Tin tức
Thứ năm , 09/05/2019, 15:51

Những sai lầm khi lập nghiệp của người trẻ: Miếng mồi ngon cho các trung tâm lừa đảo

.

Khởi nghiệp đang là vấn đề được toàn xã hội quan tâm, đặc biệt là các bạn trẻ. Những người trẻ có khát khao làm giàu nhưng sự nóng vội, thiếu kiến thức và thái độ đã khiến họ mắc những sai lầm, phải trả giá đắt. Phải làm gì để khởi nghiệp thành công là câu hỏi cần được giải đáp. Với mong muốn giúp bạn trẻ tìm hiểu vấn đề này báo Tuổi trẻ Thủ đô khởi đăng loạt bài “Những sai lầm khi lập nghiệp của người trẻ”.

Vì muốn nhanh chóng “hốt bạc”, giàu có để đổi đời, nhiều người gom góp vay mượn tiền tham gia các lớp học làm giàu. Tuy nhiên, giàu đâu chưa thấy họ đã “tiền mất, tật mang”...

Tin nhầm “thánh nổ”

Tin lời cam kết bằng vẻ ngoài hào nhoáng và những lời nói “đi thẳng vào trái tim” người nghe, để rồi khi trở thành con nợ Huyền Thanh (Hà Nội) mới vô cùng hối hận. Mọi chuyện bắt đầu từ việc Thanh tình cờ xem được một video clip dạy về cách làm giàu trên mạng. Sẵn mong muốn làm giàu đổi đời, chị đã đăng ký học ngay. Tưởng là học miễn phí nhưng sau vài buổi giảng viên đã thuyết phục được Thanh tham gia khóa học với mức phí từ 13-70 triệu đồng. Ai muốn học hết bí quyết làm giàu thì đóng 10.000 USD mua combo trọn gói.

Thế nhưng dần dần Thanh nhận thấy, phần lớn thời gian trong các buổi học giảng viên cho học viên vận động cơ thể, khoe khoang về bản thân và đốc thúc đăng ký các lớp học chuyên sâu. Giảng viên D tuyên bố: "Tôi là học trò xuất sắc nhất của Donald Trump, Warren Buffet. Khi tôi đi học, thầy bảo rằng rất nể phục tôi vì em là người Việt Nam. Về chứng khoán, tôi có một nhóm về kỹ thuật, báo mã hàng ngày, các bạn học cơ bản tôi sẽ dạy tất cả. Khi nào vào lớp học chuyên sâu, các bạn sẽ tìm thấy đam mê, lẽ sống của đời mình…".

Đặc biệt, người này hứa hẹn nếu học viên đóng 200 triệu đồng sẽ được học tất cả các kỹ thuật đầu tư, tham gia kết nối với rất nhiều ca sĩ, nhà đầu tư nổi tiếng, trong đó có cả các giám đốc công ty, doanh nhân thành đạt… Một viễn cảnh tương lai sáng lạn được mở ra với tiền và tiền khiến những học viên như Thanh nuốt lấy từng lời. Thậm chí, chị tin rằng chỉ cần học hết các khóa dạy làm giàu của giảng viên này sẽ trở nên giàu có. Vì vậy, Thanh đã không ngần ngại vay gia đình, họ hàng để đóng học phí. Sau 2 tháng chị mất tổng cộng 280 triệu đồng… làm giàu cho “thánh nổ”.

Không chỉ Thanh mà rất nhiều người trẻ ở các tỉnh, thành khác kéo nhau về tham gia các lớp học làm giàu này. Anh Thành quê ở Hà Tĩnh khi nghe đến lớp học làm giàu này đã dắt díu cả vợ con với mong muốn có thể nhanh chóng kiếm ra tiền, đổi đời. Anh cho biết: “Quê mình nghèo, hai vợ chồng làm lụng vất vả quanh năm mà vẫn khó khăn. Từ lâu mình đã muốn tìm hướng đi mới để có thể giúp cuộc sống gia đình khấm khá hơn. Vì thế, khi các giảng viên ở đây nói có bí quyết làm giàu hiệu quả, tôi đã quyết định ra đây học”.

Rất nhiều người phải trả giá đắt cho sự nóng vội muốn làm giàu của bản thân

Tin những lời hoa mỹ và nhất là nôn nóng làm giàu, anh Thành quyết định dồn tất cả tiền bạc, vốn liếng hai vợ chồng tích cóp được bắt xe ra Hà Nội tham gia lớp học làm giàu. Vì có cả vợ con nên anh phải thuê phòng trọ lớn, chi phí sinh hoạt tốn kém. Chỉ có điều, sau cả tháng ở Hà Nội anh vẫn chưa biết tới “bí quyết” làm giàu kia là gì.

Thanh, Thành là hai trong số rất nhiều người phải trả giá cho sự nóng vội của mình. Sau khi bản chất của những khóa học làm giàu lộ diện, cũng là lúc họ phải ân hận với suy nghĩ làm giàu không khó. Trên thực tế, thay vì giàu sang, họ lại trở thành con nợ. Toàn bộ số tiền họ bỏ ra chỉ để mua về một bài học “những người này không giúp họ làm giàu mà ngược lại…”.

Tỉnh táo để tránh “sa bẫy”

Sau khi ra trường, làm công việc với mức lương 6 triệu đồng/tháng, anh Hoàng Bá Hải (Hai Bà Trưng, Hà Nội) luôn cảm thấy phải thay đổi nên thường lên mạng internet tìm kiếm cách làm giàu, việc thu nhập cao… Nôn nóng kiếm tiền, thay đổi cuộc đời, anh cuống cuồng xin vào một công ty mới, với mức lương “khủng”. Tuy nhiên, cùng với thi đầu vào anh phải đóng khoản tiền lệ phí không nhỏ.

Anh Hải đã chấp nhận nộp tiền và cố gắng hết sức để được tuyển dụng nhưng kết quả vẫn bị đánh trượt. Sau đó, anh mới nhận ra, đấy là một công ty lừa đảo. Anh chia sẻ: “Mục đích của công ty này là thu phí tuyển dụng, sau đó họ sẽ tìm mọi cách để ứng viên không đủ điều kiện vào làm. Như vậy, ứng viên sẽ không thể kiện cáo gì vì không vượt qua được yêu cầu của họ và cũng chẳng có giấy tờ gì để chứng minh họ lừa đảo”.

Theo anh Hải, thông thường, công ty tuyển dụng đàng hoàng sẽ có phòng nhân sự riêng, còn công ty nhỏ thì phỏng vấn trực tiếp. Họ sẽ không thu tiền lệ phí của người xin việc, nếu có thì đó chỉ là phí mua hồ sơ. Những nơi chỉ chăm chăm vào việc thu tiền thì nhiều khả năng là lừa đảo. Thông tin tuyển dụng không rõ ràng, chỉ chung chung một nội dung là tuyển nhân viên cho bộ phận nào đó, không yêu cầu trình độ hoặc công việc nhàn hạ, mức lương cao chắc chắn chỉ là “mồi câu”.

Có kinh nghiệm làm quản lý 15 năm, chị Nguyễn Nguyệt Nga (chủ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội) chia sẻ, rất nhiều trường hợp người tìm việc bị các “trung tâm ma” giới thiệu đi phỏng vấn sai địa chỉ hoặc sai các thỏa thuận về điều kiện tuyển dụng, việc làm và thu nhập...

Vậy nên, để không bị lừa, người lao động nên đến các trung tâm giới thiệu việc làm công lập, miễn phí và hiệu quả cho sinh viên, thanh niên ở địa phương. Chẳng hạn như các trung tâm thuộc Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ... của thành phố Hà Nội. Đây là các điểm giới thiệu việc làm quy mô lớn, có liên kết với rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô cũng như cả nước; có cả việc làm lâu dài và thời vụ.

Nói về lớp học làm giàu “siêu tốc”, một chuyên gia tư vấn tài chính cho rằng, những người dạy kiếm tiền qua các khóa học đầu tư tài chính thường lấy chiêu dạy miễn phí ra dụ. Sau đó, họ dùng đủ cách thu hút người đến tham gia rồi kích thích ham muốn kiếm tiền, làm giàu thông qua các câu chuyện chứ thực tế không hề dạy bất kỳ một kiến thức nào.

Theo các chuyên gia, những người muốn học đầu tư, làm giàu cần lưu ý chọn lớp học do các tổ chức có chuyên môn đứng ra mở, có trụ sở và hoạt động thường xuyên ở những địa điểm cố định. Giảng viên dạy không dùng từ phô trương hay những câu chuyện bóng bẩy, siêu phàm. Các khóa học bình thường dưới một tháng, với mức học phí phù hợp, phải chăng.

Đặc biệt, các khóa học này không cam kết bảo đảm thành công, giúp học viên làm giàu hoặc hoàn tiền nếu làm ăn thua lỗ; cũng không có bất cứ hành động nào xúi học viên huy động tiền bằng mọi cách để đầu tư...

Bình Minh – Nguyễn Dũng

Theo Tuổi trẻ thủ đô

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Những sai lầm khi lập nghiệp của người trẻ: Miếng mồi ngon cho các trung tâm lừa đảo tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang