Tin tức
Thứ năm , 16/05/2019, 16:06

Startup “siêu tốc” tự đi vào đường chết

.

Công ty khởi nghiệp giao thông tốc độ cao Arrivo của các cựu giám đốc Hyperloop One từng hứa hẹn “kết thúc giao thông phiền não” bằng phương thức vận chuyển của tương lai. Tuy nhiên, chính bản thân họ đã tự “kết thúc” sự nghiệp. Công ty đã đóng cửa vào tháng 12/2018 khi bị nhân viên bao vây trong lúc tìm kiếm nguồn tài trợ mới.

Khởi nghiệp giao thông tương lai Arrivo đã ngừng hoạt động từ tháng 12/2018. Toàn bộ 30 nhân viên công ty đã bị sa thải vào cuối tháng 11. Công ty khởi nghiệp ở Los Angeles đã ngừng hoạt động do không kiếm được nguồn tài trợ mới.

Công ty giao thông tốc độ cao này thành lập năm 2017 bởi cựu kỹ sư SpaceX - Brogan BamBrogan, đồng sáng lập Hyperloop One. Hai đồng sáng lập khác đã từ chức trước khi có thông báo ngừng hoạt động. Andrew Liu - một trong những đồng sáng lập - đến từ Công ty Xây dựng AECOM trước khi làm việc với Arrivo, ra đi vào tháng 10. Jadon Smith - cựu binh của SpaceX, từng làm việc cho Lockheed Martin và CIA - rời đi sau đó.

Arrivo được sinh ra trên đống tro tàn của mối quan hệ giữa BamBrogan và Hyperloop One. Ông bị hất cẳng khỏi công ty vào mùa hè năm 2016 sau khi tranh chấp với đồng sáng lập Shervin Pishevar, Afshin Pishevar - người phụ trách vấn đề pháp lý, CEO Rob Lloyd và các thành viên hội đồng quản trị.

Khi ra đi, BamBrogan đã đâm đơn kiện Hyperloop One, Afshin Pishevar và những người khác, cáo buộc họ đã sa thải một cách sai trái, phỉ báng, lạm dụng tài chính và tấn công ông. Hyperloop One thì buộc tội BamBrogan dàn dựng lên tất cả, đánh cắp máy tính và lên kế hoạch bỏ đi với một số nhân viên chủ chốt. Cuối cùng, các vụ kiện cũng được giải quyết. Nhưng Hyperloop One đã đổi tên thành Virgin Hyperloop One sau khi nhận đầu tư từ Richard Branson cuối năm 2017.

Brogan BamBrogan - nhà sáng lập Arrivo. Ảnh: The Business Journals

Arrivo được thành lập đầu năm 2017 và khác với hầu hết dự án giao thông tốc độ cao khác. Thay vì vận chuyển người hoặc hàng hóa thông qua hệ thống đường hầm siêu tốc, Arrivo lại phát triển thứ phương tiện gần giống với công nghệ tàu đệm từ tốc độ cao dựa trên ý tưởng của Elon Musk - chủ hãng Tesla, SpaceX và Boring Company. Sản phẩm của Arrivo sử dụng nam châm để phóng đi với tốc độ 200 dặm/giờ (khoảng hơn 320 km/h). Nó có thể được sử dụng cho mục đích vận tải hàng hóa, thậm chí là phương tiện cá nhân.

BamBrogan nói với The Verge năm 2017 rằng: “Chúng tôi muốn nối tính di động và tính vận chuyển thành liền mạch. Tôi không muốn đi ăn tối với bạn tôi. Tôi muốn ở bữa tối với bạn tôi”.

Công ty đã công bố kế hoạch xây dựng đường thử ở Colorado vào năm 2018. Song theo báo cáo của 9News.com, dự án chưa từng khởi công. Amy Ford - Trưởng bộ phận di động tiên tiến của Sở Giao thông vận tải Colorado - nói với The Verge sau khi có thông tin rằng: một nghiên cứu có khả thi do Arrivo tài trợ đã “lên đường”. Song startup đã không còn nói chuyện với cơ quan nhà nước khoảng một tháng. BamBrogan từng tuyên bố Arrivo sẽ chi khoảng 15 triệu USD để xây đường thử cũng như một trung tâm nghiên cứu bên ngoài Denver.

Ảnh: Arrivo

Trước khi đóng cửa, Arrivo cũng đã thông báo về thỏa thuận trị giá 1 tỷ USD với một công ty con thuộc tập đoàn nhà nước Trung Quốc có tên Genertec. Nhưng thỏa thuận này không phải đầu tư trực tiếp. Thay vào đó, Genertec cam kết mở khoản tín dụng trị giá 1 tỷ USD để các đối tác của Arrivo có thể xây dựng hệ thống giao thông đầy đủ.

Nhưng Arrivo đã bị “phong ấn” do không thể lấy được tài trợ trong vòng gây vốn sê-ri A. Đồng thời, mối lo ngại của người lao động cũng góp phần dẫn đến việc đóng cửa công ty.

Ảnh: Getty/ TechCrunch

Tháng 12/2018, một nhân viên của công ty đã tiết lộ rằng: Arrivo đã cho người lao động nghỉ không lương. Người này mô tả môi trường làm việc ở Arrivo “không ổn định và thiếu định hướng đúng đắn”. Thậm chí, một thành viên trong ban lãnh đạo đã mang theo chiếc rìu vào văn phòng, trưng bày và đập thủng một lỗ trên tường.

Hai nhân viên khác đã tiết lộ người đó chính là BamBrogan (trước đó ông từng khoe sắm một cái rìu trên Twitter). Có vẻ, cái rìu là đòn xoa dịu, đồng thời cũng để thị uy.

Tuy nhiên, với những gì đã xảy ra, rõ ràng chỉ rìu thôi là không đủ để cứu cả một công ty, dù nó đã từng rất hoành tráng.

Theo songmoi.vn

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Startup “siêu tốc” tự đi vào đường chết tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang