Tin tức
Thứ sáu , 08/10/2021, 08:38

Nền kinh tế khởi nghiệp toàn cầu năm 2021 – phần 2

.

Tất cả các ngành đều là công nghệ

Trong hầu hết các ngành, thì số hóa được tăng tốc trong nhiều thập kỷ, và nó được đánh giá cao trong thời kỳ COVID.

Một số hoạt động như đặt đồ ăn bằng ứng dụng, các trò chơi trực tuyến, tham gia các lớp học từ xa sẽ trở nên thường xuyên hơn. Các ứng dụng khác như theo dõi sức khoẻ từ xa, chương trình thể dục trực tuyến và sự kiện ảo lần đầu tiên thu hút được lượng lớn khán giả. Trong thế giới B-to-B, các nhà sản xuất và các công ty khác sử dụng lực lượng lao động và chuỗi cung ứng dễ bị tổn thương đã tìm cách ứng dụng công nghệ để chống lại sự gián đoạn trên.

Theo McKinsey, Khoa học Đời sống - đặc biệt là khám bệnh từ xa - nổi lên như một trong những giải pháp tiện lợi nhất, với hiệu suất sử dụng cao hơn gấp 38 lần so với trước đại dịch COVID-19 và đầu tư cho lĩnh vực này cũng tăng vọt. Các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực sức khỏe cho phép bệnh nhân tự lấy máu hoặc bác sĩ khám từ xa sẽ có nhiều các cuộc gọi hơn hoặc các công ty khởi nghiệp về An ninh mạng đã trở nên thịnh vượng hơn. Edtech và Gaming đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể về nguồn vốn đầu tư, mặc dù cả hai đều suy giảm trong năm 2019.

Và COVID-19 không phải là cuộc khủng hoảng duy nhất thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thay đổi hành vi. Công nghệ sạch (Cleantech) cũng đang phát triển khi các cá nhân và chính phủ tiếp thu thông điệp trong báo cáo khí hậu của Liên hợp quốc vào tháng 8/2021. Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Anh và Hàn Quốc nằm trong số những quốc gia đã cam kết thực hiện những bước tiến đáng kể chống lại sự nóng lên toàn cầu. Với tương đối ít kỳ lân về Cleantech, do đó cơ hội dành cho các công ty khởi nghiệp còn rất nhiều. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, khoảng 35% mức giảm phát thải tích lũy vào năm 2070 sẽ xuất hiện từ các công nghệ hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm hoặc trình diễn. Các công nghệ chưa được triển khai thương mại ở quy mô sẽ chiếm khoảng 40% khác.

Deep Tech - lĩnh vực giàu tính đổi mới sáng tạo, khoa học và kỹ thuật với tiềm năng thay đổi thế giới lớn nhất - vẫn là lĩnh vực tăng trưởng nhanh nhất, chiếm khoảng 30% vốn đầu tư vào công nghệ trên toàn cầu kể từ năm 2015. Đó là tin tốt cho hàng nghìn công ty khởi nghiệp sẽ tạo đòn bẩy các cuộc cách mạng về những thứ như AI & Dữ liệu lớn và Sản xuất nâng cao & Robotic để xây dựng các dịch vụ của riêng họ. Hệ sinh thái khởi nghiệp thường tập trung xung quanh các trường đại học, bệnh viện và các tổ chức nghiên cứu khác có liên quan đến tài sản trí tuệ. Ngay cả khi đại dịch xảy ra, các tổ chức cũng như các công ty tư nhân - đã phát triển vượt bậc vào năm 2020, với số đơn đăng ký bằng sáng chế trên toàn thế giới tăng 4% so với năm 2019: con số cao nhất từ trước đến nay, theo Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới.

Các chính sách quan trọng đối với hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu

Các chính phủ ngày càng quan tâm đến các doanh nghiệp của họ. Những nỗ lực đó đã được đẩy mạnh trong thời kỳ đại dịch, khi các quốc gia tìm cách bảo vệ không chỉ các doanh nghiệp nhỏ - dễ bị tổn thương - mà còn cả các công ty khởi nghiệp dễ bị tổn thương.

Liên minh châu Âu, gần đây đã đề xuất một bộ quy tắc nhằm khuyến khích các công ty khởi nghiệp công nghệ trên khắp các quốc gia thành viên. Các quy tắc giải quyết các vấn đề như quyền lựa chọn cổ phiếu và nhập cư cũng như các mối quan tâm khác, chẳng hạn như đơn giản hóa quy trình pháp lý để thành lập doanh nghiệp chỉ còn một ngày. Vào tháng 2, Tây Ban Nha đã công bố kế hoạch 10 năm bao gồm khoảng 50 biện pháp từ cắt giảm các quy định đến giữ chân nhân tài. Một tháng sau, Đức ra mắt Quỹ Tương lai trị giá 12 tỷ đô la, đây là quỹ đầu tư nhằm hỗ trợ các công ty công nghệ - đổi mới sáng tạo khi họ mở rộng quy mô.

Các quốc gia châu Phi đã triển khai các Đạo luật khởi nghiệp của riêng họ trong vài năm qua, với các chính sách giảm thuế, trợ cấp và cung cấp cho các nhà sáng lập những khoản hỗ trợ tài chính trong quá trình khởi nghiệp. Vào tháng 12, Kenya đã giới thiệu một dự luật, đồng thời thành lập Cơ quan Đổi mới Quốc gia để thúc đẩy quan hệ đối tác giữa các công ty khởi nghiệp, cơ sở ươm tạo và nhà đầu tư. Phiên bản đề xuất của Ethiopia bao gồm từ việc hợp lý hóa các quy trình để tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài đến việc chi trả phí đăng ký sở hữu trí tuệ.

Những thay đổi chính sách như vậy ở khắp mọi nơi. Brazil gần đây đã thông qua một đạo luật nhằm xây dựng khung pháp lý cho việc khởi sự kinh doanh. Ấn Độ đang hợp tác với các công ty tăng tốc nhằm hỗ trợ và cố vấn cho 300 công ty khởi nghiệp công nghệ ở giai đoạn đầu. Năm 2020, bang Victoria, Úc đã khởi động một quỹ trị giá 2 tỷ đô la để thúc đẩy đầu tư vào Khoa học Đời sống, Sản xuất Nâng cao, Công nghệ sạch và các công ty khởi nghiệp khác trong lĩnh vực này cho một thập kỷ.

Nhận thấy các cá nhân, xã hội và chính phủ nhận thức được tầm quan trọng của các công ty khởi nghiệp đối với cuộc sống, phát triển kinh tế và hạnh phúc của con người. Trong khi đó, các điều kiện khởi nghiệp trên khắp thế giới ngày càng tốt hơn. Khi cơ sở hạ tầng kỹ thuật số được cải thiện, dòng vốn tăng và lực lượng lao động ảo có tay nghề cao tăng lên, một ngày nào đó những người sáng lập sẽ có thể bắt đầu với các nhà tài trợ và các nhà đầu tư ở hầu hết mọi nơi./.

Theo vista.gov.vn (Quỳnh Như)

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Nền kinh tế khởi nghiệp toàn cầu năm 2021 – phần 2 tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang