Tin tức
Thứ hai , 17/05/2021, 11:00

Muốn khởi nghiệp thành công cần ý chí và một trái tim lớn

.

Chuyên gia Kinh tế Trần Sĩ Chương đã dành thời gian trò chuyện với các bạn sinh viên, học viên của Khoa Kỹ Thuật và Công Nghệ - Đại học Huế (HUET).

Chữ "tôi" dẫn đến những ràng buộc và sự giới hạn bất lợi

Ông Trần Sĩ Chương chia sẻ: “Thời gian gần đây tôi thấy có lẽ đã đến lúc nên tìm cơ hội cùng những người bạn có chuyện đáng kể truyền tải lại cho các em những kinh nghiệm mà chúng tôi đã được nghe, được thấy hoặc tự trải qua. Mong các em sau khi nghe chia sẻ của những người đi trước có thể chắt lọc ra điều gì đó cho riêng bản thân, không vì người chia sẻ đó đã thành công, đã giàu có, nổi tiếng... nên phải bắt chước họ, mà hãy vì họ có những trải nghiệm mà các em có thể học, có sự chủ động sàng lọc và tập.”

Con người ta thành công là nhờ có ý chí, và cần thêm một trái tim lớn

Câu chuyện thành công của chị Nguyễn Thị Thanh Huyền Nữ hoàng Xe đạp Băng đồng Châu Á thực sự đã có ảnh hưởng lớn với tôi. Mẹ chị mất sớm, gia đình khó khăn, vì muốn kiếm mỗi ngày một bữa cơm trưa mà chị Huyền đi làm việc cho CLB Xe đạp Hà Nội chứ không phải ngay từ đầu là đã có nguyện vọng trở thành VĐV xe đạp. Nghị lực đã dẫn dắt Huyền lên đến đỉnh cao sự nghiệp!

Đây là câu chuyện thật và là sự kì diệu có thật trong cuộc đời. Mỗi khi gặp khó khăn, tôi lại nhớ tới hình ảnh Huyền chỉ tập trung toàn bộ tinh lực đạp xe chinh phục con dốc ngặt nghèo kia mà không cần quan tâm đích đến hay bất kỳ đối thủ nào, và tôi được tiếp thêm năng lượng. Tôi nhận ra, dù khó khăn cỡ nào mình cũng có thể giải quyết được chỉ cần cố thêm, cố thêm chút nữa. Tôi gọi nó là "cảm xúc đổi đời"!

Chia sẻ với các em chuyện của chị bởi vì câu chuyện này hàm chứa những giá trị về mặt tư duy, có khả năng giúp “mở khóa” trong đầu, cho chúng ta năng lượng mới hoặc sự hy vọng, nghị lực để chúng ta có thêm dũng khí làm những việc mà trước đây mình không dám làm. Vì con người ta thành công là nhờ có ý chí, và cần thêm một trái tim lớn!”.

Hãy đặt điện thoại xuống, tập trung lắng nghe, suy nghĩ!

Các em đang giữ khư khư trong tay chiếc điện thoại, một phương tiện hiện đại, thời thượng nhưng lại là “điểm chết” có khả năng phá hủy năng lực tư duy, sự tập trung của các em vì cứ vài giây là đầu óc lại bị nhiễu bởi những thông tin vô bổ. Chúng ta chỉ tạo ra được “giá trị” khi thực sự tập trung suy nghĩ hoặc lắng nghe một vấn đề nào đó trong một khoảng thời gian nhất định. Hãy cẩn thận! Các em đang có một kẻ thù nguy hiểm nhất cặp kè 24/7 bên mình đó!

Hãy biết sợ. Lúc cần tập trung đọc cho hết cuốn sách, cần đi ngủ... tắt điện thoại cất đi.Hãy cố gắng, ngồi một mình nghĩ về việc gì đó, kể cả việc mặt trời mọc và lặn như thế nào, chuyện gì cũng được, để tập cơ bắp cho cái não của mình!

Bạn phải đứng lên thì người ta mới biết đến mình!

Tại những buổi họp ngân sách đầu tiên trong Quốc hội Mỹ, tôi thường không nói gì vì thấy những người khác quá mạnh bạo, ăn to nói lớn, bàn bạc công việc mà sẵn sàng đập bàn đập ghế, thậm chí cả chửi thề... Choáng quá nên tôi ngồi im. Tôi nghĩ, ai mời mới nói chứ giành nhau mà nói làm gì. Có lần họp xong ra ngoài giải lao, tôi bày tỏ ý kiến của mình về vấn đề này với một ông chuyên gia lớn tuổi. Thấy vậy, ông nói: “You have to stand up to be counted! (Không, bạn phải đứng lên thì người ta mới biết mình. Cách nói nên là, “Tôi thấy lúc nãy bạn có đề cập điểm này, tôi thấy bạn kia nói điều kia... tôi xin góp ý thêm...” để mọi người thấy mình đã có quan tâm tôn trọng lắng nghe.

Ông Chương nhấn mạnh: “Chúng ta phải vượt qua chính mình vì mình phải luôn tạo ra giá trị mới, hoặc vì cần thích nghi với hoàn cảnh nào đó.”

Quan sát và biết cách "đặt vấn đề" quan trọng hơn giỏi theo cách "thợ học"

Tôi du học tại Đại học California - Berkeley, trường số 1 về đào tạo Kỹ sư Xây dựng và được đề cử làm trợ giảng. Cứ thế học lên đến năm thứ 3, thì tôi bắt đầu phát hiện ra các bạn học, vốn cũng là học trò mình, lên lớp đặt vấn đề rất tốt, thấy vấn đề rất nhanh....Tốt nghiệp ra trường với tấm bằng hạng cao, tôi được rất nhiều công ty săn đón mời về làm việc. Người bạn tôi vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh ấy đi làm kiếm tiền nhiều hơn đi học nhưng luôn ngồi học thâu đêm tới sáng trước kì thi vì nể phục mà tôi muốn công ty mời anh về làm việc cùng.

Lần đó, sếp lớn nói muốn xây dựng một nhà máy điện nguyên tử đã giao dự án cho tôi làm chuyên viên kỹ thuật trong ban nghiên cứu dự án. Tôi đã rủ anh bạn ấy và anh đã đua ra ý kiến rằng: "nãy giờ mọi người bàn rất nhiều vấn đề nhưng vẫn chưa có ai đề cập về môi trường và khảo sát ý kiến người dân”.Thế là ông Phó Chủ tịch sau buổi họp mời anh bạn vào phòng nói chuyện, thậm chí bổ nhiệm làm thư ký riêng cho ông. Mà làm thư ký cho Phó Chủ tịch tức là làm sếp tôi!

Tại sao người bạn khi ra trường mình phải xin việc giúp cho lại thành công hơn mình?! Ở cấp cao họ cần cái khác, chính là “cách đặt vấn đề” và người bạn này có khả năng quan sát và đặt vấn đề rất tốt, trong khi tôi vẫn mãi chỉ là “thợ học”, chỉ chăm chú học, thuộc lòng công. Anh bạn này là người đã có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời tôi, giúp tôi thức tỉnh.

Sống thật, biết mình là ai và tập trung năng lực

Ông Trần Sĩ Chương khuyên nhủ: "Cuộc đời chúng ta quyết định bởi khả năng truyền thông, biết ít mà nói đủ là tốt, còn không biết nói biết viết thực sự rất khó”.

Bất cứ lúc nào có cơ hội, các em hãy dành thì giờ đăng ký học. Hãy học đi. Mỗi môn học là một cơ hội giúp mình đào tạo cơ bắp của não. Học là để tìm hiểu cái bản chất thật của sự việc, của tình huống, của vấn đề. Tư duy khoa học cho các bạn phương tiện đi tìm sự thật, cái triết của sự sống. Tất cả hoạt động của chúng ta trong ngày đều để đi tìm sự thật, tuy sự thật chỉ ở mức tương đối nhưng phải đủ để giúp chúng ta giải những bài toán cuộc đời. Quá trình đi tìm cái “triết” của vấn đề là cách giúp các em rèn luyện khả năng tổ chức tư duy.

Tôi cũng không thể ngờ được rằng, từ khi tôi định vị được mình là ai, từ lúc tôi rời bàn làm việc của một kỹ sư chán chường vì mất phương hướng cho đến lúc tôi vào họp ở VP Tổng thống Mỹ, chỉ trong vòng 5 năm, tất cả đều nhờ vào giá trị và sức mạnh của sự tập trung. Làm gì cũng tập trung về đó, tất cả chuyện gì trong ngày mình làm cũng chỉ đều phục vụ cho việc đó, thậm chí quen ai, nói gì cũng đều chỉ phục vụ cho việc đó!

Cần có một hình ảnh để tập trung vào, nếu không chúng ta sẽ bị áp lực, như khi nấu cơm cần phải tập trung đun lửa sao cho cơm chín tới.

Việc tập trung vào một hình ảnh mà chỉ cần nghĩ tới nó thôi là mình sôi máu lên. Như dự án mà tôi đang làm ở Huế cùng với một vài đồng nghiệp thân hữu, một việc rất lớn và cũng rất khó khăn nghiệt ngã. Nhưng tất cả mọi người trong nhóm đều tin vào lý do tại sao mình muốn làm việc này và quyết tâm nhất trí phải làm cho được. Vì vậy tôi tin là dự án sẽ thành công.

Khi mình sống thực, mình biết mình là ai và tập trung năng lực của mình chắc chắn mình sẽ thành công, sẽ tạo ra một giá trị và được xã hội “thối lại” cho mình một ít. Riêng chữ “thối lại” thôi đã đủ sống rồi. Nên phải sống thật, có giá trị thật. Cái miệng suy cho cùng là cái nơ thắt cho đẹp thôi, phải sống thật. Các em cần phải có trách nhiệm,chỉ cần định vị mình, tập trung năng lực luyện “nội công” học cái gì phải học tới nơi tới chốn, đừng học lướt để thi mà phải học để hiểu, để kiến thức thấm vào trong máu. Khi kiến thức trở thành tài sản của mình thì vĩnh viễn không bao giờ mất!".

Diễm Châu

Theo enternews.vn

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Muốn khởi nghiệp thành công cần ý chí và một trái tim lớn tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang