Tin tức
Thứ sáu , 27/12/2019, 10:14

Nỗi lo “bong bóng” startup Việt

Trong thời gian qua, các startup Việt Nam đã đón nhận hàng trăm triệu USD tiền vốn đầu tư. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại về nguy cơ “bong bóng” startup Việt Nam.

Theo Topica Founder Institute, năm 2018 các startup Việt nhận 889 triệu USD đầu tư, tăng gấp 3 lần năm 2017.

Những vụ đổ vỡ đình đám

Mặc dù thu hút tốt dòng tiền đầu tư, nhưng một số startup sau khi nhận vốn đầu tư “khủng” đã trở thành “bong bóng” và để lại nhiều hệ lụy. Chẳng hạn như startup Huy Việt Nam của Huy Nhật, chủ sở hữu nhiều chuỗi nhà hàng trong đó có Món Huế, đã đóng cửa loạt chuỗi cửa hàng.

“Bong bóng” không chỉ tồn tại ở Việt Nam, mà ở cả trên thế giới. Trường hợp chấn động nhất gần đây chính là startup WeWork. Trong vòng 4 tuần sau khi công bố bản cáo bạch IPO, giá trị vốn hóa của WeWork bốc hơi 37 tỷ USD xuống chỉ còn lại 10 tỷ USD. Trước sự e ngại của các nhà đầu tư, WeWork đã chính thức hủy kế hoạch IPO.

"Những công ty vẫn đang đốt tiền như Uber, Lyft và Peloton, hay We Company - công ty chủ quản của WeWork - đều đang phải đối diện với những cái nhìn nghi hoặc từ thị trường", nhà phân tích Carleton English của Information chia sẻ.

Bài học cho startup Việt

Gần đây, Nikkei Asian Review đăng một bài báo có tựa đề: “Startup công nghệ? Không, cám ơn” nói về việc Mekong Capital đã từ chối đầu tư vào các startup công nghệ. “Nhiều mô hình kinh doanh của các startup ở Việt Nam thiếu hợp lý”, ông Chris Freund từ quỹ này nhận xét và cảnh báo starup công nghệ bắt đầu có dấu hiệu “bong bóng”.

Theo ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc (CMA), một trong những bài học từ thất bại của Món Huế và WeWork nêu trên chính là chiến lược kinh doanh phải đi đôi với chiến lược quản trị tài chính doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không thực hiện được điều này, sẽ gặp nhiều khó khăn khi mở rộng quá nhanh và không kiểm soát được hoạt động của chuỗi và không kiểm soát được dòng tiền của chuỗi. Khi dòng tiền mang lại từ mỗi điểm kinh doanh không đủ trang trải chi phí hoạt động, thì doanh nghiệp có thể bị mất khả năng thanh toán.

Chúng ta nhìn lại Món Huế, khi mở rộng chuỗi rất nhanh, dòng tiền thanh khoản không đảm bảo dẫn đến nảy sinh vấn đề quản trị công ty. Chúng ta thấy rằng 200 điểm bán của Món Huế nhưng chỉ đem lại doanh thu khoảng 200 tỷ đồng/năm, như vậy mỗi một điểm bán chỉ đem lại doanh thu có 1 tỷ đồng.” – ông Phan Long cho biết.

Khoinghiep.org.vn

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Nỗi lo “bong bóng” startup Việt tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang