởi nghiệp fintech Dealstruck đã trở thành câu chuyện tinh túy về Thung lũng Silicon. Những trải nghiệm của Senturia, việc mất tiền, mở rộng quy mô, huy động vốn, nỗi xấu hổ vì đi quá nhanh hoặc chạy quá chậm, với khát khao mơ hồ rằng có ai đó sẽ mua lại hoặc đủ tốt để lên sàn chứng khoán, sẽ có giá trị đối với bất kỳ doanh nhân nào. Đó cũng là câu chuyện nằm lòng cho bất kỳ ai quan tâm đến việc cho vay hoặc fintech (công nghệ tạo ra những đột phá cho hoạt động ngân hàng truyền thống đã tồn tại từ hàng trăm năm nay).

Khoinghiep.org.vn

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Khởi nghiệp thất bại: Cho vay không phải ngành lãng mạn tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang