Tin tức
Thứ năm , 04/11/2021, 15:20

Quản lý ngân sách để độc lập về tài chính

.

Mọi người thường cho rằng tiền bạc không mang lại hạnh phúc. Nhưng ngay cả khi có nhiều kinh nghiệm về quản lý tài chính hay không, bạn vẫn phải thừa nhận một điều rằng: khả năng quản lý tiền bạc kém có thể là căn nguyên của mọi sự căng thẳng và bất hạnh.

Xã hội có những người quản lý tài chính tốt, nhưng cũng có không ít người để chuyện tiền bạc vượt quá tầm kiểm soát. Những người có kỹ năng quản lý tài chính có thể làm nên điều khác biệt và sống một cuộc sống dễ dàng hơn, đặc biệt là khi họ cao tuổi. Vì vậy, trang bị những kỹ năng cần thiết ngay từ khi còn trẻ là một điều vô cùng cần thiết, giúp bạn giảm gánh lo cho cuộc sống sau này.

Quản lý tiền bạc tốt là đảm bảo cân bằng giữa việc kiếm tiền, chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư, vay và duy trì, bảo vệ dòng tiền của chính bạn. Việc làm này không hề phức tạp, nhưng nó có thể trở thành chiếc chìa khóa quan trọng để giúp bạn đạt được những mục tiêu tài chính của mình, chẳng hạn như có được sự an tâm về mặt tâm lý. Quan trọng hơn là điều này có thể giúp bạn độc lập về tài chính mà không cần phải phụ thuộc quá nhiều vào sự hỗ trợ của người khác.

Dù khả năng thu nhập của doanh nghiệp đang ở mức độ nào, bạn vẫn phải tự học hỏi và trau dồi kiến thức để tạo thế mạnh riêng cho mình. Vậy đâu là bước đầu tiên của quá trình hình thành IQ về tài chính? Hãy lập ngân sách cá nhân!

“Khi được thực hiện một cách có hiệu quả, ngân sách có thể cung cấp bảng thông tin chi tiết và linh hoạt về các cách để giúp bạn đạt được mục tiêu về tài chính cũng như mục tiêu trong cuộc sống.” Roy Jones, CFP, đồng sáng lập và giám đốc vận hành của của Everspire Global cho biết. “Khuôn khổ cơ bản cho sức khỏe tài chính của mỗi người nằm ở việc quản lý thu nhập, kiểm soát chi phí và các hình thức chi tiêu. Yếu tố này của quy trình lập kế hoạch tài chính giúp mọi người tự tin hơn trong việc đưa ra các quyết định sáng suốt và đảm bảo độc lập về tài chính.”

Vì sao phải lập ngân sách cá nhân?

Những người có khả năng quản lý tài chính kém thường có xu hướng vỡ nợ và không tìm được cách để thoát khỏi cảnh nợ nần. Họ cũng thường không chuẩn bị trước kế hoạch tài chính khi mình về hưu. Ngân sách cá nhân sẽ cung cấp kế hoạch chi tiêu sao cho bạn sử dụng thu nhập của mình hôm nay nhưng vẫn đảm bảo khả năng tài chính cho hiện tại và tương lai. Có kế hoạch chi tiêu hợp lý sẽ giúp bạn đưa ra những quyết định thông minh và sáng suốt hơn so với những người không lập kế hoạch từ trước.

Lập ngân sách hỗ trợ đáng kể trong việc kiểm tra tình hình chi tiêu thực tế hàng tháng. Nhiều người trong chúng ta thường không nghĩ nhiều đến tác động tích lũy từ những thói quen chi tiêu của mình, nhưng những khoản chi dù là nhỏ nhất theo thời gian sẽ cộng dồn thành con số khổng lồ. Mức độ từ chối của một vài người về con số mà họ đã tiêu tốn cho những “thú vui” nhất thời là vô cùng đáng kinh ngạc. Họ nhận bảng sao kê từ ngân hàng nhưng lại không muốn đối mặt với chúng. Suy cho cùng, việc chối bỏ một điều gì đó có khả năng trở thành nguồn cơn của sự căng thẳng cũng chỉ là bản năng của mỗi con người.

Lập ngân sách giúp bạn có cái nhìn khái quát về những thông tin có liên quan để hiểu rõ vấn đề và xử lý chúng. Mặc dù quá trình này có thể chẳng mấy dễ chịu ở giai đoạn đầu, nhưng bạn không thể chối bỏ hiệu quả mà nó mang lại. Với các khoản chi tiêu và thu nhập rõ ràng, bạn sẽ có thể đưa ra các quyết định sáng suốt hơn và dần độc lập hơn về tài chính.

Bạn có thể sẽ cảm thấy ngạc nhiên khi biết được lợi thế đáng kể của việc lập ngân sách và học hỏi chiến lược tài chính cá nhân từ những người đi trước ngay từ sớm. Theo nghiên cứu, chỉ có khoảng một phần ba dân số thế giới quen thuộc với khái niệm về tài chính. Ngạc nhiên hơn nữa là tỷ lệ 1/3 này vẫn không đổi giữa các quốc gia giàu-không giàu và thậm chí là giữa những người giàu-không giàu trong mỗi quốc gia. Bên cạnh đó còn có xu hướng đáng quan ngại khác là ngày càng ít thanh niên và phụ nữ học được những kỹ năng này.

Các bước lập ngân sách cá nhân

Hiểu rõ về Thu nhập vs Chi tiêu

Ngân sách thường bao gồm hai nội dung chính, đó là thu nhập và chi tiêu. Số tiền (chi tiêu) mà bạn bỏ ra phải bằng hoặc thấp hơn số tiền mà bạn thu được (doanh thu), nếu không bạn sẽ gặp nguy cơ lâm vào cảnh nợ nần. Hầu hết mọi người đều nhận thấy cách tốt nhất là nên đối chiếu giữa thu nhập và chi tiêu hàng tháng. Tiền lương thường đến tối thiểu một lần mỗi tháng và các hóa đơn thuê/ thế chấp và các hóa đơn điện, nước,… của hộ gia đình cũng thường đến hạn vào mỗi tháng, vậy nên hãy lập khung thời gian sao cho thuận tiện cho các khoản chi tiêu này.

Nếu bạn chưa từng lập kế hoạch thu chi, hãy lấy mức doanh thu và chi tiêu của tháng trước để làm căn cứ. Bên cạnh đó, hãy dành thời gian để hiểu thêm về mức thu nhập của chính mình. Hãy ghi lại tổng thu nhập (thu nhập trước thuế và mức khấu trừ mà bạn chi trả cho kỳ quyết toán) và doanh thu ròng (số tiền thực thu sau khi đã nộp thuế và các khoản khấu trừ). Hãy để ý xem các khoản khấu trừ đi về đâu, chẳng hạn như thế thu nhập, bảo hiểm y tế, trợ cấp thất nghiệp và/hoặc kế hoạch nghỉ hưu.

Thực hiện “nguyên tắc ngân sách 50/30/20”

Khi đã có ý tưởng về doanh thu dự kiến trong tháng tới, bạn cần phải bắt đầu theo dõi các khoản chi tiêu và lập dự toán cho từng khoản. Có thể bắt đầu với việc áp dụng “nguyên tắc ngân sách 50/20/30”.

50% = Nhu cầu. Phân bổ phần lớn nhất trong doanh thu ròng cho những nhu cầu cơ bản nhất như nhà ở, hàng tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe, tiện ích và phương tiện giao thông. Nếu còn nợ chưa thanh toán, chẳng hạn như các khoản vay cho sinh viên, hãy liệt kê mức thanh toán tối thiểu vào danh mục này. Một số khoản chi phí có thể giống nhau qua từng tháng, một số khác sẽ có xu hướng biến động. Hãy ghi lại tất cả những con số này và ước tính con số thực tế cho những mục chi tiêu có sự biến động.

Chi phí sinh hoạt trong khu vực bạn sinh sống sẽ có tác động lớn nhất đến nhu cầu chi tiêu của bạn. Nếu không chắc liệu khoản chi này có thật sự cần thiết hay không, hãy tự hỏi bản thân xem điều gì sẽ xảy ra nếu như bạn thật sự không mua chúng. Nếu không chi tiêu dẫn đến hậu quả nghiêm trọng (ví dụ như bị trục xuất hoặc chết đói), thì đó chính là những khoản chi mà bạn có nhu cầu, hãy liệt kê chúng vào danh mục này.

30% = Mong muốn. Có thể dùng cụm từ “chi tiêu không cần thiết” để mô tả danh mục này. Các khoản chi tiêu gồm giải trí, du lịch, ăn uống, mua sắm và những nội dung không thiết yếu khác. Giới hạn các khoản này ở mức 30% chi tiêu ròng. Một vài khoản chi tiêu không cần thiết có thể đóng vai trò quan trò quan trọng về mặt cảm xúc, thể chất hoặc tâm lý, chẳng hạn như việc bạn vẫn có thể sống thiếu lớp thể hình nhưng nó có thể giúp bạn duy trì sức khỏe.

Phân bổ 30% chi phí ròng cho các sản phẩm và dịch vụ mà bạn sử dụng ở danh mục này. Nếu cảm thấy mình cần cắt giảm chi tiêu không cần thiết để trang trải cho cuộc sống, hãy thử xếp hạng những nội dung đã liệt kê theo thứ tự ưu xem đâu là thứ quan trọng nhất với bạn.

20% = Tình hình sức khỏe tài chính trong tương lai. Tốt nhất là bạn nên tiết kiệm khoảng 10% thu nhập ròng mỗi tháng cho đến khi nghỉ hưu. Đây là việc mà bạn cần chuẩn bị ngay từ khi còn trẻ để có thể độc lập về tài chính, vì những khoản đầu tư này cần thời gian để phát triển. Đừng đợi đến năm 40 tuổi mới bắt đầu tiết kiệm vì thời điểm này đã quá muộn màng.

Lập quỹ khẩn cấp cũng là một ý tưởng khá hay ho. Những khoản chi tiêu đột xuất không lường trước được như hóa đơn dịch vụ chăm sóc sức khỏe hay mức chi phí đáng kể cho việc sửa chữa xe cộ sẽ khiến bạn cảm thấy đau đầu nếu không có khoản dự phòng về tài chính. Lúc này, bạn sẽ có một lựa chọn là chia đôi 20% thu nhập của mình, dành 10% để tiết kiệm cho lúc bạn nghỉ hưu và 10% còn lại dùng làm “ngân sách đệm”, có thể dùng như một quỹ khẩn cấp để chi trả nợ hoặc đạt được những mục tiêu tài chính lớn hơn như đầu tư hoặc mua nhà nếu nó không được dùng cho các trường hợp đột xuất.

Theo dõi các khoản chi phí

Nếu thấy khó khăn trong việc theo dõi mọi khoản chi phí trên giấy tờ, một số ứng dụng có thể download từ các cửa hàng ứng dụng trực tuyến sẽ giúp bạn thực hiện công việc này một cách dễ dàng hơn. Các ứng dụng này không chỉ giúp bạn ghi nhận các khoản chi tiêu dễ dàng, mà còn có thể phân tích dữ liệu để cho ra các biểu đồ đơn giản và cho bạn biết ngân sách hiện tại của mình đang ở mức nào. Chúng cũng có thể giúp đưa ra chiến lược phù hợp để đạt được mục tiêu tài chính dài hạn một cách nhanh chóng mà không cần phải tự mình xử lý các con số.

Tâm lý cá nhân về lập ngân sách

Khi đã nắm vững nguyên tắc theo dõi chi phí, bạn có thể học thêm được nhiều điều về tâm lý cá nhân đối với tiền bạc. Khoản ngân sách này giúp bạn có trách nhiệm hơn với bản thân và tránh mắc phải một số nhận thức sai lầm.

Có thể bạn đã nghĩ “Tôi không ăn bên ngoài nhiều đến thế” nhưng sau đó lại nhận ra rằng bạn đã thực sự chi 27% chi tiêu ròng tại các nhà hàng. Tuy nhiên, đôi khi chi tiêu say sưa đôi chút cũng chưa hẳn là điều xấu. Hãy tự thưởng cho bản thân những phần thưởng nhỏ nếu bạn chi tiêu dưới ngân sách đã lập. Điều này sẽ giúp bạn thành công và độc lập hơn về tài chính trong dài hạn.

Hãy bắt đầu bước đầu tiên để độc lập về tài chính ngay từ hôm nay

Khi đã biết được cách lập ngân sách, hãy bắt tay vào thực hiện để hướng tới một tương lai độc lập và ổn định. Mặc dù không thể lường trước hoặc loại bỏ hoàn toàn được những căng thẳng có thể xảy ra trong cuộc sống, nhưng quản lý tiền bạc một cách thông minh có thể giúp bạn tránh khỏi một số căng thẳng nhất định mà mọi người vẫn thường gặp phải.

Khi lập ngân sách, hãy dùng tiền một cách có mục đích: đáp ứng các mục tiêu về ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Đến khi đó, bạn sẽ thấy được việc lập ngân sách chính là bàn đạp cho những tiềm năng khác giúp bạn có được sự độc lập về tài chính và có cuộc sống ổn định hơn trong tương lai.

Theo Rachita Sharma

allbusiness.com

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Quản lý ngân sách để độc lập về tài chính tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang