Tin tức
Thứ ba , 23/07/2019, 20:44

Tubudd: Cầu nối du lịch Việt Nam

Với mong muốn tạo lập cầu nối đưa du khách tới Việt Nam với một trải nghiệm đặc biệt, tạo ấn tượng để đưa họ trở lại, Founder Tubudd Vũ Thị Thái An (Annie Vũ) đã tạo nên nền tảng Tubudd.

Chia sẻ với Báo DĐDN, Cofounder Vũ Thị Thái An (Annie Vũ) cho biết, một bất cập của việc du lịch theo tour là chi phí cao, bị gò bó hành trình, không thỏa mãn được sở thích cá nhân của du khách.

Kết nối con người - con người

Ý tưởng về Tubudd từ đó ra đời, với mong muốn xây dựng một nền tảng du lịch kết nối khách hàng và hướng dẫn viên bản địa (local buddy), giúp cá nhân hóa chuyến đi theo nhu cầu và đem đến những trải nghiệm đậm chất địa phương cho du khách.

Có thể thấy rằng, hướng đi quảng bá du lịch bằng cách kết nối trực tiếp con người với con người (khách du lịch với người bản địa) là hướng đi đổi mới sáng tạo của Tubudd, bởi mỗi một buddy đã mang trong mình tính độc đáo, riêng biệt, khả năng riêng của từng người.

Cảm ơn Linh (buddy) và Tubudd đã giúp tôi có một chuyến du lịch Seoul khó quên. Linh là một buddy rất nhiệt tình và tốt. Cô ấy đã chủ động liên lạc để hướng dẫn tôi ngay cả khi chuyến đi của chúng tôi chưa bắt đầu và trả lời mọi thắc mắc của tôi. Đặc biệt, cô ấy là một chuyên gia về mua sắm, cô ấy biết tất cả những nơi mua sắm mà chỉ người địa phương biết, điều này rất có hữu ích đối với những cô gái như chúng tôi khi đi du lịch ở Hàn Quốc. Nhờ có Linh, chúng tôi đã có cơ hội được trải nghiệm trực quan ở Seoul " - bà Hương Trà một khách du lịch đi Hàn Quốc đánh giá về dịch vụ của Tubudd.

Gặp khó trong pháp lý

Theo Annie Vũ, bất kỳ một start-up nào cũng sẽ gặp khó khăn về mặt pháp lý do pháp luật Việt Nam chưa có một quy định nào liên quan đến những ý tưởng mới của start-up. “Ý tưởng đổi mới phải bứt ra cái cũ, tạo ra một vòng tròn mới bao quanh về pháp luật. Tubudd cũng như vậy, nên doanh nghiệp cần phải đi từ từ từng bước để dè chừng, xem xét động thái về pháp lý, cho nên doanh nghiệp start-up luôn cần nắm rất rõ các quy định pháp luật hiện hành” – Annie Vũ cho biết.

Cụ thể, hiện Tubudd gặp khó trong quy định của pháp luật về hướng dẫn viên du lịch phải có bằng cấp, chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên các local buddy lại không phải hoàn toàn là các hướng dẫn du lịch toàn thời gian, các buddy có trách nhiệm tự kê khai thuế cá nhân thì ở Việt Nam quy định này vẫn chưa rõ ràng. Các buddy hoạt động không hẳn một hướng dẫn viên, họ hoạt động như một người làm nghề tự do, nên khi giới thiệu khách hàng Tubudd phải nói rõ đây không phải hướng dẫn chuyên nghiệp.

Để giải quyết khó khăn trên Cofounder của Tubudd đề xuất được quyền cấp chứng chỉ riêng qua huấn luyện cho hướng dẫn viên du lịch. “Trên thực tế một hướng dẫn viên kinh nghiệm cần 5-7 năm tiếp xúc thường xuyên với du khách để trở nên chuyên nghiệp, nên Tubudd muốn tạo khóa đào tạo cung cấp các kỹ năng mềm, đào tạo cho hướng dẫn viên từ đó cấp chứng chỉ riêng cho họ. Chúng tôi sẵn sàng mời các chuyên gia về huấn luyện để trở thành local buddy” – Annie Vũ khẳng định.

Theo Khoinghiep.org.vn

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Tubudd: Cầu nối du lịch Việt Nam tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang