Tin tức
Thứ năm , 23/04/2020, 08:51

Startup tìm cách 'vượt sóng' trong Covid-19

Các công ty khởi nghiệp tìm kiếm nhiều giải pháp thu hút người dùng, duy trì kinh doanh khi tác động bởi Covid-19 ngày càng rõ rệt.

Đại dịch Covid-19 đặt ra bài toán cho các startup phải sáng tạo và thích nghi nếu muốn giữ cho công ty hoạt động và nhân viên làm việc hiệu quả. Giới chuyên gia nhìn nhận các công ty khởi nghiệp buộc phải cắt giảm chi phí và kế hoạch mở rộng là điều phải làm khi vừa xảy ra khủng hoảng, nhưng để tồn tại trong cuộc chơi thì phải học cách thích nghi, đa dạng hóa.   

WMaill - nền tảng thương mại điện tử B2C ở thị trường tỷ dân Ấn Độ là một ví dụ điển hình. Khi việc kinh doanh có dấu hiệu đình trệ, công ty chú trọng phát triển kênh nội dung đa dạng như những chủ đề tư vấn, chia sẻ thông tin sức khỏe, chăm sóc mẹ và bé, thông tin cần biết về Covid-19... nhằm giữ chân người dùng. 

"Chiến lược của công ty ngay từ đầu là trở thành cầu nối thương mại đến người tiêu dùng. Nhưng trong tình hình khó khăn, nhiều hạn chế như hiện tại, sáng tạo nội dung sẽ giúp chúng tôi tiếp cận và thu hút khách hàng", Harmin Shah - đồng sáng lập WMall chia sẻ.  

Harmin Shah cho rằng Covid-19 gây tác động tiêu cực nhưng cũng giúp doanh nghiệp phải năng động tạo ra nhiều kịch bản ứng phó và nâng cao năng lực vượt qua thử thách. Nếu khâu nội dung chuẩn bị tốt, đủ sức hấp dẫn, WMall có thể tiếp tục hoạt động và xây dựng lâu dài hơn. Nhờ khoản vốn 9 triệu USD huy động thành công từ SAIF và Chiratae, WMall sẽ tiến hành mở rộng quy mô, thử nghiệm sáng tạo nội dung song song với việc tăng cường danh mục sản phẩm.

FabAlley - startup thời trang nhanh dành cho phụ nữ tại Noida, Ấn Độ, cũng gặp thách thức về kinh doanh do dịch bệnh. Các cửa hàng vốn mang lại doanh thu cao nay phải đóng cửa, buộc công ty chuyển sang chiến lược kinh doanh trực tuyến.    

Shivani Poddar - đồng sáng lập FabAlley, cho biết startup này đang tung nhiều chương trình khuyến mãi và ưu đãi trực tuyến để thu hút khách hàng. Công ty cũng đẩy mạnh các mặt hàng phù hợp, chọn lọc sản phẩm cốt lõi, có sức mua lớn, bắt đầu lên ý tưởng thiết kế và bộ sưu tập mới cho khách trong ba tháng tới.

"Trong thời gian hạn chế di chuyển này, chúng tôi tập trung thiết kế nhằm sẵn sàng trở lại sản xuất khi tình hình cải thiện", Shivani Poddar nói.

Ngoài ra, thâm nhập thị trường tạp hóa trực tuyến là một trong những giải pháp được nhiều startup lựa chọn. Ví dụ công ty thương mại Meesho ghi nhận doanh thu khả quan tung ra ngành hàng tạp hóa, bao gồm các nhu yếu phẩm, đồ dùng gia đình, chăm sóc sức khỏe... Tương tự, BharatPe đã tận dụng mạng lưới cửa hàng để mời gọi người dùng đặt hàng tạp hóa trực tuyến dựa trên mã QR.

Các chuyên gia khuyến cáo startup cần phải chuẩn bị đủ lượng tiền mặt cần thiết để sống sót trong 12-18 tháng, tập trung vào tăng trưởng hợp lý thay vì chỉ chú trong lợi nhuận, nên thay đổi kế hoạch kinh doanh cho phù hợp.   

Trang Anh

Theo Vnexpress.net

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Startup tìm cách 'vượt sóng' trong Covid-19 tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang