Tin tức
Thứ tư , 01/03/2023, 00:00

Ngành dừa Việt Nam đứng thứ 4 về tổng giá trị trên thị trường thế giới

.

Theo Hiệp hội Dừa Việt Nam, năm 2022, xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa đạt trên 900 triệu USD. Việt Nam cũng là nước xuất khẩu các sản phẩm từ dừa lớn thứ 4 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ông Cao Bá Đăng Khoa - Quyền Tổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam – khẳng định, ngành dừa Việt Nam đang có những điều kiện thuận lợi cho phát triển.

Ông Khoa có chia sẻ, hiện tại Chính phủ đang tạo điều kiện xây dựng bộ nhận diện thương hiệu quốc gia cho ngành thực phẩm từ dừa; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa cây dừa vào Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030…

Trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 khiến sức mua thị trường thế giới giảm đối với dừa nguyên liệu từ cuối năm 2022 khiến giá nguyên liệu dừa trong nước cũng giảm theo. Tuy nhiên, ông Khoa cho biết, dừa trái ở các vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ vẫn giữ được giá tốt, thậm chí trong quý I/2023 có xu hướng tăng.

Theo đó, một trong những chương trình trọng tâm của Hiệp hội Dừa Việt Nam năm nay là triển khai xây dựng vùng nguyên liệu bền vững để người nông dân trồng dừa được hưởng giá nguyên liệu minh bạch, nâng cao giá trị của dừa trái và nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp ngành dừa Việt trên thị trường thế giới.

Bên cạnh đó, để mở rộng đầu ra cho trái dừa, trong năm 2023, Hiệp hội dừa Việt Nam sẽ đẩy mạnh các hoạt động giao thương kích cung kích cầu cho thị trường.

Về phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Trúc Liên - Giám đốc Khối nguyên liệu của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) - nhận định, sản phẩm dừa Việt Nam có tiềm năng rất lớn, nhất là các sản phẩm chế biến sâu, áp dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ …

Hiện tại, hai vùng nguyên liệu chính tại Bến Tre và Tiền Giang cơ bản đáp ứng được nhu cầu của thị trường thế giới. Tuy nhiên, mùa xâm nhập mặn hằng năm ở Đồng bằng sông Cửu Long đang làm giảm năng suất và sản lượng, gây thiếu hụt nguyên liệu dừa trái phục vụ chế biến xuất khẩu.

Do vậy, bên cạnh chương trình xây dựng các vùng trồng bền vững, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu dừa dành nguồn lực nghiên cứu phát triển phôi dừa chống chịu được hạn mặn và chính sách hỗ trợ phân bón cho người nông dân trồng dừa giảm chi phí đầu vào.

Cả nước hiện có 90 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm từ dừa, trong đó có 42 doanh nghiệp đã xuất khẩu những sản phẩm chế biến sâu "Made in Vietnam".

Có thể thấy, hiện nay ngành dừa không đơn thuần là những doanh nghiệp chuyên sản xuất về dừa mà còn có nhiều doanh nghiệp khai thác nguyên liệu từ dừa như sản xuất thực phẩm, sản xuất tinh dầu trong lĩnh vực y tế. Đặc biệt, thân cây dừa đang có tiềm năng khai thác lớn để cho ra sản phẩm gỗ dừa.

https://cafebiz.vn/nganh-dua-viet-nam-dung-thu-4-ve-tong-gia-tri-tren-thi-truong-the-gioi-17623022810151528.chn

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Ngành dừa Việt Nam đứng thứ 4 về tổng giá trị trên thị trường thế giới tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang