Sách khởi nghiệp
Thứ ba , 19/10/2021, 00:00

Marketing truyền miệng – tận dụng sức mạnh của hiệu ứng lan truyền

.

Marketing là một công việc không hề dễ dàng nhưng lại có rất nhiều điều thú vị. Không phải cứ doanh nghiệp lớn, có nhiều tiền thì mới gặt hái được thành công. Nếu đã đọc cuốn Hiệu ứng lan truyền, bạn chắc chắc sẽ nhớ đến một hình thức marketing có sức ảnh hưởng đặc biệt – đó chính là marketing truyền miệng.

Để phân tích chi tiết về phương pháp marketing truyền miệng, bạn hãy đọc cuốn sách cùng tên, với tựa tiếng anh là Word Of Mouth Marketing (WOMM) của Andy Sernovitz. 

Tác giả cuốn Marketing truyền miệng

Người viết sách Marketing truyền miệng là tác giả người Mỹ Andy Sernovitz. Ông từng là giảng viên trường Northwestern University và cũng là chủ nhân của 2 website nổi tiếng về marketing socialmedia.org và wordofmouth.org. Các website này dành riêng cho những marketer có mong muốn tìm hiểu về cách tạo ra quảng cáo truyền miệng hiệu quả nhất.

Cuốn Marketing truyền miệng của ông là tựa sách marketing bán chạy nhất do tờ New York Times bình chọn.

Nội dung cuốn Marketing truyền miệng

Sách Marketing truyền miệng trình bày tất cả những gì một marketer cần biết về hình thức Marketing truyền miệng để áp dụng vào công việc của họ.

Trong cuốn sách này, chúng ta sẽ đi tìm hiểu khái niệm Marketing truyền miệng, lí do người xem liên tục chia sẻ những sản phẩm đó, và 5 bước để tạo nên một chiến dịch Marketing truyền miệng và những lưu ý khi làm WOMM.

Marketing truyền miệng là gì?

Hiểu một cách đơn giản thì Marketing truyền miệng là cách con người giao tiếp với con người, có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các phương tiện truyền thông như điện thoại, email, blog hoặc mạng xã hội. Thông tin từ người này truyền đến người kia một cách nhanh chóng, khiến cho thương hiệu của bạn được lan tỏa trong cộng đồng thông qua những câu chuyện mà mọi người bàn luận với nhau.

Người ta đã bớt tin vào những thông tin quảng cáo trên internet. Thay vào đó, trước khi tìm mua một sản phẩm, người tiêu dùng có xu hướng tin vào những lời bình luận từ người thân, bạn bè hoặc một nhóm những người mua hàng trước đó hơn. 

Vậy thì vai trò của người làm Marketing truyền miệng chính là phải làm sao cho khách hàng tự động rỉ tai nhau về mặt hàng mà bạn đang kinh doanh.

Động cơ gì khiến một người nhắc đến thương hiệu của bạn?

Có 3 lí do để khách hàng chia sẻ cho người khác về thương hiệu của bạn.

Thứ nhất, hành động chia sẻ này đem đến sự công nhận xã hội. Ví dụ, tôi chia sẻ cho bạn một clip hay thì một phần nào đó tôi cũng tự cảm thấy mình là người thú vị.

Thứ hai, hành động này làm người share cảm thấy thoải mái. Và cuối cùng, nó đem đến cho khách hàng cảm giác mình đang thuộc về một cộng đồng, về một nhóm mà họ muốn thuộc về. Ví dụ khi chia sẻ một cuốn sách hay, bạn đang ngầm chứng tỏ mình thuộc về cộng đồng những người yêu sách.

Bí mật 5 chữ T trong Marketing truyền miệng

Talker: người này sẽ tham gia trực tiếp vào chiến dịch Marketing truyền miệng của bạn, họ có thể là khách vãng lai, cũng có thể là người đã sử dụng dịch vụ của bạn và thấy hài lòng/không hài lòng. Họ có thể là bất kỳ ai, từ người hàng xóm của bạn cho tới những người nổi tiếng trên instagram hay facebook.

Topics: chính là chủ đề mà người ta đem ra bàn tán. Đó không nhất thiết phải là cái tin động trời, sự truyền miệng có thể tới từ những sự kiện đơn giản như dịp ra mắt sản phẩm của thương hiệu. Sơn Tùng MTP luôn làm rất tốt việc này mỗi khi anh tung single mới, khiến fan liên tục bàn tán trên các diễn đàn và đứng ngồi không yên.

Tools: là công cụ để sản phẩm của bạn được lan truyền. Ví dụ mẫu dùng thử hoặc món quà nho nhỏ có in logo thương hiệu. Miễn là người ta ấn tượng và muốn thảo luận về nó.

Taking part: đây là sự tương tác 2 phía giữa người dùng và thương hiệu. Nếu được khen ngợi, hãy nhanh chóng cảm ơn khách hàng. Nếu có những góp ý hay chê trách, bạn cũng phải kịp thời giải quyết chúng trước khi những tin này bùng lên thành ngọn lửa dữ.

Tracking: Sử dụng các công cụ đo lường trực tuyến sẽ giúp bạn nắm bắt xem thương hiệu của mình được nhắc đến ở đâu, lúc nào, từ đó kịp thời can thiệp để giải quyết những vấn đề phát sinh.

Những lưu ý khi làm Marketing truyền miệng

Xây dựng chiến dịch Marketing truyền miệng đòi hỏi các marketer phải rất thận trọng bởi chúng ta đang trực tiếp làm việc và lắng nghe phản hồi từ con người. Chỉ cần sơ suất một chút thôi thì thương hiệu của chúng ta cũng nằm trong vùng nguy hiểm. 

Chính vì vậy, bạn phải luôn nhớ:

Đạo đức luôn là điều quan trọng nhất. Marketing trung thực sẽ làm ra nhiều lợi nhuận hơn và quan trọng là khoản lợi nhuận đó sẽ bền vững hơn. Một điều không đáng nói thì cũng không đáng làm.

Khách hàng luôn đúng. Mọi người đang trong cuộc trò chuyện rồi. Lựa chọn duy nhất của bạn là lắng nghe và tham gia vào cuộc trò chuyện đó. Nếu vấp phải những lời truyền miệng tiêu cực, hãy cho đó là một cơ hội tốt để lắng nghe và học hỏi. Cố gắng làm cho khách hàng vui vẻ, bởi niềm vui của khách hàng chính là quảng cáo tuyệt vời nhất.

Đừng dùng phần thưởng làm động cơ cho marketing truyền miệng. Đôi khi việc treo thưởng lại giết chết thương hiệu của bạn không chừng.

Lời kết

Trong thời đại số, marketing truyền miệng lại được xem là hình thức marketing hiệu quả nhất bởi khách hàng đặc biệt tin vào lời khuyên từ người thân, bạn bè, thay vì tin vào những quảng cáo sáo rỗng trên mạng. 

Cuốn Marketing truyền miệng sẽ giúp các marketer hiểu được hiệu quả của phương pháp tuyệt vời này và nằm được những cách thức dễ dàng nhất để triển khai một chiến dịch word-of-mouth marketing.

CASTI Hub (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Marketing truyền miệng – tận dụng sức mạnh của hiệu ứng lan truyền tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang