Sách khởi nghiệp
Thứ ba , 30/05/2023, 00:00

Về quê lập nghiệp

.

Trong rất nhiều buổi tôi đã có dịp “sống” với thế hệ sau, đề tài khởi nghiệp thường được ưa chuộng nhất nhưng rồi cho dù có bao lời khuyên và tư vấn, bao giờ câu chuyện vẫn đi tới việc đi tìm một mô hình. Điều mà tác giả rất ngạc nhiên đó là các bạn trẻ cứ tin mãnh liệt vào việc, đâu đó chắc chắn phải có một mô hình nào đó phù hợp với họ và sẽ giúp cho họ chắc chắn thành công. Đối với các bạn, việc tìm mô hình giống như một cuộc đào mỏ, người ta sẵn sàng trả mọi giá để tìm ra cho bằng được cái mô hình kinh doanh, kiên trì đến như bị ám ảnh, rồi khi đã tìm ra nó rồi – thứ giúp một người bạn nào đó đang trên đà khởi nghiệp thành công, thì không có gì có thể gỡ các bạn này ra khỏi cái mô hình quý báu đó. Và nếu có ai đó phản biện thì sẽ được trông thấy ngay sự ngoan cố của bạn khởi nghiệp. Đối với bạn, không có mô hình là không có khởi nghiệp.

Đó là một sai lầm lớn.

Hầu hết các công cuộc khởi nghiệp hoặc lập nghiệp đều thất bại khi đi tìm một mô hình nào đó rồi cứ khư khư cố áp dụng cái mô hình mà mình đã từng hồ hởi kiếm ra.

Quyển sách này sẽ giúp cho các bạn ấy hiểu sự lầm lẫn lớn lao của mình.

Tác giả đã chứng kiến bao nhiêu cuộc khởi nghiệp hoặc lập nghiệp thành công, cũng như vô số những cuộc khởi nghiệp thất bại.Trong khởi nghiệp có rất nhiều yếu tố tạo nên sự thành công, trong đó có “may mắn” là một yếu tố quan trọng. Nhưng ngoài cái may mắn mà ai cũng cần có, lại còn phải tồn tại rất nhiều yếu tố khác nữa, trong đó có những thứ không thể hiện trong bất cứ một mô hình nào: đó là sự kiên trì, sự hiểu biết thị trường (đầu ra), khả năng tụ họp một đội làm việc gắn bó với nhau trong một thời gian dài, khả năng tiếp cận khách hàng, lắng tai nghe từ họ những chỉ trích tích cực hay tiêu cực, khả năng thuyết phục ngân hàng hoặc nhà đầu tư/tài trợ (cho dù người này là cha mẹ hay gia đình). Và đến khi có được hết tất cả những thứ này rồi, lại vẫn cần thêm sự uyển chuyển và khả năng theo dõi gu của thị trường và theo đó mà thích ứng. Rồi nếu tất cả vẫn trôi chảy thuận lợi thì lại còn thêm khả năng quản lý công ty và quản trị nhân viên. Bao nhiêu những thứ tôi vừa nói nào có thể hiện trong bất cứ một mô hình nào!

Với quyển sách “Về quê lập nghiệp” của tác giả Tuấn Trần đã đem đem tới cho chúng ta bằng chứng rằng muốn lập nghiệp thành công cần đủ mọi thứ nói trên nhưng lại không cần bắt chước bất cứ một mô hình nào. Bạn hãy cứ đi theo đam mê hay bất cứ một ý tưởng lập nghiệp nào, bạn cứ tiến từ từ, bạn hãy cứ bắt đầu bằng một công cuộc nho nhỏ, đúng với sức mình vào thời điểm đó, ban hãy cứ giải quyết từng vấn đề một khi nó xuất hiện, bạn cứ vui vẻ khi công cuộc ở bên bờ vực thẳm, vì bạn đã chấp nhận giả định từ trước rằng mọi sự có thể sập và phá sản. Rồi bạn vẫn cứ kiên trì tạo hệ sinh thái của việc kinh doanh, một hệ sinh thái gồm khách hàng, thầu phụ, người cung cấp, ngân hàng, luật sự, rồi chính cả gia đình của bạn, đứng đầu là vợ hay chồng. Bạn nhé, tất cả những nhân vật nói trên đều phải ủng hộ bạn, điều này có nghĩa là bạn đã có nhiều thỏa hiệp với tất cả, bạn đã sẵn lòng chiều chuộng tất cả...

Thử hỏi mô hình ở đâu trong một chiến trận mà mỗi một chiến binh chơi một kiểu và phản ứng khác nhau!

Vậy bạn nhé, bạn hãy tìm và chiêm nghiệm lộ trình của tác giả Tuấn Trần nếu bạn muốn chuẩn bị cho một cuộc lập nghiệp hay khởi nghiệp thành công.

 

 

CASTIHub (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Về quê lập nghiệp tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang