Tin tức
Thứ bảy , 16/07/2022, 00:00

Thứ hạng của Việt Nam trong chỉ số hệ sinh thái khời nghiệp toàn cầu 2022 của Startup Blink

.

Tiếp tục đà tăng trưởng sau 2 năm duy trì ở vị trí thứ 59, Việt Nam tăng 5 bậc lên vị trí thứ 54 trong bảng xếp hạng Chỉ số Hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu 2022 của Startup Blink. Ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam tăng 1 bậc vươn lên vị trí thứ 5, vượt qua Philippines và có khả năng vượt qua Thái Lan (thứ 4 khu vực) trong năm tới nếu duy trì được đà tăng trưởng tích cực như hiện nay.

Việt Nam tăng 5 bậc lên vị trí thứ 54  

Bảng xếp hạng Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu năm 2022 của Startup Blink được tính dựa trên tổng điểm số lượng, chất lượng và môi trường kinh doanh. Tổng điểm này được thiết kế không chỉ để phân loại và xếp hạng các hệ sinh thái mà còn cho thấy một cách rõ nét khoảng cách giữa các hệ sinh thái.

Điểm số lượng và điểm môi trường kinh doanh của Việt Nam có sự chênh lệch không nhiều so với các quốc gia Đông Nam Á trong bảng xếp hạng và đứng thứ 4 ở cả 2 hạng mục này. Tuy nhiên, điểm chất lượng của Việt Nam lại thấp nhất khu vực và có khoảng cách khá xa so với Singapore và Indonesia. Về tổng số điểm, Việt Nam giữ khoảng cách không xa so với Thái Lan nhưng tương đối cách biệt với Malaysia, Indonesia và đặc biệt là Singapore.

Các ngành đang phát triển thu hút các nhà đầu tư bao gồm thương mại điện tử, fintech, công nghệ thực phẩm, giải pháp doanh nghiệp và dịch vụ công nghệ thông tin. Với những Kỳ Lân như MoMo và Sky Mavis, Việt Nam đang trở thành một cường quốc khởi nghiệp ở Đông Nam Á.

Các doanh nghiệp khởi nghiệp nổi bật của Việt Nam được nêu trong Báo cáo gồm 2 Kỳ Lân là
MoMo - ứng dụng thanh toán và ví điện tử cho phép người dùng thực hiện thanh toán và chuyển tiền kỹ thuật số và Sky Mavis - công ty phát triển phần mềm sản xuất các trò chơi và sản phẩm dựa trên công nghệ blockchain và Sendo - trang web thương mại điện tử cung cấp quần áo, đồ gia dụng, mỹ phẩm và phụ kiện công nghệ. Cả 3 doanh nghiệp này đều có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh.

Hai thành phố nằm trong top 1000

Hai thành phố được xếp hạng trong top 1000 thành phố khởi nghiệp toàn cầu của Việt Nam là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội có khoảng cách tương đối xa nhau. Đứng thứ nhất tại Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh đứng thứ 6 khu vực Đông Nam Á và đang tiến gần hơn đến top 100 toàn cầu, tăng 68 bậc lên thứ 111. Ngược lại, Hà Nội vẫn duy trì vị trí thứ 7 khu vực nhưng lại giảm 31 bậc xuống vị trí thứ 222, rời khỏi top 200 toàn cầu. Một trong những nguyên nhân để
TP. Hồ Chí Minh có sự tăng trưởng ngoạn mục như vậy là có sự xuất hiện của 2 kỳ lân công nghệ mới là MoMo và Sky Mavis. TP. Hồ Chí Minh là nơi lý tưởng để đặt trụ sở cho các công ty khởi nghiệp Thương mại điện tử & Bán lẻ, Giáo dục và Vận tải. Trong khi đó, Hà Nội là
địa điểm lý tưởng để đặt trụ sở cho các công ty khởi nghiệp Giao thông, Giáo dục và Thương mại điện tử & Bán lẻ.

Hiện nay, phần lớn vốn đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam nằm ở giai đoạn giữa và sau, với giá trị đầu tư trung bình của mỗi vòng là 9,5 triệu USD. Chỉ 4% vốn được đổ vào các doanh nghiệp khởi nghiệp giai đoạn đầu, với giá trị đầu tư trung bình 1,152 triệu USD.
Cơ hội và thách thức

Theo báo cáo của của Startup Blink, hệ sinh thái Việt Nam có tiềm năng to lớn, chủ yếu là do quy mô thị trường lớn của nền kinh tế Việt Nam, giúp cho việc tạo ra các công ty khởi nghiệp thành công trong nước có lợi nhuận ngay cả khi họ không mở rộng ra quốc tế. Tuy nhiên, để trở thành một trung tâm khu vực và toàn cầu thực sự, Việt Nam cần tạo ra những đổi mới có tác động đến khu vực hoặc toàn cầu.

Chính phủ Việt Nam đã thành lập một số quỹ và sáng kiến ở các cấp khác nhau để hỗ trợ khởi nghiệp và thúc đẩy tinh thần kinh doanh như Quỹ SpeedUP do Sở Khoa học và công nghệ TP. Hồ Chí Minh khởi xướng, nền tảng trực tuyến Startupcity.vn, Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam - Phần Lan, Công viên công nghệ cao Sài Gòn (Saigon Silicon City) và Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia (NATIF) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.

Để thu hút các nhà đầu tư hoặc công ty nước ngoài vào Việt Nam, Chính phủ đưa ra các ưu đãi về thuế. Năm 2016, Việt Nam phê duyệt  Đề án Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đến năm 2025 (Đề án 844), nhằm thúc đẩy hơn nữa hệ sinh thái khởi nghiệp đang phát triển mạnh trong nước. Kể từ khi Đề án được triển khai, Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng các công ty khởi nghiệp mới và doanh thu. Năm 2018, Chính phủ đã phê duyệt Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để hỗ trợ khởi
nghiệp thông qua chuyển giao công nghệ, đầu tư, đào tạo và khuyến khích các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Theo Startup Blink, những thách thức chính mà cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt là thiếu lao động có trình độ, khan hiếm nguồn vốn, thiếu số lượng lớn các công ty khởi nghiệp quy mô và chậm cải cách quy định. Ngoài các nguồn vốn và các khoản vay hiện có, chính phủ cần đầu tư nhiều hơn vào đào tạo và giáo dục để xây dựng lực lượng
lao động có kỹ năng.

Việt Nam cần tiếp tục cải cách quy định để xây dựng môi trường kinh doanh thân thiện cho nhà đầu tư và nhà phát triển, đồng thời, thu hút các doanh nghiệp kỹ thuật số đến Việt Nam. Khi Việt Nam trở thành xã hội cởi mở, không bị hạn chế về Internet, thì hệ sinh thái khởi nghiệp càng dễ phát triển.

Cục Thông tin KH&CN Quốc gia – Bộ KH &CN - Bản tin “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, Số 21.2022 (ntbtra)

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Thứ hạng của Việt Nam trong chỉ số hệ sinh thái khời nghiệp toàn cầu 2022 của Startup Blink tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang