Tin tức
Thứ bảy , 22/10/2022, 00:00

Ươm mầm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ các vườn ươm doanh nghiệp

.

Ươm tạo các hạt giống tốt, hình thành nên những doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNÐMST) thành công, không thể thiếu vai trò đồng hành hỗ trợ từ các vườn ươm DN. Tiếp nối chuỗi sự kiện Ngày KNÐMST vùng ÐBSCL năm 2022 - TECHFEST Mekong 2022, sáng 20-10, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ tổ chức hội thảo “Tận dụng lợi thế vườn ươm DN thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong DN”. Qua đó nhằm khẳng định cam kết đồng hành hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp. KNÐMST từ các vườn ươm DN ở khu vực ÐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.

Tạo ra giá trị mới

Ðể phát huy vai trò của trường đại học trong hoạt động liên kết và hỗ trợ DN ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và ươm tạo DN, PGS.TS Lê Nguyễn Ðoan Khôi, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Trường Ðại học Cần Thơ, chia sẻ: Ðối tượng được hỗ trợ ươm tạo là sinh viên, giảng viên, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, những người có mong đợi thành lập DN khoa học công nghệ. Trong đó các lĩnh vực ưu tiên ươm tạo có thể kể đến nông nghiệp - thủy sản, chế biến và bảo quản nông sản thực phẩm, công nghệ sinh học, sản phẩm xử lý và bảo vệ môi trường, ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh. Qua đó thương mại hóa sản phẩm thông qua các hoạt động kết nối thị trường và đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.

Khẳng định vườn ươm DN là trái tim của hệ sinh thái KNÐMST và chương trình ươm tạo phải có sứ mệnh duy nhất là cung cấp giá trị cụ thể cho DN khởi nghiệp, ông Lý Ðình Quân, Tổng Giám đốc Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn, chia sẻ: Trước hết cần nhận thức đầy đủ hơn về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, vai trò của ươm tạo DN. Ðịnh vị mục tiêu, vị thế và thương hiệu cho Vườn ươm DN… Tổ chức nguồn lực, chính sách và đầu tư chương trình ươm tạo DN uy tín, chất lượng, hiệu quả gồm: đội ngũ nhân sự, chuyên gia, quỹ đầu tư, đối tác hạt giống, mạng lưới mentor, đối tác hỗ trợ, đối tác thị trường, hạ tầng, cơ chế, chính sách, kết nối… Xây dựng mạng lưới hệ sinh thái khởi nghiệp phục vụ cho ươm tạo, trong đó đặc biệt là mạng lưới hạt giống doanh nhân tài năng, đối tác hỗ trợ, vốn đầu tư, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ tối đa cho các startup ươm tạo, có cơ chế khuyến khích động lực để thu hút nguồn lực tham gia vào hoạt động ươm tạo. Khó nhất vẫn là giai đoạn đầu hình thành văn hóa, nguồn lực, hạ tầng tri thức, chính sách, mạng lưới nguồn lực cho ươm tạo DN nên cần có những cán bộ, nhà quản lý, nhân viên tri thức, nhiệt huyết, bản lĩnh tiên phong.

Thay đổi và thích ứng

Vườn ươm DN là một mô hình hỗ trợ ươm tạo DN toàn diện được thiết kế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN khởi sự và mới được thành lập phát triển thông qua cung cấp các dịch vụ dùng chung, đào tạo, hỗ trợ tài chính, trang thiết bị và nhà xưởng để các doanh nghiệp phát triển. Theo ông Phạm Minh Quốc, Giám đốc Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (KVIP), Hiện nay, vườn ươm công lập còn mang nặng tính chất hành chính, thiếu vốn đầu tư trang thiết bị, kinh phí hỗ trợ startup, thiếu vốn mồi từ phía Nhà nước. Do đó, cần có cơ chế chính sách phù hợp để phát huy hiệu quả ươm tạo. Vườn ươm đang ra rà soát cơ chế chính sách, sửa đổi bổ sung cho phù hợp cũng như cụ thể hóa các hỗ trợ ưu đãi cho các dự án ươm tạo. Ðồng thời, đầu tư trang thiết bị hiện đại, phù hợp đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, ươm tạo DN. Tranh thủ các chính sách thu hút nguồn lực nghiên cứu khoa học, chính sách đào tạo nguồn nhân lực. Ðồng thời, tăng cường mạng lưới liên kết trong và ngoài nước gắn với đầu tư lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ số hóa.

Sau đại dịch, vấn đề khởi nghiệp có nhiều thay đổi, hướng đến các mô hình khởi nghiệp tinh gọn, thay đổi tư duy về thị trường, không chỉ tập trung theo vùng miền, địa phương mà mở rộng ra quy mô quốc gia và quốc tế. Bên cạnh đó có sự phát triển của những ngành nghề mới và các hình thức kinh doanh mới nhất là những ngành nghề liên quan đến công nghệ 4.0, chuyển đổi số. Những ngành nghề triển vọng cho khởi nghiệp sau đại dịch như công nghệ giáo dục, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phát triển ứng dụng, công cụ làm việc từ xa, thương mại điện tử và dịch vụ giao hàng, ứng dụng giải trí trực tuyến… Ông Nguyễn Ðức Long, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo và Ðào tạo công nghệ cao Hòa Lạc cho rằng: Các cơ sở ươm tạo cần có những hoạt động thích ứng sau đại dịch như cập nhật thông tin công nghệ, xu hướng khởi nghiệp - kinh doanh trong nước và quốc tế tới cộng đồng khởi nghiệp. Ðồng thời, đa dạng hóa các hoạt động tư vấn, đào tạo (kết hợp online, offline). Tăng cường các hoạt động kết nối; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp; Chú trọng các startup có tiềm năng tăng trưởng ở một số lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế hoặc phát triển sản phẩm, dịch vụ mang thế mạnh riêng của vùng, miền, quốc gia. Ðối với phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp phải làm sao đảm bảo tính kết nối; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển thị trường khoa học công nghệ. Thu hút, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị tại các vườn ươm DN, không gian khởi nghiệp. Ðồng thời, cần có các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp cụ thể, thực chất tại từng địa phương.

https://baocantho.com.vn/uom-mam-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-tu-cac-vuon-uom-doanh-nghiep-a152401.html

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Ươm mầm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ các vườn ươm doanh nghiệp tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang