Tin tức
Thứ tư , 22/05/2019, 09:24

Làm ra sản phẩm sạch, tạo tăng trưởng xanh

.

Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ nông sản sạch, an toàn ngày một gia tăng, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng mạnh dạn đầu tư chế biến, nâng cao giá trị gia tăng nhiều loại nông sản lợi thế của vùng. Các dòng sản phẩm này không chỉ đạt chuẩn về chất lượng mà còn đảm bảo yêu cầu truy xuất nguồn gốc; hướng đến tăng trưởng xanh trong quá trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ.

Đáp ứng nhu cầu thị trường

Ông Nguyễn Hoàng Cung, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản sạch Đại Thuận Thiên, cho biết: "Sản xuất ra dòng sản phẩm nông sản sạch, an toàn đang được Nhà nước ủng hộ với nhiều chính sách ưu đãi. Vì vậy, tôi quyết tâm khởi nghiệp từ lĩnh vực này với sứ mệnh kiến tạo và lan tỏa mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp sinh thái bền vững, hiệu quả; mang nông sản an toàn và sinh thái đến mọi nhà. Ngoài ra, Đại Thuận Thiên cũng mong muốn trở thành đối tác cung ứng uy tín cho các đơn vị kinh doanh thực phẩm an toàn và sinh thái". Trên địa bàn TP Cần Thơ, ngành chức năng cũng hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn theo hướng chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng như: chuỗi các sản phẩm từ cá thát lát của Công ty Cổ phần Thực phẩm Phạm Nghĩa; chuỗi mắm cá tra của Cơ sở Út Anh; chuỗi các sản phẩm từ cá nước ngọt của Hợp tác xã Nhất Tâm; chuỗi gạo và các sản phẩm chế biến từ gạo của Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An…

Cùng chung tâm huyết đưa nông sản sạch đến tay người tiêu dùng, Công ty Cổ phần Nông trại sinh thái-Ecofarm (tỉnh Kiên Giang) những năm qua đã tạo được dấu ấn với các sản phẩm rau màu (dưa leo, khổ qua, cà chua, đậu bắp, rau muống, cải ngọt…) được trồng trong nhà lưới hiện đại theo công nghệ Israel. Ông Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch Ecofarm, cho biết: "Với hệ thống công ty thành viên, công ty Ecofarm có năng lực cung ứng các sản phẩm, chế phẩm sinh học công nghệ cao trong việc giải quyết vấn đề dinh dưỡng, hữu cơ, phòng trừ sâu bệnh sinh học, thảo dược cho vật nuôi, cây trồng (Công ty Ecofarm Long An); Tổ chức sản xuất cây trồng công nghệ cao, hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ (Công ty Ecofarm Đồng Tháp); Sản xuất ra những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm thảo dược và kinh doanh thương mại điện tử (Công ty Ecofarm Kiên Giang)...".

Tại ĐBSCL, nhiều doanh nghiệp tận dụng, phát huy những sản phẩm đặc trưng, đặc sản của địa phương để chế biến theo hướng an toàn, đảm bảo truy nguyên nguồn gốc sản phẩm. Bà Nguyễn Kim Thùy, Chủ Cơ sở Chế biến cá thát lát Kỳ Như (tỉnh Hậu Giang), chia sẻ: "Cá thát lát cườm của Hậu Giang có tiếng từ lâu, chất lượng thịt thì khỏi phải bàn. Tuy nhiên, để tạo sự khác biệt và niềm tin cho người tiêu dùng, công ty đảm bảo quy trình sạch và an toàn từ con cá giống cho đến bàn ăn. Cơ sở đã liên kết với hàng chục nông dân theo hướng cơ sở cung cấp con giống sạch, họ nuôi theo quy trình đề ra và cơ sở sẽ thu mua lại toàn bộ sản phẩm theo giá cao nhất của thị trường. Đồng thời, hợp đồng với khoảng 3 trang trại nuôi cá thát lát với quy mô lớn, hằng năm cung ứng trên 100 tấn cá/trang trại. Cơ sở còn có nguồn cá tại 5 ao, mỗi ao trên 1.000m2 để "chữa cháy" khi nguồn nguyên liệu khan hiếm".

Hợp lực

Thực tế cho thấy, việc sản xuất, chế biến ra các dòng sản phẩm nông sản sạch, an toàn từ nền tảng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 đang được các tỉnh, thành vùng ĐBSCL khuyến khích. Ông Lê Tiến Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết: Quá trình thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp  và xây dựng nông thôn mới, tỉnh ưu tiên đầu tư cho thủy sản, rau quả, lúa gạo và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Riêng lĩnh vực nông nghiệp 4.0, tỉnh đã thành lập Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang tại huyện Long Mỹ với diện tích 5.200ha, với nhiều chính sách hỗ trợ người dân và các nhà đầu tư làm nông nghiệp 4.0, nông nghiệp sạch, xây dựng chuỗi giá trị nông sản. Nỗ lực trên nhằm đưa Hậu Giang chuyển từ nền nông nghiệp hóa học sang nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh. Đồng thời, giúp nông dân và doanh nghiệp chủ động tham gia ứng dụng các công nghệ mới trên nền tảng công nghệ 4.0 theo mô hình kinh tế xanh, làm nông thông minh.

Theo ông Nguyễn Minh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản TP Cần Thơ, mặc dù đạt được thành công nhất định, chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn còn gặp một số trở ngại như: nguồn vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp quy trình sản xuất cho các tác nhân tham gia còn hạn hẹp; liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa nông dân và doanh nghiệp chưa bền vững; ý thức lựa chọn sản phẩm an toàn của một bộ phận người tiêu dùng chưa cao... Từng bước khắc phục tình trạng trên, vừa qua Chi cục đã xây dựng dự thảo tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND thành phố phê duyệt "Kế hoạch triển khai thực hiện thí điểm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị có thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2019-2020, trên địa bàn TP Cần Thơ". Ngoài ra, Chi cục cũng tăng cường công tác thanh, kiểm tra một cách có trọng tâm, trọng điểm; tập trung phân tích các nguy cơ có khả năng gây mất an toàn cho thực phẩm, từ đó kịp thời ngăn chặn, xử lý theo quy định pháp luật.

Về phía các doanh nghiệp cũng không ngừng cải tổ, nâng cao năng lực để dòng sản phẩm sạch khẳng định vị thế ở cả thị trường trong và ngoài nước. Trong giai đoạn 2020-2030, tập đoàn Ecofarm sẽ tiếp tục phấn đấu nhằm khẳng định thương hiệu Ecofarm với mục tiêu: "Nông sản sinh thái chuẩn mực của thế giới đến từ Việt Nam". Đặc biệt, với những hoạt động đặc thù của từng đơn vị thành viên, Ecofarm có những điều kiện tốt để thực hành nông nghiệp thông minh trên nền tảng công nghệ cao.

Mỹ Thanh

Theo Báo Cần Thơ

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Làm ra sản phẩm sạch, tạo tăng trưởng xanh tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang