Tin tức
Thứ ba , 02/04/2019, 13:52

Xây dựng thí điểm 3 mô hình Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp

Trong năm 2019, ngành Giáo dục sẽ phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng thí điểm 3 mô hình Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp tại 3 khu vực, tạo không gian dùng chung cho HSSV các cơ sở giáo dục, đào tạo.

Kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên (HSSV) khởi nghiệp đến năm 2025” của ngành Giáo dục năm 2019 mới được Bộ GD&ĐT ban hành. Kế hoạch nhằm đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của HSSV về khởi nghiệp và chủ động tiếp cận với hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp trong và ngoài nhà trường.

Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tư vấn hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo; chủ động tìm kiếm các nguồn vốn xã hội hóa để hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp tại các cơ sở đào tạo; từng bước ban hành chính sách hỗ trợ khuyến khích giảng viên, sinh viên tham gia các hoạt động khởi nghiệp.

Theo kế hoạch, bên cạnh việc tổ chức cuộc thi “HSSV với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ 2 – năm 2019 (SWIS-2019) bắt đầu từ tháng 3 này, dự kiến vào trong tháng 9/2019, ngành Giáo dục sẽ tổ chức Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của HSSV lần thứ hai – năm 2019 (SV.STARTUP-2019) tại Đại học Bách khoa Hà Nội.

Cùng với đó, thời gian tới, Cổng khởi nghiệp http://www.congkhoinghiep.vn sẽ được hoàn thiện để liên kết với tất cả các cơ sở đào tạo, cung cấp tài liệu và các khóa đào tạo online cho HSSV, tạo kết nối với Cổng thông tin khởi nghiệp quốc gia của Đề án 844 - “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.

Đặc biệt, theo Kế hoạch mới ban hành, ngành Giáo dục sẽ phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng thí điểm 3 mô hình Trung tâm hỗ trợ HSSV khởi nghiệp tại 3 khu vực, tạo không gian dùng chung cho HSSV các cơ sở giáo dục, đào tạo.

Nội dung thí điểm sẽ tập trung vào 2 vấn đề gồm: Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, theo hướng lồng ghép nội dung, thời lượng các môn học khởi nghiệp, các kỹ năng khởi nghiệp vào chương trình chính khóa hoặc ngoại khóa một cách phù hợp. Đảm bảo sinh viên sau khi tốt nghiệp có đầy đủ kiến thức, kỹ năng đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc đủ năng lực vận hành các dự án khởi nghiệp.

Xây dựng chương trình hỗ trợ khởi nghiệp thông qua hoạt động trải nghiệm tại doanh nghiệp, xây dựng dự án khởi nghiệp theo yêu cầu, đặt hàng của doanh nghiệp nhằm tạo môi trường, tạo động lực, thúc đẩy tinh thần, khuyến khích sinh viên khởi nghiệp, khuyến khích giảng viên tham gia hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp.

Cũng nhằm tạo môi trường hỗ trợ HSSV khởi nghiệp, ngành Giáo dục cũng dự định tăng cường kết nối với các doanh nghiệp hỗ trợ không gian làm việc cho các nhóm HSSV đã có ý tưởng, dự án khởi nghiệp để vận hành các mô hình kinh doanh, sản xuất thử các sản phẩm mẫu.

Với công tác hỗ trợ đào tạo, Kế hoạch nêu rõ, sẽ xây dựng các tài liệu cung cấp kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho đội ngũ cán bộ tư vấn hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo; tài liệu cung cấp kiến thức kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên các cơ sở đào tạo; xây dựng các tài liệu truyền cảm hứng và hướng dẫn kiến thức kỹ năng khởi nghiệp cơ bản cho học sinh THPT; củng cố và tổ chức đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ tư vấn hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo; tổ chức các khóa đào tạo cho các sinh viên, nhóm sinh viên khởi nghiệp các kiến thức về quản trị doanh nghiệp...

Theo ictnews.vn

Bạn đang đọc bài viết Dự án: Xây dựng thí điểm 3 mô hình Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp tại Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cần Thơ. Nếu có ý kiến đóng góp vui lòng để lại bình luận hoặc gửi về castihub@gmail.com
Ý kiến của bạn
(Bạn cần đăng nhập để bình luận)
Lên đầu trang