Tin tức
Thứ sáu , 18/02/2022, 00:00

Những dấu ấn của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam qua hành trình 7 năm

.

Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam được xây dựng dựa trên sự đóng góp của cộng đồng và vì các giá trị của cộng đồng. Hành trình 7 năm của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đã chinh phục nhiều thử thách và để lại những dấu ấn rõ nét.

Dấu ấn 1. Thích ứng để bứt phá

Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44 về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu. Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam xếp hạng 59/100 quốc gia. Hệ sinh thái TP. Hồ Chí Minh tăng 46 bậc, xếp vị trí 179/1000 trung tâm khởi nghiệp, Hà Nội tăng 5 bậc lên vị trí 191/1000 trung tâm khởi nghiệp. Năm này cũng ghi nhận 88 thương vụ đầu tư với tổng giá trị hơn 1,3 tỷ USD. Nhiều lĩnh vực công nghệ tạo dấu ấn lớn như công nghệ Y tế kêu gọi được 132 triệu USD, Công nghệ giáo dục - 141 triệu USD; Công nghệ Tài chính - 279 triệu USD,Thương mại điện tử - 371 triệu USD. Việt Nam cũng đã có kỳ lân công nghệ thứ 3 là Momo bên cạnh VNG và Vnpay.

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Doanh nghiệp và thị trường khoa học và công nghệ cho biết: “Trong hành trình thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo, năm 2021 đánh dấu bước đột phá về sự đồng thuận và thống nhất trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo - kiến tạo tương lai được hình thành một cách mạnh mẽ từ trung ương đến địa phương, từ mọi thành phần kinh tế xã hội. Ngoài ra, cộng đồng startup sẽ có thêm không gian thị trường, cũng như thêm sứ mệnh và khẳng định vai trò định hướng, thúc đẩy, khởi tạo giá trị tri thức đi sâu vào sản xuất nâng cao hiệu quả, đi sát thực tế phục vụ cộng đồng, kích thích tăng trưởng và góp phần tái cấu trúc nền kinh tế theo định hướng, chủ trương của Đảng và Nhà Nước.”  

Theo số liệu thống kê của Văn phòng Đề án 844, năm 2021, Việt Nam có 79 cơ sở ươm tạo, tăng 6.75% so với năm 2020, 40 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, tăng 17.64% so với năm 2020; 217 quỹ đầu tư tăng 14,2% so với 2020; 138 trường đại học/cao đẳng tổ chức về hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, trong đó có 43 trường có vườn ươm doanh nghiệp.

Dấu ấn 2. Văn hoá "mở" cho đổi mới sáng tạo

Hành lang pháp lý, chính sách cho khởi nghiệp sáng tạo được thiết kế với tính "Mở", thể hiện trong Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chuyển tư duy từ “quản lý” sang “hỗ trợ”, cơ chế thúc đẩy dòng vốn của Quỹ Phát triển khoa học công nghệ “mở” ra cho hoạt động đầu tư và đổi mới sáng tạo tại Luật Chuyển giao công nghệ. Việc sửa đổi bổ sung Đề án 844 bằng quyết định số 188/QĐ-TTg ngày 9/2/2021 cũng đã nhấn mạnh liên kết quốc tế, hình thành mạng lưới kết nối với các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo làm hạt nhân hướng tới một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở.

Ông Phạm Hồng Quất chia sẻ: “Có thể xem dịch Covid-19 như một cú hích cho nền kinh tế nhanh chóng tiến hành chuyển đổi số để hiện đại hơn, nhanh gọn hơn, thân thiện hơn, bỏ bớt các khâu trung gian, tiết kiệm chi phí vận hành, thúc đẩy đổi mới sáng tạo toàn diện mọi ngành nghề, lĩnh vực. Chỉ có đổi mới sáng tạo mới tạo ra giá trị mới, cách làm mới, hiệu quả mới, tiếp cận nhanh với tốc độ phát triển của cuộc cách mạng 4.0. Đại dịch cũng là cơ hội để các chủ thể trong Hệ sinh thái nhận thấy tầm quan trọng của việc "mở" trong thiết kế mô hình vận hành, sản xuất kinh doanh, trong liên kết hợp tác và “mở” trong tư duy, cách tiếp cận vấn đề. Tôi cho rằng, chỉ khi liên kết, cộng tác với nhau, hình thành các chuỗi giá trị, chuỗi liên kết, tạo giá trị cho nhau thì các startup - trung tâm của Hệ sinh thái - mới có thể nhanh chóng phát triển, trở thành các doanh nghiệp tiên phong trong đổi mới sáng tạo, tiến gần hơn với các cường quốc về khởi nghiệp.”

Bộ Khoa học và Công nghệ đã hợp tác với Enterprise Singapore thúc đẩy sáng kiến Đổi mới sáng tạo mở, kết nối nhu cầu, bài toán của doanh nghiệp, tập đoàn, tổ chức xã hội với khu vực viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Trong giai đoạn Covid-19, nhiều sáng kiến hỗ trợ phòng, chống dịch đã được đặt hàng triển khai.
Các doanh nghiệp lớn, tập đoàn như Vingroup đang phát triển nhiều công nghệ cho tương lai như xe điện thông minh, nhiều vấn đề do tập đoàn này đặt ra sẽ thu hút các giải pháp của doanh nghiệp khởi nghiệp, chuyên gia, trí thức kiều bào cùng tham gia giải quyết.

Dấu ấn 3. Đi ra thế giới và mang thế giới về Việt Nam nhờ khởi nghiệp sáng tạo

Ban Điều hành Đề án 844 phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam tại nước ngoài tổ chức Chương trình Cố vấn khởi nghiệp toàn cầu, thu hút chuyên gia kiều bào từ 11 quốc gia. Trên cơ sở đó, Mạng lưới hỗ trợ Đổi mới sáng tạo và thương mại hóa công nghệ được hình thành với sự tham gia của 21 Chủ tịch các Hội trí thức người Việt tại nước ngoài từ 15 quốc gia trên thế giới. Ban điều hành mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo quốc gia được Bộ Khoa học và Công nghệ thúc đẩy hình thành để tập hợp định hướng và hỗ trợ các mạng lưới thành viên triển khai các hoạt động hỗ trợ kn theo ngành, lĩnh vực, địa phương và chuyên môn cụ thể.
Cuộc thi "Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp sáng tạo quốc gia" đã trở thành sân chơi uy tín cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam vươn tầm thế giới. Năm 2021, quán quân cuộc thi sẽ nhận được giải thường 100 triệu đồng và gói hỗ trợ 500 nghìn USD. Nhiều dự án ứng dụng công nghệ AI, blockchain, deeptech để giải quyết bài toán cụ thể trong các lĩnh vực, thể hiện sự thấu hiểu thị trường và mạnh dạn trong thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới.
Nhiều địa phương đã nỗ lực thu hút nguồn lực quốc tế đặc biệt là kêu gọi người Việt ở nước ngoài trở về đóng góp cho đổi mới sáng tạo. 57 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án 844, 35 tỉnh/thành phố ban hành cơ chế tài chính cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong đó kinh phí cho chuyên gia trong nước, quốc tế được ưu tiên hàng đầu. Hệ thống Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia cũng đã từng bước được hình thành tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh với sự hợp tác của các trường đại học và doanh nghiệp như Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Tập đoàn Vicoland, tập đoàn APEC.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội triển khai các chương trình, đề án hỗ trợ khởi nghiệp nhằm đưa kiến thức, công cụ khởi nghiệp sáng tạo vào chương trình đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn và kết nối lực lương trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu.

Dấu ấn 4. Sự đồng hành của TECHFEST

Cùng với sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, TECHFEST đã trở thành nền tảng kết nối uy tín, sân chơi tầm cỡ quốc tế, kêu gọi nhiều thành phần khác nhau cùng tham gia với cơ chế cộng đồng đánh giá hiệu quả hoạt động. Mô hình tổ chức mở và đồng hành cùng các làng công nghệ hướng tới phát huy nguồn lực xã hội hoá.

Chị Nguyễn Phương Linh, Trưởng Làng Thách thức và sáng tạo xã hội cho biết: "Làng Thách thức và sáng tạo xã hội có thông điệp đoàn kết hợp tác, tạo xu hướng dẫn dắt thay đổi. Chúng tôi muốn quy tụ và hỗ trợ những doanh nghiệp khởi nghiệp có ý tưởng không chỉ mang lại lợi nhuận hay tăng trưởng mà còn giải quyết các thách thức xã hội. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là việc đáp ứng những nhu cầu của khách hàng, tạo nên nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Làng mong muốn xây dựng hệ sinh thái đoàn kết và đồng lòng với sự tham gia của rất nhiều bên liên quan, từ các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, viện trường, các tổ chức xã hội để tạo nên hệ sinh thái hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Chúng tôi tin tưởng rằng với việc chúng ta cân bằng giữa cả lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội thì chúng ta có thể tạo nên một Việt Nam bình đẳng,
hùng cường và phát triển bền vững”.

TECHFEST 2021 được thiết kế gồm chuỗi hoạt động trực tiếp và trực tuyến được tổ chức xuyên suốt hơn 3 tháng từ tháng 9 - tháng 12 với hơn 120 sự kiện dưới cả 02 hình thức trực tiếp và trực tuyến, quy tụ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, các đơn vị hỗ trợ, chuyên gia, nhà đầu tư trên 16 lĩnh vực công nghệ/các khía cạnh liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo trong nước cũng như quốc tế. Các chuỗi sự kiện đã thu hút khoảng 2.500.000 lượt tham dự, quy tụ hơn 500 diễn giả trong nước và quốc tế tham dự, hơn 100 cơ quan thông tấn và hơn 500 bài báo đưa tin. Mặc dù số lượng startup và nhà đầu tư tham gia sự kiện có sự giảm nhẹ do tình hình dịch bệnh so với mọi năm, tuy nhiên do chuỗi hoạt động được kéo dài trong 3 tháng nên số tiền quan tâm đầu tư vẫn có sự tăng trưởng. Cụ thể: hơn 350 startup đăng ký, hơn 100 nhà đầu tư tham gia kết nối, với tổng giá trị quan tâm đầu tư lên đến 15,164 triệu USD. Nền tảng TECHFEST 247 đã thu hút 997 gian hàng, 711 sản phẩm đăng ký giao thương, hơn
19 nghìn lượt tham quan và nhiều phiên hội thảo và livestream từ các làng ở đa lĩnh vực.
Anh Đỗ Mạnh Hùng, trưởng Làng Sinh viên và Tuổi trẻ khởi nghiệp nhận xét: “Cách làm của
TECHFEST quy tụ được sức mạnh của xã hội, của cộng đồng doanh nhân kể cả kiều bào, nguồn lực của ngành giáo dục hỗ trợ cùng đóng góp, cùng cộng hưởng. Tôi hy vọng trong những năm tiếp theo, TECHFEST quốc gia tiếp tục duy trì, phát huy, tạo điều kiện mạnh mẽ hơn nữa để cho doanh nghiệp mong muốn tham gia vào xây dựng hệ sinh thái có điều kiện cống hiến sức mình và đồng hành cùng Bộ Khoa học và Công nghệ và Đề án 844.”

Đây cũng là lần đầu tiên TECHFEST đồng hành cùng Tuần lễ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP. Hồ Chí Minh WHISE và Triển lãm khởi nghiệp Đà Nẵng SURF để trở thành Ngày hội chung trên toàn quốc, thể hiện tinh thần thống nhất xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia. Đây là năm thứ 5 TP. Hồ Chí Minh tổ chức Whise, với hơn 20 sự kiện để kết nối, tổng kết các chương trình ươm tạo và cuộc thi khởi nghiệp, chuỗi hoạt động về tuổi trẻ sáng tạo, trao giải thưởng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp I-Star. Triển lãm khởi nghiệp Đà Nẵng mở rộng - SURF đã trở thành một trong những sự kiện mang tính chiến lược đưa hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng ngày càng phát triển. Surf 2021 trở lại với hình thức trực tuyến mang tới những cơ hội thúc đẩy sáng kiến công nghệ, kết nối các nguồn lực và kêu gọi đầu tư cho các dự án khởi nghiệp.
Hành trình tiếp theo của Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo

Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tham mưu chính phủ để có những giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo mở, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, tập đoàn đặt đầu bài cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thông qua mạng lưới kết nối khởi nghiệp sáng tạo quốc gia cùng với toàn bộ chuyên gia, trí thức trong và ngoài nước với hạt nhân kết nối là hệ thống trung tâm khởi nghiệp sáng tạo trong nước và trên thế giới. Cùng với sự nỗ lực của Chính phủ, vai trò dẫn dắt, đồng hành của Bộ Khoa học và Công nghệ, sự tham gia của cộng đồng, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đang tiến những bước vững chắc trên bản đồ thế giới, nỗ lực đổi mới sáng tạo để kiến tạo tương lai Việt Nam thịnh vượng.

 

Cục Thông tin KH&CN Quốc gia – Bộ KH &CN

Bản tin “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, Số 01.2022 (ntbtra)

 

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Những dấu ấn của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam qua hành trình 7 năm tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang